Phạm Nhĩ và sự tích ông ba mươi

0
685


Nếu như bạn yêu thích hình tượng Tôn Ngộ Không – thông minh nghịch ngợm, không sợ trời không sợ đất thì sẽ thích nhân vật Phạm Nhĩ trong một motif tương tự của thần thoại Việt Nam.

Chẳng có chuyện nào kể rõ nguồn gốc lai lịch của ông, chỉ biết rằng ông không phải người thường mà cũng có tên trong danh sách biên chế của thiên đình (cũng có thể là một freenlancer thôi). Phạm Nhĩ vóc dáng to lớn, sức mạnh vô định, tài phép cũng biết khá nhiều, tương truyền có thể một đấm đoạt mạng đối phương không khác gì Saitama. Ông có đôi tai dài, thường để cho mọi người vui đùa, đu lấy 2 cái rái tai cho ông lắc qua lắc lại, vì thế mà có tên là Nhĩ.

Là người tinh nghịch và có phần hung hăng, ngạo mạn, Phạm Nhĩ cho rằng trên trời dưới đất chẳng có ai đánh nổi với mình nên nghĩ đến chuyện cướp ngôi Ngọc Hoàng chơi cho vui. Nhờ danh tiếng lẫy lừng, Phạm Nhĩ nhanh chóng thành lập được một đội quân ô hợp, kéo lên đánh thiên giới.

Ngọc Hoàng thấy thế thì hãi lắm, cử ngay 18 vị thiên tướng ra đánh giặc nhưng bị ông đập chết mất 15 ông, còn 3 ông chạy về mà thôi. Ngọc Hoàng cuống, cử tiếp 50 tay cận vệ của mình ra đánh cũng bị dập cho tơi tả. Đến lúc nguy cấp quá, thiên đình đành cầu cứu Phật tổ. Nhà Phật cử Chuẩn Đề đến hàng phục Phạm Nhĩ. Chuẩn Đề được mệnh danh là “Kim Cương Hộ Bồ Tát”, là một trong 4 vị Bồ Tát thân cận của Đức Phật, chuyên hộ trì Phật pháp và bảo vệ chúng sinh, pháp lực không hề nhỏ, vậy mà giao đấu với Phạm Nhĩ cũng bị ông ta đánh cho tơi tả phải chạy về (thậm chí có bản còn kể Chuẩn Đề bị Phạm Nhĩ giết)

Đến lúc này thì Phật tổ phải đích thân ra tay. Ngài dùng túi thần bắt nhốt được Phạm Nhĩ. Quân của Phạm Nhĩ thấy chủ tướng bị úp sọt rồi thì chạy tản mát đi hết. Phật tổ giao Phạm Nhĩ lại cho Thiên đình trừng trị, nhưng cũng note lại cho Ngọc Hoàng là không nên lấy mạng ông, vì thế Phạm Nhĩ bị đầy xuống trần làm loài hổ, cánh bị cắt cụt đi để không còn đường bay về thiên đình gây loạn được nữa, từ đó mà có câu: “Trời sinh ra hùm có vậy / Hùm mà có cánh hùm bay lên trời”.

Về phần ông Phạm Nhĩ, tuy phải sống trong lốt hổ, pháp lực bị giảm đi đáng kể, nhưng vẫn là một sinh vật mạnh mẽ, nhanh chóng trở thành chúa sơn lâm, trong rừng thì không loài nào địch nổi.Còn lý giải tại sao lại gọi hổ là “ông ba mươi”, là vì mỗi khi có người săn được một con hổ, đem nộp cho vua thì vua thưởng người đó 30 quan tiền, nhưng đồng thời người đó cũng phải bị phạt đánh 30 hèo coi như để xoa dịu Phạm Nhĩ vì đã giết con cháu của ông.