Địa Tạng Vương Bồ Tát là ai?

0
6365

Địa Tạng Vương Bồ Tát

Bồ tát Địa Tạng là ai?

Bồ tát Địa Tạng thường xuất hiện trong văn hóa Phật Giáo phương Đông, Ngài được miêu tả giống với một vị hòa thượng mặc áo cà sa oai nghiêm thanh tú. Ngài đã phát nguyện, kể từ lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ cho đến khi Đức Phật Di Lặc Tôn Vương đản sanh, Ngài sẽ ở trong địa ngục hóa độ chúng sinh, nếu địa ngục chưa trống sẽ không thành Phật. Trong văn hóa Nhật Bản, Địa Tạng là vị Phật bảo hộ cho trẻ nhỏ, cũng như hóa độ vong nhi và các thai nhi chết trong bụng mẹ.

Địa Tạng Bồ tát được mô tả có vẻ ngoài giống một nhà sư, có một nhúm lông trắng mọc ở trán giữa hai mắt, mặc áo cà sa đỏ, đội mũ tỳ lô quán đảnh, một tay cầm tích trượng 6 vòng biểu hiện cho cứu độ hết 6 đạo luân hồi, một tay cầm linh châu như ý tượng trưng cho trí tuệ sáng suốt, chân đạp hoa sen hoặc cưỡi Đế Thính. Ngài chính là một trong Lục Đại Bồ tát, Địa Tạng, Quan Âm và Thích Ca Mâu Ni được xưng tụng là Ta Bà Tam Thánh. Ngày vía của Bồ tát Địa Tạng là 30 tháng 7 âm lịch.

Vế ý nghĩa cái tên Địa Tạng, “Địa” có nghĩa dày dặn chắc chắn, “Tạng” là chứa đựng, hai chữ nói lên tấm lòng dung chứa hết mọi khổ ải cho chúng sinh. Nếu Quan Âm Bồ tát cứu độ những con người lâm cảnh khổ nạn thì Địa Tạng Bồ tát hóa độ và cứu rỗi chính những người đã tạo ra nhiều ác nghiệp sâu dày. Trong Mật tông của Phật giáo Tây Tạng, Ngài còn có tên là Dữ Nguyện Kim Cương.

Theo Phật giáo Nhật Bản, những linh hồn sau khi nghe Diêm La phán tội phước sẽ đi đầu thai chuyển kiếp ở cầu Sai (Nại Hà). Ở đây, những vong nhi còn lưu luyến vì kiếp đời mình sống chẳng được bao lâu đã tận mạng, chúng cùng nhau nhặt đá xây nên những cổng thành nhỏ mà không chịu đi, Địa Tạng Bồ tát thường đến vỗ về an ủi khuyên chúng từ bỏ tiền kiếp mà đầu thai, sẽ có thể làm lại kiếp người.

Ở một phiên bản khác ghê rợn hơn, quanh cầu Nại Hà có mụ phù thủy Datsuba độc ác, mụ cho rằng những vong nhi chết yểu đã không hoàn thành hiếu đạo với cha mẹ nên mụ lột hết áo quần của chúng, bắt chúng mỗi ngày trần truồng lạnh giá mà nhặt đá xây tháp cho mụ. Cứ xây xong tháp thì bọn quỷ dữ lại xô ngã rồi muốn ăn tươi nuốt sống bọn trẻ, lúc này Địa Tạng Bồ tát sẽ đến, ngài cho chúng chui vào áo cà sa mà trú, những đứa chạy chậm thì bám lên tay áo hay tòa sen. Bồ tát ôm lấy bọn trẻ: “Thôi nào đừng sợ, từ bây giờ ta sẽ là cha, là mẹ của các con”. Khi bọn quỷ kéo đến, ngài sẽ dùng minh châu chiếu ánh linh quang xua đuổi bọn chúng.

