Thần nam và thần nữ

0
809

Thần nam và thần nữ

Ngày xưa, có hai thần đực, cái thân hình hết sức to lớn, thần đực gọi là Tứ Tượng hay Khổng lồ, thần cái gọi là Nữ Oa.

Tứ Tượng muốn kết duyên với Nữ Oa, nữ thần bắt nam thần phải thi tài với mình, hẹn trong vòng ba ngày mỗi người xây một hòn núi thật cao, có thể đứng lên trên mà nhìn khắp cả mặt đất. Nếu núi của nam thần cao hơn thì nữ thần mới bằng lòng làm vợ chồng.

Nam thần ở Bắc, nữ thần ở Nam, hai bên đua nhau đắp núi. Tứ Tượng có một đôi thúng vĩ đại, có thể chứa được hàng nghìn đồi đất. Một chuyến thần đang gánh, thúng đứt dây làm đất đổ xuống thành chín cái đồi lớn.

Sau kỳ hạn làm xong, hai thần bèn trèo lên núi của nhau để xem núi nào cao hơn. Đứng trên núi của thần đực trông thấy được ra ngoài biển Đông xa đến các nước láng giềng. Còn đứng trên núi của thần cái, thì thấy rõ cả bốn phía chân trời. Nam thần thua cuộc, nữ thần bèn đạp đổ núi của Tứ Tượng xuống mà bảo hãy làm lại núi khác.

Núi của nữ thần ngày nay tương truyền còn dấu tích là núi Nam Giới ở Hà Tĩnh.

Thần đực lại ra sức đắp nhiều núi khác cho nữ thần bằng lòng. Do đó mà nhiều ngọn núi mọc lên từ Bắc chí Nam. Có những dấu chân lớn còn lưu lại trên đá ở vài núi miền Bắc và miền Trung mà về sau người ta cho đó là dấu chân của nam thần Khổng lồ.

Trước sự theo đuổi chí tình của nam thần, rốt cuộc nữ thần cũng vui lòng kết hôn.

Nói về hai thần đực cái, trong dân gian có câu ví về:

… bà Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng

… ông Tứ Tượng mười bốn con sào

để chỉ cơ thể vĩ đại của hai thần. Hai vị Tứ Tượng – Nữ Oa cũng được coi là thủy tổ của loài người

Ở miền bắc có ông Lộc Cộc – bà Tồ Cô, tuy là hai vị thần khổng lồ nhưng tính tình lại như trẻ con, hay chạy nhảy lung tung, làm đất lún tạo ra các đầm hồ, thung lũng. Như em bé thích nghịch cát xây nhà, hai ông bà thường thi nhau đắp núi, đào sông nghịch nước, buồn buồn thì cãi nhau gây ra những trận mưa bão. Trẻ trâu là thế nhưng hai vị cũng giúp tạo ra đồi núi, sông suối, đồng bằng và đất đai cho dân ở. Ông bà để lại trên sườn đồi, dưới đồng ruộng, trong ngách rừng những dấu chân khổng lồ, ở Kẻ Đồng, ở Chè Dọc, ở Phật Tích, Tiên Lát,… đâu đâu cũng có dấu chân ông bà. Trải qua mấy nghìn năm phá dạo, cuối cùng thì hai ông bà cũng chịu nghỉ ngơi. Bà Tổ Cô nằm trên bờ sông Đuống, từ thân thể bà hóa thành mười hai vị nữ thần, chia nhau đi khắp thế gian để dạy nghề, bảo trợ cho người dân, ví như Bà Chóa, Bà Chúa Vĩnh, Bà Chúa Ngọc hay Vua Bà,…