Sóng gió gia tộc thần Ra

0
1796

TẬP 1: KHỞI NGUỒN SÓNG GIÓ

Sóng bắt đầu từ gió, gió bắt đầu từ đâu…

Từ Ra cả. Vị thần khởi thủy già cỗi xuất hiện ngay khi vũ trụ tạo thành. Không gian lạnh lẽo quá làm Ra hắt hơi một cái sinh ra hai người con. Từ hơi thở của Ra sinh ra Shu – nam thần Gió và Không khí. Từ nước bọt của Ra khạc ra Tefnut – nữ thần Ẩm ướt. Một ngày kia Tefnut và Shu đi lạc, khiến Ra phải tháo cả con mắt của mình đi khắp nơi tìm con. Khi tìm thấy các con ở biển nước Nun, Ra hạnh phúc ôm họ vào lòng. Ra tạo ra cho mình một con mắt mới, còn con mắt cũ được Ra biết ơn hết mực và biến nó thành một con rắn hổ mang rồi trang trọng đặt lên trán. Tương truyền con rắn đó cũng chính là nữ thần rắn hổ mang Wadjet.

Anh em Shu và Tefnut không rõ trốn đi làm gì mà lúc về lại có bầu và sinh ra hai người con là Geb – nam thần Đất và Nut – nữ thần Bầu trời. Ngoài ra, Ra còn có những người con khác như Thoth – nam thần Tri thức, Bast – nữ thần Mèo, hay Hathor – nữ thần Tình yêu mà khi giận dữ có thể hóa thân thành Sekhmet – nữ thần Chiến tranh…

Ra không hài lòng khi hai anh em Geb và Nut đến với nhau. Trời và Đất, đúng là trời đất! Ông nội giận lắm, sai Shu tách hai đứa ra, vậy là vị thần Gió và Không khí đành phải nghe theo và dùng hơi thở tách Geb và Nut xa nhau. Từ đó trời và đất cách nhau một khoảng không vô tận.

Ai ngờ bấy giờ Nut đã có mang. Bụng nàng đã sình ra to tướng, vậy mà Ra nỡ lòng… cấm nàng đẻ. Thuở bấy giờ một năm mới có 360 ngày, mà Ra đã cấm hết các ngày không chừa ngày nào cho nàng đẻ cả. Thấy vậy, thần Thoth đã ra tay giúp đỡ. Thoth làm một cuộc cá cược với thần Mặt trăng Khonsu và thắng cược, buộc Khonsu phải dùng ánh sáng của mình tạo ra thêm 5 ngày nữa. Từ đó một năm có 365 ngày, và trong 5 ngày mới tạo ra ấy, Nut sinh hạ lần lượt cả 4 anh em: Osiris, Isis, Set và Nephthys. Theo truyền thống gia đình, bốn anh em cũng lấy nhau theo cặp: Osiris lấy Isis và Set lấy Nephthys.

Sóng gió gia tộc bắt đầu từ đây…

TẬP 2: HUYNH ĐỆ TƯƠNG TÀN

Bốn anh em Osiris, Isis, Set và Nephthys lớn lên, nhưng chỉ có người anh cả Osiris là được quyền thừa kế công ty thiên đình của cụ nội Ra. Chàng là vị vua anh minh và từ bi cai trị con người và các vị thần. Isis lấy Osiris làm chồng, coi như cũng là phu nhân của cơ nghiệp đó. Trong khi hai anh em Set và Nephthys lấy nhau, dù Set cũng được Ra cưng chiều nhưng không thể sánh với người anh cả. Điều này khiến Set lấy làm ganh tị.

Ấy nhưng đó không phải nguyên nhân chính dẫn đến tình huynh đệ đổ vỡ giữa hai vị thần này.

Mà giọt nước tràn ly là do Osiris đã cắm cho Set một cục sừng to tổ bố!

Nephthys bất hạnh trong cuộc hôn nhân với Set, và đã ăn nằm ở đậu với ông anh trai Osiris. Nàng có với anh trai một người con đầu chó rừng đặt tên là Anubis. Thoạt đầu Set vẫn tưởng nó là con mình, nhưng rồi những lời gièm pha cũng đến, Set hoang mang không biết Anubis liệu có phải con mình. Nhưng rõ là Anubis còn quấn quýt với Osiris hơn cả hắn. Vậy là hắn tới đối chất Osiris bằng tất cả cơn giận dữ và cả sự ganh tị bấy lâu. Cuộc tranh cãi chẳng đi đến đâu và Set ra về với lời thề sẽ nghiền nát cuộc đời anh trai hắn.