Một truyền thuyết khác của Nhật Bản vào hàng ngàn năm trước ở một ngôi làng tên Anwa, có người phụ nữ có tấm lòng kính Phật, bà luôn ước ao có được một pho tượng Phật để thờ phụng tại nhà nhưng hoàn cảnh quá nghèo khó. Một hôm giặt giũ bên sông thì có pho tượng Địa Tạng Bồ tát bằng gỗ trôi dạt vào bờ và bà đem về thờ cúng trang nghiêm, do chưa có con nên bà luôn mong Bồ tát gia hộ mình sẽ sinh được một đứa con. Về sau bà sinh ra một cậu con trai đáng yêu, không may khi con lên bốn thì bà mắc bệnh qua đời và người cha lấy thêm một người vợ lẻ.

Đứa trẻ lớn lên trong sự nhu nhược của cha và bản tính tàn ác của kế mẫu, được mẹ dạy dỗ kính trọng Phật pháp nên nó vẫn lén mẹ ghẻ mà phụng thờ bức tượng Địa Tạng. Một hôm khi người cha đi lên tỉnh, bà mẹ kế đang ngủ trưa, đứa trẻ lén mang một ít cơm nguội dâng cúng lên Địa Tạng Bồ tát và người mẹ của mình. Lòng nhớ mẹ của đứa trẻ mồ côi nên nó bật khóc và bị mẹ ghẻ phát hiện, bà ta quyết lần này nhổ cỏ tận gốc phải giết chết thằng nhãi ranh phiền phức kia.

Nghĩ đến đó, bà ta quăng ngay đứa bé vào chảo nước đang sôi. Người cha đi đường mà tâm trạng vô cùng bất an phải quay về, đến đầu làng ông gặp một nhà sư cõng đứa trẻ đang khóc, nhận ra tiếng của con mình ông chạy đến xin lại con trai, nhà sư giải bày: “Ta đã đổi mạng của ta cho đứa trẻ này khi người mẹ kế của nó đang tìm cách giết nó.

Ngươi hãy tìm kẻ nào đáng tin cậy để nuôi dưỡng và giáo dục đứa bé này.” Rất mang ơn vị sư, người cha hỏi ngay: “Thưa thầy, thầy đang trụ trì ở đâu vậy ạ?”. Vị sư cười nói: “Ta ở gần đền thờ vua Thập Điện” sau đó biến mất trong không trung. Sau khi mang con gửi ở nhà ông bà nội, người cha về tra hỏi bà mẹ kế: “Con trai tôi đâu? Nó đang ở đâu?”, người đàn bà gian xảo diễn trò mèo khóc chuột: “Tôi rất tiếc nhưng do nó dại dột ham chơi đã ngã xuống sông chết đuối, nước cuốn trôi xác rồi!” Người cha mở nắp chảo nước đang sôi thì thấy pho tượng Địa Tạng Bồ tát của vợ ông ngày xưa đang nằm trong đó, giờ thì người cha đã hiểu tại sao nhà sư lại nói rằng ông ấy “lấy mạng đổi mạng” cho con mình và lại tu ở gần Thập điện diêm vương. Chán nản tình đời dối trá, ông quyết xuất gia kề cận phụng thờ Địa Tạng Bồ tát. Ngày nay ở Nhật, Địa Tạng Bồ tát chính là vị thần bảo hộ cho trẻ con.

Các tiền kiếp của Địa Tạng Vương Bồ Tát

Một kiếp kia lúc chưa đắc quả Bồ tát, Ngài hóa sanh làm con gái của một gia đình Bà la môn nọ. Lúc đó là vào thời giáo độ của Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, thánh nữ Bà la môn lại hết lòng cung kính Đức Phật này. Tuy nhiên mẹ cô lại có tâm phỉ báng khinh khi, bà tự ỷ thế cường quyền gieo rắc đau khổ cho kẻ nghèo hèn, bao nhiêu ác nghiệp đã tạo nên khi lâm chung đương nhiên bị đày xuống địa ngục Vô Gián.

