Ông Nược

0
573

Cá Nược là một loài động vật có vú thuộc họ Cá heo biển, loài này được xem như là cá heo nước ngọt của sông Mekong. Cá Nược xuất hiện tại thủy lưu đồng bằng sông Cửu Long nước ta được gọi dưới tên cá nược Minh Hải, khi ngoi lên mặt nước chúng phát ra âm thanh “nược” vì vậy người dân Nam Bộ quen gọi là cá nược. Hiện nay, do ảnh hưởng của chiến tranh và nạn săn bắt trái phép nên cá nược tuyệt chủng tại Việt Nam.

Hồi xưa, độ chừng bốn chục, năm chục năm trước, trên mấy nẻo sông xứ miền Tây rất dễ bắt gặp ông Nược. Tánh người dân hào sảng, hễ thấy mấy ổng đen ngòm lấp ló trên sông là kêu: “Nược ơi! Đua! Đua Nược ơi!”. Ngó bộ ông Nược hiểu hết tiếng người, nghe thấy là ba bốn ông tới gần mũi ghe, cái lỗ nhỏ trên đầu phun nước ướt nhẹp mấy đứa chèo ghe hết trọi. Sau đó ai mà la lớn một chút là mấy ổng vui theo, kéo bầy kéo đàn nhào lộn tung người lên mặt nước ầm ầm. Ngư dân mình lúc đó thương Nược như con chó, con mèo trong nhà, ghe nào đi lưới cá mà có Nược bơi quanh là biết bữa đó bộn cá. Nược bơi vòng vòng mấy khúc sông mà “quậy” làm cho tôm cá hoảng sợ tụm lại một chỗ để cho người chài tha hồ giăng lưới, người ta ngó thấy thương nên cũng chia cá cho Nược. Ai ở xứ đó mà đương lúc con nước không thuận thì cứ gõ vô mạn thuyền rồi lên tiếng nhờ ông Nược lùa cá dùm là tức thì mấy ổng nổi lên lội mấy vòng, cá ở đâu tự động chui vô lưới.

Hồi đó hiếm người có ghe máy, bởi lâu lâu mà nó Nược bơi vô kinh, vô rạch là mấy ông nào có ghe máy lập tức xách ghe ra đua với Nược. Công nhận là Nược ham vui dễ sợ, ai kêu đua là đua liền, cứ vừa lội vừa phóng lên phun mấy cột nước, không bao giờ Nược chịu thua ghe hết. Khi có ghe máy thì Nược đua “xuống sát”, còn không thì bơi chậm chậm theo ghe của mấy đứa nhỏ giỡn chơi với tụi nó. Ông bà mình hồi xưa đi mở đất phương Nam nên sống tâm linh hơn tụi nhỏ bây giờ, người ta nói rằng ông Nược là cá có cốt người vì không như mấy loại cá khác, ông Nược thông minh, hiểu biết, đã vậy còn đẻ con, có vú móm như người ta, biết cho con bú. Dân thuở đó ai mà giăng lưới trúng Nược là coi như xui lắm, lưới mắc mỏ bao nhiêu cũng phải cắt mà thả ông đi, nếu lỡ để ông lụy thì phải đem chôn cất đàng hoàng, sau đó thì sắm sửa nhang đèn cúng Bà Cậu xin được bỏ qua. Nhiều người lưới trúng ông xong thì phải bỏ nghề luôn, vì ông rất linh. Không đơn giản mà người ta tôn thờ Nược như vậy, tại vì ngoài giúp dân bắt cá Nược còn đỡ ghe đỡ thuyền mỗi khi sóng gió, không ít lần Nược cứu người thoát chết nên thành ra dân chúng rất mang ơn. Bà nội ngày xưa ngồi kể lại:

“Gốc gác là hồi đó có một ông sư, tu từ nhỏ cho tới lớn mà năm ông ba chục tuổi vẫn chưa chứng đạo. Ổng thấy vậy nên khăn gói tìm đường đi qua đất Phật ở bên Tây Trúc. Đường đi gặp đủ thứ chuyện nhưng ông sư này vẫn quyết lòng phải đi để gặp cho bằng được ông Phật. Có một bữa đi đường dài mệt quá sư mới tấp vô căn nhà trong rừng xin cho ở nhờ, bà già trong nhà tuyệt đối hổng cho cứ xua đuổi sư đi. Thấy ông sư không đi bả mới giải thích, con bả là một ác Lai chuyên đi ăn thịt người, chỉ có bả là không bị ăn thôi. Ông sư lúc này mệt quá té luôn xuống đất, cặp giò co giật quá trời. Bà già thấy tội mới đưa sư xuống cái hầm mà nghỉ. Trời tối thì thằng con về, nó nghe có mùi thịt người là vớ liền con dao nhào xuống hầm đòi cắt cổ người ta. Ông sư vẫn bình tĩnh nói về nguyên do ổng phải đi tới đây, kể ra hết mọi thứ, ổng nói khéo quá làm cho thằng ác Lai cũng rớt nước mắt. Vậy là nó buông dao, cho ổng nghỉ lại một đêm. Bữa sau hai mẹ con tiễn nhà sư đi, ác Lai mới hỏi sư nó phải dâng cúng gì cho Phật, sư mới nói tâm chính là Phật Phật chính là tâm. Nghe vậy ác Lai rút dao đâm bụng mình moi ruột đưa cho sư, nhờ sư đem lòng mình gởi cho Phật.

Sư đi tiếp mấy ngày đường, chân cẳng rã rời hết trơn, trước mặt là biển cả mênh mông, thêm cái bộ lòng đang bốc mùi hôi nên sư bỏ bộ lòng đó xuống biển rồi đi tiếp. Sư cứ đi hoài thì cũng tới xứ Phật, sư không hiểu tại sao mình vẫn chưa thành chánh quả. Lúc này Phật mới hiện ra trên tòa sen rồi nói: “Còn thiếu một thứ nữa mới thành chánh quả.” Sư ráng nhớ lại coi mình thiếu cái gì, hình ảnh của hai mẹ con ác Lai hiện ra bên chân Phật. Sư biết được, trở lại vùng biển đó mà lặn hụp tìm bộ lòng của ác Lai. Sư nhất quyết phải tìm cho ra thì mới thành chánh quả, nhưng mà sư không biết, lúc sư phụ lòng ác Lai thì sư không còn chứng quả được nữa. Vậy là nhà sư cứ trồi hụp giữa biển rồi dần biến thành loài cá có mặt như người, có cái đầu trọc như ông sư. Cá cứ trôi lên lặn xuống thành bầy để tìm kiếm cái gì đó. Bởi dân mình còn gọi là cá ông sư, nhưng mà nhớ là nói thì lén thôi, nói trước mặt ổng biết rồi ổng giận, có ngày xô cho bây lọt mương!”