Truyền thuyết Khoa Phụ đuổi theo Mặt Trời

0
832

Thời viễn cổ, có một người khổng lồ tên là Khoa Phụ (cháu tám đời của Viêm Đế), sinh sống ở vùng núi phương Bắc. Khoa Phụ rất thân thiết với loài rắn, theo miêu tả, trên mỗi vành tai của ông đều vắt vẻo một con rắn vàng, trên mỗi tay cũng cầm một con.

Khoa Phụ tuy thân hình to lớn nhưng di chuyển cực kỳ nhanh nhẹn, khi chạy thì nhẹ nhàng như bay, có thể nói là trên đời chẳng có sinh vật nào chạy nhanh bằng ông ta lúc đó. Chính vì thế, khi thấy vầng thái dương trôi qua trên bầu trời, Khoa Phụ nảy sinh ý muốn chạy đua với Mặt Trời. Lại có truyền thuyết thì kể khác rằng do Mặt Trời nóng quá, khiến vạn vật nóng bức, đất đai khô hạn, dân không chịu được nên Khoa Phụ muốn đuổi theo bắt lấy Mặt Trời, buộc nó phải nghe theo lệnh mình.

Thế là Khoa Phụ đuổi theo hành trình của Mặt Trời từ Đông sang Tây. Hai bên đuổi bắt nhau bất phân thắng bại. Đến cuối ngày, Khoa Phụ cũng đuổi kịp nhưng ông ta không lường trước được sức nóng khủng khiếp của Mặt Trời, khiến tất cả nước trong cơ thể đều bị bốc hơi. Khoa Phụ khát quá chạy một mạch đến bờ sông Hoàng Hà – con sông lớn bậc nhất TQ, cúi mặt uống một phát cạn sông nhưng vẫn không hết được cơn khát, ông ta lại tiếp tục chạy đến uống nước ở sông Vị Hà (nhánh nhỏ của Hoàng Hà) nhưng cũng không hết khát. Khoa Phụ bèn chạy tiếp về biển Hãn Hải ở phương Bắc, hi vọng tìm được nguồn nước đủ lớn để thỏa cơn khát cháy cổ.
Tiếc thay, không kịp đến được bờ biển thì Khoa Phụ đã kiệt sức do mất nước và chết trên đường. Cây gậy chống đi đường của Khoa Phụ rơi xuống đất, mọc lên một khu rừng đào quanh năm xanh mát, cho nhiều quả ngon giúp người đi đường ăn đỡ khát. Bên cạnh rừng đào, người ta xây dựng một vương quốc gọi là Khoa Phụ (hay Bác Phụ) để tưởng nhớ ông. Con dân nước này đều có thân hình to lớn và thân thiết với loài rắn, người nào trên 2 tay cũng cầm 1 con rắn vàng và 1 con rắn lục.

Câu chuyện Khoa Phụ đuổi Mặt Trời có nét gì đó tương đồng với chuyện Cường Bạo đại vương trong truyền thuyết Việt Nam hay chuyện chàng Icarus trong truyền thuyết Hy Lạp, đều thể hiện khát vọng muốn chinh phục thiên nhiên của con người, chỉ tiếc là sức người hữu hạn, để thắng “thiên” quả thật đâu có dễ.