Nàng con gái thấy mẹ ra đi không an lòng, đem tài sản đi làm việc phước thiện, luôn hướng tâm cúng dường Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại. Một lần, Đức Phật hiển linh nói cho nàng biết rằng hãy về tư gia thiền định và niệm danh hiệu Phật sẽ biết được thân mẫu giờ đang ở đâu. Nàng lễ Phật vừa xong, liền trở về nhà cứ y theo lời Phật dạy, nàng ngồi yên lặng một chỗ, niệm danh hiệu của Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai một ngày một đêm.

Thình lình nàng thần mộng đi đến một chỗ bờ biển kia, nước cuồn cuộn sôi trào, ba đào sóng bủa, lại thấy nhiều giống ác thú, cả mình bằng sắt, nhảy nhót bơi chạy trên mặt biển, không biết là bao nhiêu, lại thấy những đàn ông và đàn bà, kể hơn trăm ngàn, lặn xuống trồi lên ở trên ấy, thảy đều bị những thú dữ kia dành giựt bấu xé mà ăn thịt. Quỉ Dạ Xoa thì hình thù khác nhau hoặc có thứ nhiều tay nhiều chân, hoặc có thú nhiều con mắt nhiều đầu, hoặc có thứ nanh bén nhọn như gươm mọc ló ra ngoài miệng, thảy đều áp lại lùa đuổi những bọn tội nhơn đến gần cho thú dữ kia ăn thịt.

Nàng hỏi thăm một quỷ vương kia và được giải đáp: “Ở phía Tây có ngọn núi cao ngàn trượng tên là Thiết Vi, bên trong núi ấy có một địa ngục. Người ta chỉ có thể đến đây bằng hai cách, một là nghiệp lực sâu dày bị đày đọa, hai là thần thông phi phàm mới đến được, vị đây chắc là Bồ tát tương lai mới có thể ngang nhiên du hành”. Thánh nữ lại hỏi thêm rằng:”Biển này là biển gì, tại sao những người kia lại bị hành hạ đến vậy?”, quỷ vương hành lễ rồi đáp: “Những người đã chết đó, lúc sanh tiền lại không có chút gì là điều phước thiện, vì vậy nên cứ theo bổn nghiệp của mình mà chiêu cảm lấy cái khổ báo ở nơi địa ngục tự nhiên trước hết phải đọa tới đây. Ở bên phía Đông biển này, cách chừng mười vạn do tuần lại có một cái biển nữa, sự đày đọa của chúng sanh bị vào đó còn khổ hơn đây đến bội phần.

Còn bên mé Đông biển kia, lại có một cái biển khác, sự thảm trạng thống thiết không thể kể xiết! Những hạng người thọ khổ là do bình nhựt ở thế gian tạo những nghiệp ác mà phải cảm lấy sự tội báo như vậy, nên ba cái biển đó đều gọi là: “biển nghiệp”. Chính cái biển này gọi là địa ngục!”. Nàng lo lắng sợ hãi cho mẫu thân liền hỏi ngay người hiện đang ở đâu, quỷ vương xin hỏi tên tuổi mẹ của nàng. Thánh nữ nhớ lại những nghiệp ác mẹ đã tạo không khỏi xót xa: “Mẹ của tôi tên là Duyệt Đế Lợi, thuộc dòng Bà la môn”, quỷ vương mỉm cười: “Xin đại Bồ tát chớ lo, bà Duyệt Đế Lợi đã được thác sanh lên trời cách đây ba ngày rồi, chúng tôi được nghe đó là nhờ công đức bố thí, phóng sinh, cúng dường của con gái bà, không ngờ là Ngài đây”. Quỷ vương chắp tay cung kính mà lui, thánh nữ tỉnh lại liền đến đối trước Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà nguyện: “Nay tôi nguyện cho đến kiếp vị lai nếu có chúng sanh nào tạo tội mà chịu khổ ở nơi Địa ngục, bất luận là kẻ thân thuộc hay người cừu oán, tôi lập ra nhiều pháp môn phương tiện mà cứu độ cho đều được phân giải thoát tất cả”.