Ít lâu sau, Set hợp tác với Nữ vương Aso của nước Ethiopia và 72 đồng minh cùng mở một bữa tiệc mời Osiris rồi chuốc say các vị thực khách. Hắn cho bưng ra một chiếc hòm bằng vàng ròng trang trí hết sức tinh xảo, phán rằng vị khách nào nằm vừa khít chiếc hòm sẽ là chủ nhân của nó. Vậy là từng vị khách một thử hòm mà chẳng ai vừa cả, người lùn quá, người cao quá, người vai quá rộng, người bụng quá to. Nhưng đến lượt Osiris nằm xuống, chiếc hòm vừa như in. Ngay lập tức, Set đóng hòm lại gắn xi rồi cùng các đồng minh thảy hòm xuống dòng sông Nile chảy xiết. 

Osiris, người chắt trai của thần Ra đã chết ngạt trong chiếc quan tài, và Set đã thủ tiêu anh trai mình như thế.

TẬP 3: NÀNG ISIS LẶN LỘI TÌM CHỒNG

Previously in “Sóng gió gia tộc thần Ra”, thần Set đã đóng hòm ông anh trai Osiris rồi thả trôi sông để báo thù vụ cắm sừng hoàng tộc. Nhận thấy chồng mất tích, nữ thần Isis hốt hoảng vô cùng. Nàng nghi cho Set nhưng nào có bằng chứng gì đâu, đành cam phận hóa thành con chim nhạn bay khắp chốn tìm chồng. Lúc bấy giờ chiếc hòm vàng chứa Osiris trôi dọc dòng sông Nile ra biển tới tận thành Byblos nay ở Lebanon. Chiếc hòm được rễ một cây thánh liễu giữ lại bên bờ, cây mọc cao vút, giữa đám rễ có chiếc hòm vàng thu hút sự chú ý của người dân, và vua Malcander thành Byblos đã cho nhổ trốc cả cây mang về trồng trong cung điện.

Một thời gian sau, Isis bay tới thành Byblos và nghe đám trẻ kể về ‘món quà của các vị thần’ tại cung điện. Nhận ra đó có thể manh mối dẫn tới chồng mình, nàng cải trang thành một vị lang chữa bệnh tới xức dầu cho các nữ tì của vương hậu Astarte. Nghe tin, vương hậu mời nàng qua chữa bệnh cho vương tử đang ốm nặng.

Isis vờ chăm sóc đứa trẻ, rồi nhân lúc Astarte ngủ say, nàng đặt đứa trẻ vào đống lửa rồi hóa thân thành con chim nhạn bay vòng quanh. Đúng lúc đó Astarte chạy ra, hốt hoảng cứu đứa con khỏi ngọn lửa. Hóa ra vương tử không hề bị bỏng, mà đó chỉ là nghi thức để Isis ban cho cậu bé sự bất tử, nhưng vì Astarte can thiệp mà cậu chỉ khỏi bệnh thôi chứ không có được điều đó. Vua và vương hậu thành Byblos quỳ xuống tạ ơn nữ thần Isis bởi dù sao vương tử cũng đã khỏi bệnh, và nàng được họ trả ơn bằng chiếc hòm vàng.

Isis đưa chiếc hòm lên thuyền trở về Ai Cập. Nhờ sự giúp đỡ của thần Trí tuệ Thoth và người em gái Nephthys (bỏ chồng đi kiếm anh trai kiêm bồ) mà nàng dùng thuật ướp xác hồi sinh được Osiris. Hai vợ chồng đoàn tụ và đứa con trai của họ – nam thần Horus, vị vua tương lai của Ai Cập ra đời.

Tuy vậy hạnh phúc của họ không kéo dài được lâu. Nhờ tai mắt mà Set sớm phát hiện ra sự hồi sinh của Osiris. Hắn cùng nữ vương Aso nước Ethiopia và 72 đồng minh bao vây và đánh úp Osiris. Để trừ hậu họa vĩnh viễn, hắn chặt xác người anh trai ra làm nhiều mảnh rồi thảy đi khắp nơi, từ dòng sông sâu thẳm tới sa mạc mênh mông.

Lúc bấy giờ Isis đang bận bịu chăm sóc cậu bé Horus bị bò cạp cắn. Khi phát hiện ra Osiris lại bị Set sát hại, nàng gửi Horus cho nữ thần rắn hổ mang Wadjet trên hòn đảo của bà, rồi dùng phép thuật khiến hòn đảo trôi nổi khắp nơi trên sông Nile để Set không thể lần ra tung tích của cậu bé. Rồi Isis cùng sự trợ giúp của Nephthys và Anubis đi khắp các nẻo đường tìm kiếm những phần thi thể của Osiris. Họ tìm thấy 12 mảnh xác của chàng, nhưng đúng mảnh cuối cùng là chiếc dương vật đã bị cá ăn, từ ấy họa mi không còn nữa. Isis khâu xác Osiris rồi hồi sinh chàng, nhưng tấm thân này đã hủy hoại, họa mi này đã bay đi, vậy thì còn sống ở dương gian làm gì nữa. Chàng bịn rịn chia tay nàng và trở thành vị vua, người phán xử của cõi âm Duat. Người con trai Anubis của Osiris và Nephthys cũng theo cha, trở thành vị thần dẫn đường cho người chết xuống cõi âm. Vài năm sau khi Horus lớn lên, Osiris đã một lần trở lại dương gian để thử thách trí tuệ của cậu, và thúc giục Horus trở lại đối đầu với Set để giành lại những gì xứng đáng. 

