Đây là tích truyện đặc trưng của lễ Thất tịch và nằm trong Tứ đại truyền thuyết Trung Hoa gồm: Bạch Xà Truyện, Mạnh Khương Nữ, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài và Ngưu Lang Chức Nữ. Câu chuyện cổ tích phản ánh hiện tượng thiên nhiên về sao Chức Nữ (Vega), sao Ngưu Lang (Alfair), dải Ngân Hà và hiện tượng mưa ngâu của tháng Bảy âm lịch. Tại Việt Nam có nơi còn gọi Ngưu Lang Chức Nữ là Ông Ngâu và Bà Ngâu.
Việt Nam:
Ngưu Lang vốn là thần chăn trâu của Ngọc Đế nhưng vì mải mê ngắm nhan sắc của nàng tiên dệt vải Chức Nữ mà để trâu đi lạc vào điện Ngọc Hư, Chức Nữ cũng vì say tiếng sáo của Ngưu Lang mà trễ nải việc dệt vải. Ngọc Đế nổi giận chia cắt hai người ở hai bên bờ sông Ngân. Sau đó nhìn thấy tình cảm của hai người yêu nhau sâu đậm, Ngọc Đế thương tình cho phép một năm được gặp nhau một lần vào tháng Bảy, mỗi khi gặp nhau cả hai đều xúc động mà khóc, nước mắt của họ rơi xuống trần biến thành mưa ngâu.
Vì lúc bấy giờ ở trên sông Ngân chưa có cây cầu nào cả, nên Ngọc Đế hạ lệnh cho thợ mộc tứ phương quy tụ về thiên giới xây cầu. Thế nhưng mỗi người lại tự làm theo ý mình, không ai nể ai, cãi nhau chí chóe, đánh nhau tơi bời. Đến kỳ hạn mà cầu vẫn chưa xây xong, Ngọc Đế tức giận giáng kiếp họ làm quạ từ đó về sau phải đê đầu mình làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Kể từ đó, cứ đến tháng Bảy là loài quạ lại tụ họp nhau lên trời bắt cầu Ô Kiều, cứ gặp nhau là chúng lại cắn mổ lẫn nhau khiến cho lông cánh xác xơ. Ngưu Lang Chức Nữ bước lên cầu lại cứ thấy đám lông lổm nhổm kinh tởm nên ra lệnh cho chim ô nha phải nhổ hết lông trên đầu rồi mới bắt cầu. Cũng vì vậy mà tới tháng Bảy thì lông trên đầu chim quạ bỗng dưng…trọc lóc. Thời gian về sau, Ngọc Đế cũng nguôi giận, ông cho lũ quạ trở lại làm người rồi đóng cầu bắt qua Ngân Hà để Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau.
Cũng từ tích này mà đất Bình Định ta có câu “quạ làm xâu”, ý nói những con quạ đi đâu một thời gian rồi trở lại với cái đầu trụi lủi. Có dị bản rằng chiếc cầu do chim quạ (Ô Nha) và chim Thước hợp thành nên gọi cầu Ô Thước.
Trung Hoa:
Ở vùng Nam Dương có gia đình họ Ngưu, Ngưu lão gia và Ngưu phu nhân từ sớm đã lìa thế nhân để lại hai con trai. Chàng Ngưu Lang là người trung hậu phải sống cùng chị dâu họ Mã_một mụ đàn bà ti tiện và độc địa. Ả ta không muốn Ngưu Lang sống trong nhà nên đã sai anh mang 9 con bò lên núi cho ăn cỏ, nhưng nếu trở về mà không có 10 con bò thì đừng hòng bước vào bản môn.