Lại ở một kiếp khác, khi Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai đang hóa độ. Có cô gái tên là Quang Mục. Khi mẹ qua đời nàng đã lập đàn trai tăng cung thỉnh chư tăng về cúng dường, thuở đó có vị cao tăng đắc đạo, nàng rất tin tưởng nên xin hỏi mẹ hiện đã thác sanh về chốn nào.

Vị đại sư liền hỏi: “Lúc sống mẹ của cô có gieo nhân duyên phước đức hay gây điều tội căn nào không?”, Quang Mục băn khoăn: “Bạch thầy, mẹ con không những không làm phước thiện lại có sở thích ăn loài cá trạch, bà thường sai người đi bắt cá về rồi chế biến mà ăn, không biết đã tàn sát bao nhiêu sinh linh nghiệp sát vô số”. Vị La Hán kia vừa nghe đã biết, ông khuyên Quang Mục hãy bỏ công chí thành xưng niệm danh hiệu của Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục, và phát tâm đắp vẻ sơn thếp hình tượng của Phật mà thờ. Quang Mục vâng lời y giáo phụng hành, một đêm kia Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục hiện trong mơ báo rằng:”Mẹ ngươi chẳng bao lâu rồi cũng thác sanh vào nhà ngươi, hễ vừa biết sự đói lạnh thì nói ngay, khi đó ngươi sẽ rõ”.

Không lâu sau đứa đầy tớ trong nhà sinh ra đứa trẻ, mới ba ngày tuổi đã bật tiếng nói than đói than lạnh. Một hôm kia đứa trẻ chạy đếm ôm Quang Mục mà khóc: “Ta đây vốn thiệt là mẹ con khi trước. Từ lúc vĩnh biệt đến nay, ta bị đọa vào địa ngục, chịu nổi đắng cay, may nhờ phước lực của ngươi, nên ta mới được đầu thai lên đây. Nhưng vì tội báo còn nặng nên ta phải sanh làm thân hèn hạ như thế này. Đã vậy mà lại không thọ, ta chỉ sống được mười ba tuổi mà thôi, rồi lại phải chết vì bị đọa vào ác đạo nữa. Cầu xin…làm ơn cứu giúp!” Quang Mục vẫn còn điều nghi, nàng bảo đứa trẻ có ác nghiệp gì đời trước thì hãy nói ra, đứa bé khóc nấc: “Do ta phàm ăn tục uống thường xuyên giết hại chúng sinh mang đầy sát nghiệp khi chết đọa vào A Tỳ địa ngục chịu muôn cực hình. Nếu không có con cúng dường Phật pháp, ta sẽ còn chịu khổ đến muôn ngàn kiếp!” Nàng ra quỳ trước bàn thờ Đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục mà nguyện rằng: “ Nay tôi vái cùng mười phương Chư Phật, xin từ bi thương xót mà chứng minh cho mấy lời thệ nguyện của tôi ở giữa này.

Nếu mẹ tôi đời đời lìa khỏi ba đường dữ cùng khỏi làm người hèn hạ, và đến kiếp nào kiếp nấy cũng khỏi đầu thai làm thân con gái nữa, thì từ đó tôi đối trước tượng Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục đây cho đến trăm ngàn muôn ức kiếp về sau, hễ thế giới nào có chúng sanh bị các tội khổ ở trong địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, thì tôi thệ nguyện ra sức cứu vớt cả thảy khỏi sự thống khổ nơi ba đường ấy và chừng người nào người nấy đều đặng thành Phật tất cả, tôi mới chịu chứng bực Chánh Giác”. Trong hư không vang lên tiếng nói của Chư Thiên: “Này Quang Mục, mẹ ngươi kiếp này sau khi đủ 13 năm thọ mạng sẽ viên tận rồi thác sanh làm người Phạm Chí, đầy đủ phước thọ!”