TẬP 4: CÁI TÊN BÍ MẬT CỦA THẦN RA

Horus lớn lên trên hòn đảo của Wadjet, biết được tội ác của ông chú Set đã gây ra cho cha, và nung nấu ý định báo thù để giành lại ngai vàng. Nhưng trước khi chuyện đó xảy ra, vẫn còn một câu chuyện khác cần kể. Đó là mưu đồ mà mẹ cậu, nàng Isis đã làm để mang lại cho cậu quyền lực lớn lao và vị thế giữa các vị thần. Đó là câu chuyện về cái tên bí mật của thần Ra.

Isis nhận ra rằng để đối đầu với Set, nàng và con trai phải nắm trong tay quyền lực. Quyền năng lớn lao nhất thuộc về thần Ra, và để có được nó nàng phải có được cái tên bí mật của cụ nội.

Ra đã già, bước đi vấp váp, nhỏ cả dãi xuống cát. Isis hứng lấy nước dãi của Ra rồi trộn với đất cát tạo thành hình một con rắn mang thứ nọc độc mà chỉ nàng có thể giải. Nhân lúc Ra đi qua, nàng sai con rắn lao ra đớp một phát rồi biến mất khiến Ra đau đớn quỵ xuống. Các vị thần chạy ra đỡ ngài, nhưng không ai biết phải làm sao để chữa kể cả thần Thoth thông tuệ. Chỉ còn có cách Ra nhờ tới cô chắt gái Isis, một bậc thầy phép thuật.

Isis quỳ xuống bên Ra, thì thầm vào tai cụ rằng: “Cháu sẽ chữa cho cụ, nhưng cụ phải nói cho cháu cái tên bí mật của cụ đã”. 

Nọc rắn đã khiến đôi mắt của thần mờ đi, Ra gắng gượng thốt rằng: “Ta là người tạo ra vũ trụ, trời và đất. Ta ban sự sống cho các vị thần và những con người, đem lại ánh sáng và bóng đêm. Cái tên bí mật của ta không vị thần nào biết. Rạng sáng ta là Khepri, buổi trưa ta là Ra, đêm xuống ta là Khnum”.

“Không, ai cũng biết những cái tên ấy”, Isis thốt lên, “Cháu cần cái tên bí mật của cụ. Hãy nói ra nếu không sẽ quá muộn”.

Vậy là trong hơi thở cuối cùng, Ra đành lòng thốt ra cái tên bí mật của mình, cái tên mà chẳng vị thần nào biết, bí mật tới nỗi người Ai Cập cũng chẳng biết mà ghi chép lại cái tên trong truyện. Isis hài lòng rút chất độc khỏi cơ thể Ra chỉ trong chớp mắt. Vậy là với cái tên bí mật của Ra, Isis đã có thể chuẩn bị cho Horus trước thềm trận chiến cam go: quyền lực. Quả thực, nữ thần Isis đa mưu túc kế, thâm hiểm khôn lường, đích thị là một kẻ giật dây đáng gờm trong biến loạn Sóng gió gia tộc này, còn cụ Ra thì tội lắm thay, già rồi mà còn bị con cháu xoay như chong chóng…

TẬP 5: ĐẠI CHIẾN HORUS VÀ SET

Điều gì đến cũng phải đến, Horus được mẹ dẫn tới trước mặt các vị thần để đòi lại ngai vàng của cha đã bị Set chiếm đoạt. Các vị thần dù biết rõ chuyện Set làm Osiris mất họa mi, nhưng họ cũng e sợ họa mi Horus còn non trẻ quá sao cai trị được. Ra cũng vậy, thiên vị hẳn cho Set vì Set là trợ thủ đắc lực nhất cùng đoàn tùy tùng sát cánh bên Ra trong trận chiến với quái vật Apep mỗi ngày. Bên phía Horus và Isis chỉ có mình sự ủng hộ của Thoth và nữ thần Bầu trời Nut.

Vậy là những cuộc tỉ thí nổ ra giữa #teamHorus và#teamSet.

