Truyện Phạm Tử Hư

0
311

Truyện Phạm Tử Hư

Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái có chép chuyện sau đây để nêu gương của Phạm Tử Hư thờ thầy học là Công Trực.

Đời nhà Lý, Phạm Tử Hư là cậu học trò nghèo, nhưng rất hiếu học, nhờ ơn một nho sĩ tên là Công Trực sớm hôm dạy dỗ. Việc học tập đang tiến hành, dè đâu nửa chừng Công Trực nhuốm bệnh rồi mất.

Công Trực chỉ để lại một đứa con nhỏ tuổi, không ai lo việc phụng thờ.

Trước tình cảnh ấy, Tử Hư về nhà nài nỉ với mẹ ruột:

– Thưa mẹ, bấy lâu nay con chịu ơn thầy Công Trực. Giờ đây thầy mất, thiếu người thờ phụng. Xin mẹ cho con xin chút ít ruộng đất, về phần chia cho con sau này.

Mẹ của Tử Hư chiều ý con:

– Mẹ có thể cho con sáu sào ruộng.

Tử Hư nói:

– Vậy xin mẹ cho phép con bán trước hai sào để giúp thầy.

Hai sào ruộng ấy bán được ba mươi quan tiền. Sau khi làm lễ tế. Tử Hư cất một cái chòi tranh gần bên mộ của thầy, ngày đêm lo việc nhang khói, đằng đẳng suốt ba năm cho trọn thời kỳ để tang.

Khoa thi đang kỳ mở hội, Tử Hư đến kinh đô thi đậu tam trường rồi đậu tứ trường. Tháng 11 năm Đinh Mão, Tử Hư lại đi thi lần chót. Vì đi quá nhọc nhằn mệt mỏi nên buổi trưa nọ Tử Hư ghé vào chùa Châu Võ mà nghỉ tạm cho mát.

Vừa bước vào chùa, Tử Hư vô cùng ngạc nhiên, thấy thầy cũ của mình là Công Trực đã ngồi bên trong tự bao giờ.

Tử Hư hoảng sợ nhưng cũng mừng, bèn quỳ lạy:

– Thưa thầy, từ bảy tám năm qua thầy đã mất. Tại sao thầy hiện về đây được?

– Tử Hư! Con hãy an tâm. Thầy cảm nghĩ tấm lòng hiếu thảo của con nên muốn gặp mặt con để dạy bảo đôi điều.

– Xin thầy tha tội. Bấy lâu nay vì quá túng bấn, con chưa cúng kiến; hôm nay con lại thiếu lễ vật.

Thầy đáp:

– Này Tử Hư! Xưa kia nhờ ta sống liêm khiết, tuân theo đạo lý nên sao khi thác, Ngọc Hoàng cho ta làm Phán quan trông coi những kỳ thi, lựa người hiền đức tài năng …

Tử Hư hỏi:

– Thưa thầy, phen này con thi đậu hay thi rớt. Nếu có thể, xin thầy mách bảo …

Thầy đáp:

– Thiên cơ bất khả lậu. Tuy vậy, thầy hứa cố gắng giúp con. Con hãy về nhà, lo học tập thêm đi. Rồi đợi ngày 20 tháng chạp năm sau, con đến chùa này lần nữa, thầy sẽ mách bảo đích xác hơn.

Tử Hư về nhà chăm lo học hành, thuật cho mẹ nghe chuyện gặp thầy. Đúng ngày hẹn, chàng mua sắm rượu thịt quảy lên vai, lên đường.

Đến chùa, Tử Hư lấy làm sung sướng mà gặp mặt thầy ngồi chờ sẵn tại đó. Hai thầy trò ăn uống vui say.

Tàn buổi tiệc mọn, thầy bảo:

– Con hãy thay quần áo mão của người đệ tử của thầy mà mặc vào để cải trang.

Cải trang xong, thầy phất tay vài ba lượt trên không trung. Hai thầy trò đằng vân bay lên trời, ghé vào nơi làm việc của Nam Tào Bắc Đẩu.

Nam Tào ngồi giữa điện, nghe lời báo cáo của các nơi về cuộc thi sắp tới.

Đại khái, Nam Tào chủ ý tuyển chọn những người có đức hạnh và đánh rớt kẻ ngỗ nghịch.

Sau khi chọn những người đậu cao, Phán quan – thầy của Tử Hư – bèn trình bày:

– Ở vùng Hoa Phong, Phạm Tử Hư nổi danh học giỏi. Xin Nam Tào chiếu cố đến.

Nam Tào lắc đầu:

– Tử Hư học giỏi, trẻ tuổi … nhưng hắn là người kiêu căng.

Thầy của Tử Hư bàn vào:

– Nhưng từ bé đến giờ, Tử Hư chưa hại một ai cả.

Một vị quan nói thêm:

– Thưa Nam Tào, Tử Hư mồ côi từ bé, chăm thờ thầy học rất có nghĩa. Xin Nam tào khoan dung đứng để nó rớt.

– Vậy thì kỳ thi này, ta cho nó đậu gần chót trong bảng …

Hai thầy trò về chùa, tạm biệt. Quả nhiên khoa thi năm Mậu Thìn, Tử Hư được ghi tên vào bảng hổ.