Lại nói đến một kiếp kia Địa Tạng Bồ tát sanh làm người trưởng giả rất cung kính Phật pháp. Đương thời kỳ ấy, có Đức Phật, hiệu là Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai ra đời. Một bữa kia, ông Trưởng giả tình cờ gặp vị Phật ấy, thân tướng tốt đẹp, ngàn phước trang nghiêm, thiệt là tuyệt thắng trên đời, xưa nay chưa thấy.

Ông càng xem lại càng thương và càng kính, làm cho ông sanh lòng hân hạnh bội phần liền hỏi Đức Phật công đức thế nào mà được phần hảo tướng ấy. Ngài liền bảo rằng: “Nếu người muốn được kim thân diệu tướng như Ta đây, thì phải phát tâm tu hành, trải vô lượng kiếp cầu đạo bồ đề và một lòng tinh tấn, mà hóa độ tất cả những loài chúng sanh thọ khổ cho thoát khỏi đường tội báo”.

Đến đó, trưởng giả liền phát nguyện: “ôi nguyện từ nay cho đến đời vị lai, không biết bao nhiêu kiếp số về sau, nếu có chúng sanh nào ở trong sáu đường, bị thống khổ về sự tội báo, thì tôi dùng đủ phương tiện mà độ cho được giải thoát tất cả, chừng đó tôi mới chứng Phật quả”. Vì trong kiếp làm Trưởng giả nói trên, Đức Địa Tạng có phát lời đại nguyện như vậy, nên từ đấy đến nay, trải đã trăm ngàn vạn ức na do tha, không biết bao nhiêu kiếp số rồi, mà Ngài hãy còn làm một vị Bồ tát.

Lại một kiếp khác Ngài sinh làm đại hoàng tử Kim Kyo Gak của nước Tân La (Cao Ly_Nam Hàn), từ nhỏ tính khí ôn hòa thích đọc sách thánh hiền. Vào năm Vĩnh Huy đời Đường Cao Tông, sau khi tham khảo hết Tam giáo, Cửu lưu và Bách gia chư tử thì Ngài bèn buông lời cảm thán: “So với Lục kinh của Nho gia, Đạo thuật của Tiên gia, thì lý Đệ nhất Nghĩa đế của nhà Phật là thù thắng hơn hết, rất hợp với chí nguyện của ta.” Sau đó lập chí xuất gia vào lúc 24 tuổi. Ngài xuất phát ở Incheon đi sang Trung Hoa để tu thiền định, theo ngài chỉ có một con bạch khuyển nuôi từ nhỏ. Cuối cùng ngài chọn núi Cửu Hoa (An Huy ngày nay) để thiền 75 năm, hôm kia ngài bị con rắn nhỏ cắn vào ngón chân vẫn an nhiên thiền định. Lát sau có nữ nhân tuyệt đẹp từ vách núi bay ra: “Con đây là Long Nữ, đứa nhỏ trong nhà nghịch ngợm kinh động kim thân, xin khấu đầu sám hối”, nàng bái lạy rồi bay mất, từ nơi nàng bay đi chảy ra một dòng suối trong mát nay chính là dòng Long Nữ Tuyền nổi danh thắng cảnh.

Con chó trắng đi theo Ngài về sau khi đắc quả cũng trở thành thần thú bên cạnh gọi là Đế Thính (Thế Thính), con chó này có một bên tai ngoắc lên và một bên cụp xuống. Một tai của nó có thể nghe được pháp âm của thập phương chư Phật, tai còn lại nghe được nỗi thống khổ của thập loại chúng sinh.

