Trầu Cau

0
340

Nhân ngày Giỗ tổ, làm một bài về một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ta có từ thời Hùng Vương nhé.

Chuyện kể rằng đời Hùng Vương thứ 4 có hai anh em ruột giống nhau như tạc không sao phân biệt được, anh là Tân và em là Lang. Cha của hai anh em do sức vóc cao lớn mà được vua Hùng ban tước quan lang, ban tên Cao làm họ. Hai anh em quen gia đình cô gái họ Lưu, tên là Liên, thấy vừa ý, bèn xin kết vợ chồng. Nhưng Lưu thị không biết đâu là anh đâu là em, mới bày một chậu cháo và một đôi đũa cho hai anh em cùng ăn. Thấy người em nhường anh ăn trước, cô mới đồng ý cưới người anh là Tân. Tân và Liên nên duyên vợ chồng, có người em cũng ở chung một nhà.

Từ ngày lấy vợ, Tân không quan tâm em như trước nữa, khiến Lang chán nản buồn bực. Lại có lần Tân và Lang từ trên nương tối mịt mới về. Lang tới nơi trước, vợ Tân tưởng là chồng liền ôm chầm lấy, khiến Lang thẹn mà Tân trông thấy lại sinh ghen. Ấm ức trong lòng, Lang bỏ nhà đi lúc trời tờ mờ sáng, đến bờ sông không có thuyền mà qua bèn gục xuống ôm mặt khóc. Lang hóa thành tảng đá vôi.

Tân không thấy em về, lo lắng hoảng hốt đi tìm, đến bờ sông thấy em hóa đá, đứng bên em khóc cạn nước mà hóa thành cây cao vút.

Người vợ không thấy chồng về, cũng bỏ nhà đi tìm. Trông thấy cây cao, nàng ôm lấy cây mà khóc rồi hóa thành dây leo quấn quít quanh cây.

Người dân đi tìm ba người, trông thấy cảnh tượng đó bèn lập miếu thờ “anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa”. Sau Hùng Vương đi tuần thú, nhân nghỉ chân trước miếu, bèn sai lấy quả cây và lá dây leo ăn thử. Đưa lên miệng nhai, nhổ bọt xuống phiến đá thấy có sắc đỏ như máu. Vua lại cho ăn cả ba thứ với nhau, thấy mùi vị vô cùng thơm ngon, nóng bừng như có hơi men, môi đỏ má hồng, biết là vật quý bèn lấy mang về. Sau thứ cây này được người dân trồng khắp nơi gọi là cây cau, dây trầu không và đá vôi. Trầu cau trở thành vật không thể thiếu trong việc lễ tết, giao hiếu, cưới hỏi trong phong tục của dân tộc ta, bởi nó mang ý nghĩa sâu đậm về tình nghĩa anh em, tình nghĩa vợ chồng. Các cụ ta mỗi lúc hàn huyên lại có tục nhai trầu, bởi vậy có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”.