Mang 9 con bò đi mà anh cứ đau đáu nghĩ suy, nếu không có 10 con bò mang về thì lấy nơi đâu mà náu thân đây? Thế rồi có một lão ông đi ngang, ông hỏi rõ sự tình và chỉ dẫn: “Ở trên núi Phục Ngưu có một con bò già đang bị thương, cậu hãy đến tìm và chăm sóc cho nó, khi nào nó lành bệnh thì cậu có thể mang nó về theo”. Ngưu Lang tìm đường lên núi và cuối cùng cũng gặp được con bò, vừa đến nơi bò cất tiếng: “Ta chính là bò tiên xám sống trên thiên giới, vì phạm phải luật trời mà bị đày xuống hạ giới. Lúc đến đây bị thương ở chân không đi đâu được, muốn chữa khỏi chỉ có dùng giọt sương sớm đọng trong những búp hoa để rửa”. Ngưu Lang nghe vậy không ngại ở lại chăm sóc bò kia, mỗi sáng đều đi hái hoa, mang sương về rửa vết trọng thương. Sau khi bò già khỏi bệnh, anh dẫn 10 con bò về nhà.
Chị dâu ấm ức trong lòng tìm hết cách này đến cách khác để giá họa cho anh nhưng được bò thần chỉ dẫn anh đều thoát nạn. Cuối cùng, quá ấm ức mụ đuổi thẳng anh ra khỏi nhà, Ngưu Lang chỉ mang theo bò già làm bạn. Trong một lần Chức Nữ cùng các tiên nữ xuống trần dạo chơi và tắm ở hồ nọ, bò thần đã chỉ dẫn Ngưu Lang lén ăn cắp y phục của họ. Các nàng tiên tắm xong mới phát hiện mình bị mất xiêm y, các nàng bèn cử Chức Nữ, tức nàng tiên nhỏ tuổi nhất trong các chị em đi lấy lại xiêm y. Ngưu Lang đồng ý trả lại đồ cho các nàng tiên, nhưng vì đã chàng nhìn thấy thân thể trần tục của Chức Nữ nên nàng tiên đành phải chấp nhận lời cầu hôn của chàng. Chức Nữ lén trốn xuống trần gian trở thành vợ của Ngưu Lang, nàng mang theo tơ lụa của thiên đình để chỉ dân làng cách dệt vải.
Sau đó sự việc bại lộ, đích thân Vương Mẫu Nương Nương hạ phàm bắt Chức Nữ về trời, hai người gọi là phu thê coi như có duyên không phận. Bò thần lúc sắp lìa đời đã nói với Ngưu Lang sau khi nó chết hãy dùng da nó làm giày, bước trên giày đó thì có thể thẳng bước đi lên thiên giới tìm gặp nương tử. Ngưu Lang làm theo, chàng dẫn theo hai con trai đạp mây tìm lên thiên đình tìm Chức Nữ, chưa kịp tương phùng Vương Mẫu Nương Nương rút trâm cài tóc vạch một đường từ ấy rẽ sóng nổi lên nước sông Ngân Hà phân ly cặp phu thê, họ chỉ biết đứng hai bên bờ sông bật khóc thê lương. Mối tình ấy làm chim khách cảm kích, chúng dùng thân bình bắt cầu Thước Kiều để hai người gặp nhau. Vương Mẫu Nương Nương cũng không còn cách nào khác, người cho phép Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau vào ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch mỗi năm.
Ngày nay, mùng 7 tháng 7 được gọi là lễ Thất Tịch, nó được xem như là Valentine của người Châu Á. Các cặp tình nhân sẽ cùng nhau đi ngắm chòm sao Chức Nữ, những cô gái mong muốn tình duyên như ý sẽ tổ chức một buổi cúng tiên Chức Nữ, bàn cúng có Ngũ Tử gồm: Nhãn, táo tàu, hạt dẻ, đậu phộng, hạt dưa. Ngoài ra còn có hoa tươi, giấy đỏ và bát hương. Các cô gái tập trung cùng nhau cúng tế và cầu mong sẽ gặp được lang quân như ý. Và nếu ở phương Tây người ta tặng nhau socola để bày tỏ tình cảm thì vào Tết Thất Tịch, người phương Đông làm xảo quả_một loại bánh ngọt rán mỏng để tặng cho ý trung nhân của mình.