Theo văn hóa Á Đông, kể từ khi khai thiêng lập địa thì năm yếu tố Kim (kim loại), Mộc (cây cối), Thủy (nước), Hỏa (lửa) và Thổ (đất) cũng được sinh ra theo quy luật tương sinh và tương khắc để kiến thiết vạn vật, giúp muôn loài phát triển, được coi là năm yếu tố cơ bản của tự nhiên. Từ ngũ hành người ta sáng lập ra nhiều yếu tố như: y học phương Đông, hệ thống âm nhạc ngũ cung, phương hướng và địa lý, tâm linh tín ngưỡng,…
Cũng từ đó, người Việt tiếp nhận nguồn văn hóa phương Bắc và lập ra hệ thống tín ngưỡng riêng. Ở những nơi hay xảy ra hỏa hoạn thì thờ Hỏa thần, vùng duyên hải và sông nước thờ Long thần, Thủy thần, nơi đồi núi cao nguyên lại tôn sùng bà chúa Thượng Ngàn, ông Tản Viên Sơn Thánh. Tại Nam và Trung Bộ, một nhóm năm vị nữ thần được tôn thờ, sùng kính, năm bà được triều đình Nguyễn sắc phong là “Đức Thánh Nương, Trứ Phong Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”. Năm bà được gọi chung là Ngũ Hành Nương Nương, Ngũ Hành Thánh Mẫu, Ngũ Hành Thần Nữ, Ngũ Hành Lệnh Bà, Năm Mẹ Ngũ Hành, họ bao gồm:
Thủy Đức Thánh Phi: Cửu Thiên Huyền Nữ.
Hỏa Đức Thánh Phi: Chúa Tiên Chúa Ngọc (Thiên Y A Na).
Thổ Đức Thánh Phi: Thánh Anh La Sát.
Mộc Đức Thánh Phi: Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen).
Kim Đức Thánh Phi: Lê Sơn Thánh Mẫu.
Hiện nay, các nơi phụng thờ năm vị nương nương chỉ để cốt tượng năm lệnh bà theo hàng ngang, không phân biệt vị trí trước sau miễn là bà Thổ phải ngồi chính giữa (vì Đất là yếu tố trung tâm). Nhưng đúng theo hệ thống phân chia phương hướng của ngũ hành thì bà Mộc ở hướng Đông, bà Kim ở hướng Tây, bà Hỏa ở hướng Nam, bà Thủy ở hướng Bắc và bà Thổ ở ở giữa. Tượng của Năm Bà được tạo tác giống nhau, người ta phân biệt qua màu sắc áo mão của Năm Bà, bà Kim màu trắng, bà Thủy màu đen, bà Mộc màu xanh, bà Hỏa màu đỏ và bà Thổ màu vàng.
Ngũ Hành Nương Nương được thờ phổ biến và rộng rãi nhất ở vùng Gia Định _Sài Gòn xưa và lưu truyền cho đến nay, nơi thờ Bà thường để đơn giản là “Miếu Ngũ Hành”, “Miếu Năm Bà” hoặc “Miễu Bà”, riệng tại đây Ngũ Hành Nương Nương thường được phối thờ chung với Địa Mẫu Nương Nương hoặc Chúa Xứ Thánh Mẫu. Trong văn khấn chầu Năm Bà có nói đến sự tích khi các Bà vâng lệnh Ngọc Hoàng Đại Đế xuống trần dạy con dân làm ăn sinh sống:“Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ,
Phần hương chí kính chí thành,
Tấu văn cung thỉnh ngũ hành tiên nương.
Từ xưa ở cõi thượng thiên,
Năm bà tiên nữ giáng miền trần gian.
Đức Đệ Nhất Kim Tinh thần nữ,
Giáng cõi trần gìn giữ báu châu.
Bạc vàng chì kẽm đồng thau,
Tiên bà chỉ vẽ đuôi đầu cho dân.
Đức Đệ Nhị Mộc Tinh thần nữ,
Giáng cõi trần gìn giữ xanh hoa.
Bốn mùa qua lại lại qua,
Trăm cây đua nở trái hoa dân dùng.
Cây gì dùng lá dùng bông,
Cây gì ăn trái ra công vẽ bày.
Đức Đệ Tam Thủy Tinh thần nữ,
Giáng cõi trần gìn giữ non sông.
Tiên bà công quá dày công,
Vẽ cho dân biết nước đục trong mà dùng.
Đức Đệ Tứ Hỏa phong thần nữ,
Giáng cõi trần gìn giữ công ly.
Tiên bà dùng phép lạ kỳ,
Lấy tre cứa lại tức thì lửa ra.
Vẽ dân đem lửa về nhà,
Lấy cây làm củi để mà nấu ăn.
Đức Đệ Ngũ Thổ đức tiên nương,
Khâm sai giáng hạ kiếm đường vẽ dân.
Gian nan khăn khó không cần,
Làm nồi làm trách cho dân về dùng.
Nồi xong bà lại làm vung,
Lưu truyền vạn cổ mà dùng ngày nay.
Tứ dân cảm đức cao dày,
Đời đời hương khói bốn mùa cúng dâng.”
[…]
Ngày 19 tháng 3 âm lịch hằng năm là lễ vía Ngũ Hành Thánh Mẫu, vào những ngày trước đó bà con tranh thủ “đắp y cho mẹ”, vào ngày chánh lễ thì dâng xiêm y, áo mão, hoa trái, hương dầu lên Lệnh Bà. Vào ngày vía phải có múa bóng rỗi (múa mâm vàng) do nghệ nhân là các cô “bóng” dâng mâm lên Bà kèm theo đó còn có múa Lân Sư Rồng, Cải Lương, Hồ Quảng.