Horus và Set giáp lá cà, nhưng sự non trẻ của Horus khiến cậu suýt chút nữa thất trận. May thay Thoth can thiệp kịp thời, lấy lý do kỹ thuật để tạm ngưng trận đấu, mời các thần vào họp kín (team này khôn thế!). Một cuộc tranh cãi nổ ra giữa hai phe. Nhân lúc đó, Isis cải trang thành một góa phụ đến diện kiến các vị thần. Bà ta đối diện với Set, xin thần phán xử kẻ đã cướp mất ruộng vườn và gia súc của bà ta sau khi chồng bà ta bị hắn giết chết. Set tức giận phán rằng tội ác của hắn phải bị trừng phạt. Isis lập tức hiện nguyên hình, phán rằng: “Hắn đã tự kết án chính mình rồi!”.

Đòn đánh phủ đầu của Isis đã khiến hầu hết các thần đổi phe ủng hộ Horus, nhưng Ra vẫn một mực bênh Set. Ra yêu cầu Horus và Set tỉ thí bằng cách khác đỡ bạo lực hơn: Hóa thân thành con hà mã và thi xem ai lặn được dưới nước lâu nhất. Hai vị thần làm theo, và suốt ba tháng trời vẫn chẳng ai chịu thua. Isis tính chơi xấu bằng cách ném lao vào Set, ai ngờ lại ném trúng Horus khiến cậu bị thương và phải nổi lên ngay tức thì. Hoảng hốt, Isis vội chữa thương cho con trai rồi ném lại cái lao khác vào Set. Horus nổi cơn thịnh nộ chặt đầu bà mẹ vì tội phá đám. Còn Set tức giận nổi lên và móc mắt Horus trừng phạt. Đau đớn, Horus thiến con “đại bàng” của Set. 

Ra phải yêu cầu giảng hòa giữa đôi bên. Nữ thần Tình yêu Hathor chữa lành đôi mắt cho Horus, nối lại của quý cho Set và cái đầu cho Isis. Set quyết định hạ nhục Horus bằng cách cưỡng hiếp cậu ta. Hắn lén đến gần khi Horus đang ngủ say, nhưng Horus đã vội lấy tay chặn “cái của đó” lại. Chắc hẳn vì “đại bàng” mới được nối lại nên còn hơi yếu, Set bắn tinh dịch ra đầy tay Horus. Dù không đạt được mục đích nhưng Set cũng rất hài lòng vì phóng tinh lên người đối thủ cũng là một sự hạ nhục ghê gớm. Để trả đũa, Isis bôi dầu cọ lên họa mi của Horus rồi “mát-xa” cho cậu phun tinh dịch lên đĩa rau diếp – món ăn ưa thích của Set. Set ăn xong món rau trộn mayonnaise, Isis mới tiết lộ trò chơi khăm này, và Thoth hớn hở đọc chú: “Tinh dịch của Horus, hãy ra khỏi cái đầu của Set”. Lập tức trên đầu Set mọc lên một cái đĩa bằng vàng. Thoth xin cái đĩa này đặt lên đầu mình làm biểu tượng của mặt trăng, còn Set bị các thần cười nhạo.

Thử thách tiếp theo là mỗi người phải làm một con thuyền đá để đua trên sông Nile. Thuyền đá của Set vừa ra mặt nước đã chìm nghỉm, còn Horus làm con thuyền giả đá, bên trong toàn gỗ sậy nên chạy băng băng. Set tức giận hóa thành con hà mã phá tan con thuyền của Horus, lật tẩy trò gian lận của cậu. Horus lúc này khiếu kiện lên các thần khi sau bao nhiêu lần thắng trận vẫn không được xử công bằng, và đích thân Osiris hiện hồn dọa Ra rằng ông sẽ cùng đoàn âm binh từ Duat lên gây chiến nếu mọi chuyện phân xử không ra nhẽ. Vậy là Ra đành phải xử thua Set và tôn Horus lên ngôi vị vua của toàn cõi Ai Cập. Horus trở thành một vị vua anh minh và nhân từ, bên cạnh luôn có Isis và Thoth phò trợ.

Một phiên bản khác còn kể rằng 300 năm sau Set và Horus đánh nhau một trận cuối cùng, một trận đại chiến đúng nghĩa giữa quân đội hai bên. Cuối cùng Horus trảm được đầu Set, rồi hồi sinh hắn trong sự nhục nhã ê chề nhưng vẫn phải tâm phục khẩu phục. Thần Neith (nữ thần săn bắn, mẹ của Ra và Apep trong một số thuyết) thương Set vừa mất chức vừa bị vợ bỏ, liền gả cho Set hẳn hai cô vợ ngoại quốc là nữ thần Astarte xứ Phoenicia và nữ thần Anat xứ Canaan để giúp hắn khuây khỏa nỗi buồn.

Lúc bấy giờ cụ Ra mới thở phào nhẹ nhõm, ôm ngực thở dài: “Cuối cùng cũng hết một đời sóng gió…”