Địa Tạng Vương Bồ Tát là nam hay nữ

Cũng vậy, ngài Địa Tạng Bồ Tát cũng trải qua nhiều kiếp số, có kiếp người là thân nữ, có kiếp là thân nam, có kiếp lại làm vua,… Khi ngài thành Bồ Tát Địa Tạng, ngài phát nguyện độ hết chúng sanh rồi mới trở thành Phật.

Ngài Địa Tạng vô cùng gần gũi với mọi chúng sinh từ địa ngục ngạ quỷ, súc sinh cho đến những vong linh vừa mất, ngày giỗ ông bà cha mẹ, anh chị em, lục thân quyến thuộc,… Dù ở hoàn cảnh nào, ngài cũng hết mình cứu giúp khổ nạn.

Địa Tạng Vương Bồ Tát cưỡi con gì

Địa Tạng Vương Bồ tát ngồi trên linh thú Đề Thính. Đây là loại linh thú rất đặc biệt, có khả năng nghe thấy mọi thứ trong Tam Thế, giúp Địa Tạng Vương phân biệt được thật giả, đúng sai.

Địa Tạng Vương Bồ Tát có phải là Đường tam Tạng

Địa tạng Vương Bồ Tát không phải là Đường Tam Tạng. Nhiều người có sự nhầm lẫn này là do hình tượng của 2 vị bồ tát được khắc họa có phần na ná nhau. Tuy nhiên, danh hiệu và cuộc đời của 2 vị hoàn toàn khác nhau.

Đường Tam Tạng hay còn gọi là Đường Tăng, đã trải qua 81 kiếp nạn tai ương, bất chấp sinh tử để tới Thiên Trúc thỉnh kinh Phật, trước khi được đắc vị Phật. Ngài là nhân vật có thật trong lịch sử, tiền thân là ngài Huyền Trang, đã có công lớn trong việc phát triển kinh Phật, giúp nâng vị thế đạo Phật lên cao hơn nữa.

Đề Thính là con gì

Đề thính được biết đến là một con Chó. Trong Phật Pháp thì Chó đại diện cho nhị độc “Tham Sân”. Chó cũng là loại động vật nổi tiếng nhạy cảm và thông minh. Nhờ vào khả năng thính giác của mình có thể phân biệt được thật giả đúng sai.

Không chỉ trong đạo Phật, khi nói đến chó, chúng ta liền hiểu đây là loài động vật thông minh và gần gũi với con người nhất. Chúng có thể dùng thính giác tuyệt vời của mình hỗ trợ cảnh sát phá án thì tất nhiên khả năng nhận biết đúng sai, thật giả đã được minh chứng rõ ràng.

Vậy thì huống gì nó lại là linh thú của Địa Tạng Vương Bồ Tát. Hưởng những đặc ân của ngài, loài linh thú này hỗ trợ ngài trên con đường đi cứu độ chúng sinh.

Ý nghĩa của tượng Địa tạng vương bồ tát

Tượng Địa Tạng Vương bồ tát, tay trái cầm như ý châu, tay phải cầm tích trượng có 6 vòng tượng trưng cho lục đạo luân hồi có nghĩa muốn cứu độ hết mọi chúng sinh trên thế gian. Sứ mệnh của Ngài – Địa Tạng Vương bồ tát là để cứu độ mọi chúng sinh từ trên trời cho tới địa ngục.

Bên cạnh ý nghĩa vĩ đại cứu độ hết thảy chúng sanh trong lục giới, tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát còn mang ý nghĩa sâu xa. Đó chính là biểu tượng cho tâm địa của mỗi chúng ta. Địa có nghĩa là mặt đất, Tạng có nghĩa là dung chứa. Mặt đất có thể dung chứa tất cả mọi vật, thì tâm con người cũng vậy, dung chứa cả cái thiện và cái ác. Bồ Tát Địa Tạng nguyện cứu độ mọi chúng sinh trong địa ngục mới thành Phật, cũng như người tu hành nguyện chuyển hóa tất cả những hạt giống xấu ác trong tâm thành điều thiện, như vậy cũng đã là thành Phật.