Lời tiên tri về Võ Mị Nương

0
576

Viên Thiên Cang là thầy tướng số, phong thủy nổi tiếng vào đầu nhà Đường. Ông và Lý Thuần Phong cùng sáng tác cuốn sách tiên tri “Thôi Bối Đồ”, một trong những tiên tri nổi tiếng nhất lịch sử Trung Hoa.

Trong cuốn “Tân đường thư – Viên Thiên Cang truyện” ghi lại lời tiên đoán của Viên Thiên Cang về Võ Tắc Thiên như sau:

Lần tiên đoán này là vào thời điểm cha của Võ Tắc Thiên là Võ Sĩ Hoạch nhậm chức đô đốc ở Lợi Châu. Trong một lần Viên Thiên Cang đi ngang qua ngoài phủ của ông, tình cờ gặp vợ ông và đã lập tức nói: “Phu nhân, bà có cốt pháp không giống người thường, trong nhà tất có quý tử”. Viên Thiên Cang lúc ấy đã là bậc thầy về tướng số.

Vợ của Võ Sĩ Hoạch nghe thấy vậy trong lòng rất cao hứng liền mời Viên Thiên Cang vào trong phủ. Đầu tiên, bà dẫn hai người con trai của mình là Võ Nguyên Khánh và Võ Nguyên Sảng ra đứng trước mặt Viên Thiên Cang để ông tiên đoán tương lai.

Viên Thiên Cang nhìn thấy hai người này liền khen họ là “bảo gia chi tử”. Sau đó, người con gái lớn của vợ chồng họ cũng được gọi đến. Viên Thiên Cang nhìn cô con gái đó và nói rằng: “Cô nương này tương lai sẽ là quý phu nhân nhưng đáng tiếc lại khắc chồng.”

Cuối cùng, người nhũ mẫu bế một đứa trẻ đang bắt đầu tập tễnh bước đi, lại ăn mặc theo kiểu cách của một bé trai ra. Viên Thiên Cang vừa nhìn thấy đứa trẻ này thì sắc mặt chợt biến đổi. Khi đứa trẻ ấy bước đi hai bước và mở đôi mắt to ngước nhìn Viên Thiên Cang thì ông có phần kinh hãi.

Sau khi nhìn kỹ, ông nói rằng: “Đứa trẻ này sinh đúng ở chỗ “long tinh phượng cảnh” (nghĩa là: con ngươi của rồng và cái cổ của phượng hoàng), có tướng đại phúc đại quý. Đứa trẻ này sao có thể là con trai được? Là con gái thì tất sẽ là Vua của thiên hạ.” Đứa trẻ ấy chính là Võ Tắc Thiên. Sau này, quả nhiên không ngoài dự đoán của Viên Thiên Cang, Võ Tắc Thiên đã trở thành nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Lần tiên đoán thứ hai về Võ Tắc Thiên là của Lý Thuần Phong – người học rộng tài cao tinh thông thiên văn, địa lý và kinh dịch vào thời kỳ Hoàng đế Đường Thái Tông đã cao tuổi. Sử sách từng ghi chép lại đoạn hội thoại giữa Đường Thái Tông và Lý Thuần Phong:

Vào ngày 19 tháng 5 năm thứ Bảy niên hiệu Trinh Quán của nhà Đường, Hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân hỏi Lý Thuần Phong rằng: “Thiên hạ của Trẫm giờ có thể nói là khá ổn định rồi. Khanh thông hiểu Dịch kinh, toán quái, khanh có biết ai sẽ là người làm mất giang sơn của Trẫm, và sau triều đại của Trẫm, ai là người sẽ đăng cơ, triều đại mới nào sẽ bắt đầu, khanh hãy nói rõ ràng cho Trẫm biết”.

Lý Thuần Phong trả lời: “Muốn biết trước tương lai, phải minh tỏ được quá khứ. Người tài đức cầm quyền thì nước ắt sẽ còn, người không tài đức cầm quyền thì tự nhiên bại hoại. Đây cũng là đạo lý muôn đời không thay đổi.”

Đường Thái Tông lại hỏi: “Điều Trẫm muốn hỏi không phải là ý này. Trẫm là muốn khanh dùng hiểu biết về thuật số của mình, suy tính xem triều đại của Trẫm kéo dài được bao nhiêu năm, rồi ai là người làm loạn nước ta, ai là người làm mất nước ta, và kể rõ việc của từng thời đại. Điều mà Trẫm muốn biết chính là những việc ấy.”

Lý Thuần Phong thật thà nói: “Đây là Thiên cơ, thần không dám tiết lộ”.

Đường Thái Tông nói: “Khanh không nói, Trẫm cũng không miễn cưỡng. Hãy cùng Trẫm vào trong cấm cung đi!”

Lý Thuần Phong đi theo sau Đường Thái Tông lên lầu cao. Ở trên phòng cao ấy, Đường Thái Tông lại nói: “Nơi này, trên không đụng Trời, dưới không chạm Đất, khanh có thể vì Trẫm mà nói ra được rồi!”

Lý Thuần Phong cung kính nói: “Người làm loạn triều ta, ở ngay bên cạnh Bệ hạ. Bệ hạ không biết, 30 năm sau, một thân người đó sẽ giết chết hầu hết con cháu nhà Đường”.

Đường Thái Tông hỏi: “Người này là văn quan hay võ tướng? Khanh hãy nói rõ cho Trẫm biết, Trẫm lập tức giết chết người này để trừ họa cho đất nước”.

Lý Thuần Phong đáp: “Đây là Thiên ý, sức người có thể làm gì được? Người này hiện giờ đã ngoài 20 tuổi, nếu giờ giết chết đi, Trời tất sẽ giáng họa nước ta, con cháu nhà Đường càng nguy hiểm.”

Đường Thái Tông nói: “Thiên ý nếu đã định rồi, vậy thì khanh hãy thử nói sơ qua về người này xem”.

Lý Thuần Phong nói: “Người này chỉ có cây thương không rời thân, 2 mắt mọc trên không trung”.

(Lời này là tả về tên thật của Võ Tắc Thiên là Võ Chiếu. Võ Tắc Thiên có họ là Võ (“武”). Từ Võ (“武”) này do chữ “chỉ có”(“止”) ghép với “cây thương (” 戈”), tên là Chiếu (“曌”) tức là “2 mắt “(目目”) mọc ở trên không trung (” 空”). Về sau này, sự tình thực tế xảy ra hoàn toàn đúng với lời tiên đoán này.)

Hoàng đế Đường Thái Tông là người hiểu biết đạo lý, không tùy tiện lạm sát, minh tỏ thiên lý nên ông cũng không truy cứu việc này tiếp nữa. Cuối cùng, dù biết trước nhưng ông cũng không động thủ truy sát.

Sau khi Đường Thái Tông qua đời, bà trở thành Hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị. Cùng với tôn hiệu Thiên hậu của bà và tôn hiệu Thiên Hoàng của Cao Tông, 2 người đã cùng trị vì nhà Đường trong một thời gian và cùng được gọi là nhị thánh.

Sau khi Đường Cao Tông qua đời, bà qua các đời Đường Trung Tông Lý Hiển và Đường Duệ Tông Lý Đán với tư cách Hoàng thái hậu, và cuối cùng trở thành Hoàng đế duy nhất của triều đại Võ Chu (690 -705), trở thành nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.