Chầu Tám Bát Nàn 

0
620

Tích cũ năm xưa lưu lại rằng vào thời nước Việt ta bị Đông Hán cai trị, con dân chịu muôn cảnh lầm than cơ cực. Một hôm kia có vị lương y hiệu là Vũ Chất lên non cao tìm thảo dược vô tình đi ngang miếu thờ Sơn Tinh Công Chúa, ông vào lễ bái rồi trở về thôn làng khuyên bảo bản dân gom ngân góp của tu sửa ngôi điện thờ khang trang. Ít lâu sau, điện thờ cũng hoàn chỉnh, đâu đó quanh miếu lại thấp thoáng hào quang ẩn hiện. 

Một đêm nguyệt viên mỹ tú, ông nằm mộng thấy tiên cô bước đến hành lễ tạ ân đã xây đắp bổn điện và xin làm nghĩa nữ. Cũng trong hôm ấy, phu nhân của ông ngắm cánh hoa trôi trên dòng nước, bỗng trông thấy bóng nữ nhân dung mạo uy nghi soi dòng lưu thủy. Sau đó bà thụ thai và sinh ra người con gái đặt tên Vũ Thị Thục Nương. Nàng lớn lên võ nghệ xuất chúng, cung thương kiếm giáo thông thạo tinh tường, có đủ khí khái của bậc trượng phu. 

Bấy giờ Thái Thú Tô Định hám sắc tham dục muốn chiếm đoạt nàng làm thê thiếp nhưng tấm lòng trinh bạch đã khiến hắn canh cánh mối hận để rồi xuống tay giết hại thân phụ và phu quân. Năm bốn mươi, nàng dấy binh chinh chiến tại Tiên La, sẵn nghe lúc Trưng Trắc cùng Trưng Nhị là bậc hiền nữ kỳ tài, nàng cũng muốn hợp binh đánh giặc. Đêm hôm ấy, thần nữ xuống trần theo lệnh Vua Cha Ngọc Hoàng trao cho Thục Nương lá cờ lệnh cùng chỉ thị của Thiên Cung rằng hãy thống nhất nghĩa quân dẹp giặc cùng với nhị vị Trưng nữ tướng. 

Nàng ngay lập tức hội tụ với ngàn binh vạn tượng, gióng tiếng trống Mê Linh và được phong là Bát Nàn Đông Nhung Đại Tướng Quân. Bà cùng Lê Chân Công Chúa trấn giữ hải môn nước ta, nhiều lần thủy chiến lập được đại thắng. Năm bốn mươi ba, tướng Mã Viện vâng lệnh nhà Hán quay lại nước ta phục thù thay cho Tô Định. Chúng dùng quỷ kế, biết quân ta hầu hết là nữ nhân nên đã hùa nhau khỏa thân xông vào, vạn quân hoảng loạn nên thế yếu phải tháo chạy. Trưng Nữ Vương giữ tròn khí tiết với Thi Sách tướng quân, trầm mình xuống sông mà quyên sinh. Thục Nương chạy đến ngã ba Nông thì nhìn thấy dải lụa hồng bay ngang vầng trời, giặc ác bao quanh, nàng “thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh” mặc chúng kiếm đao giày xéo. Thân nàng bị xé làm tám mảnh trôi theo tám hướng, ở mỗi nơi ấy con dân Đại Việt lại lập nên đền thờ ghi công, “thác mà trả nước non rồi nợ, thác mà ưng đền miếu để thờ, tiếng hay trải muôn đời ai cũng mộ”. 

Do nàng tám lần cứu dân ta thoát nạn nên gọi là Bát Nạn Tướng Quân, dần về sau đọc là Bát Nàn. Nhiều lần Chầu linh ứng phò anh tài cứu nước, “linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia”. 

Chầu Bát thường hay ngự đồng, mỗi khi Bà về lại tỏa ra khí thế ngất trời, trận Mê Linh năm xưa như vang vọng nơi bản đền. Chầu về mặc áo sắc vàng hoặc xanh, đội khăn vành dây, dâng hương rồi múa kiếm cùng ngũ sắc lệnh kỳ. 

“Ghét phường dê chó ngang tàng hại dân
Muốn cùng chầu kết duyên nhân
Lòng son đã quyết lìa thân cũng đành 

Thân nữ nhi thù nhà nợ nước
Cùng Trưng Vưong cất bước ra đi
kiếm cung tập luyện ngại gì
Đã cam tấc dạ liều thì một phen 

Đôi song kiếm diệt quân xâm lược
Đánh kẻ thù hại nước hại dân
Đứng lên tập hợp nghĩa quân
Giúp dân cứu nước dẹp quân bạo tàn…”