Tô Lịch Giang Thần

0
586

Hà Nội xưa có câu ca dao:

“Làng tôi có lũy tre xanh
Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng”

Ngày nay sông Tô Lịch có thể mùi hơi thối và nước màu hơi tối, nhưng đã từng một thời dòng sông là biểu tượng của sự trong trẻo nên thơ giữa lòng Hà Nội, và vị thần sông Tô Lịch cũng được mệnh danh là vị thần Thành hoàng cao cấp nhất, bảo hộ cho cả thành Thăng Long rộng lớn chứ không chỉ giới hạn ở địa dư làng xã.

Thần tích kể rằng vốn thời Bắc thuộc, ở Long Đỗ có ông Tô Lịch được làm quan lệnh, phong tước vương; gia đình sống ở đó lâu đời, êm ấm hòa thuận. Thời nhà Tấn đô hộ, xét những nhà có hiếu, gia đình vương được khen. Gặp năm mất mùa đói kém, nhà vương sẵn lòng cho dân vay thóc, triều đình lại ban khen, từ đó lấy Tô Lịch làm tên làng. Vương mất đi mà dân làng vẫn ghi nhớ công ơn đến nhiều đời sau.

Đời Đường Mục Tông, khi Lý Nguyên Gia sang làm quan đô hộ, thấy ngoài cửa bắc thành có dòng nước chảy ngược, sợ ý dân làm phản nên dời phủ trị tới bên sông. Ông mời các bô lão đến hỏi ý, rồi quyết định tôn Tô Lịch lên làm Thành hoàng. Đêm đến Lý Nguyên Gia gặp mộng, một ông lão râu tóc bạc phơ cưỡi con hươu trắng đến tạ ơn, rồi khuyên giải Nguyên Gia thẳng ngay, công minh với dân chúng. Nguyên Gia tỉnh mộng, bấy giờ mới hay là thần linh ứng.

Thời Cao Biền sang làm Tiết độ sứ, cho xây thành Đại La. Khi cưỡi thuyền trên sông bỗng thấy một lão già râu tóc bạc trắng đang tắm giữa dòng, cười nói tự nhiên. Biền hỏi họ tên, lão đáp họ Tô tên Lịch. Biền hỏi nhà ở đâu, đáp ta ở sông này. Dứt lời tay đập nước tóe mù mịt, biến mất vào dòng nước. Cao Biền biết là thần sông liền gọi là sông Tô Lịch.

Đời Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, nhiều lần vua mơ thấy thần đến bệ rồng hô vạn tuế. Vưa cười hỏi: “Tôn thần muốn giữ hương lửa tới trăm năm sao?”. Thần thưa rằng: “Chỉ mong thánh thọ dài lâu, cơ đồ bền vững, trong triều ngoài quận lúc nào cũng yên vui thì chúng thần giữ được hương lửa không chỉ một trăm năm”. Vua tỉnh dậy, sai quan đến tế, phong cho thần Tô Lịch làm Quốc đô Thăng Long Thành hoàng đại vương, tức là vị Thành hoàng của toàn cõi Thăng Long. Về sau đời Trần được phong thêm mấy chữ, thành tên đầy đủ là “Bảo quốc Trấn linh Định bang Quốc đô Thăng Long Thành hoàng đại vương”.