Tỳ Bà Tử

0
763

Đối với người Trung Hoa, đàn tỳ bà không chỉ là một loại nhạc cụ mà còn là một biểu tượng tâm linh. Người ta quan niệm rằng đàn tỳ bà sau thời gian dài tồn tại và hấp thụ linh khí đất trời sẽ thức tỉnh tánh linh, có thể biến thành hình dạng con người và có được một số pháp thuật thần thông. Những người chơi đàn tỳ bà, sau một thời gian gắn bó với đàn trở nên giao cảm với đàn, sau khi chết cũng có thể biến thành Tỳ Bà Tử. Ngoài ra những sinh vật sống gần đàn tỳ bà như hoa cỏ, côn trùng nếu cảm ứng và tiếp xúc với linh khí của đàn lâu dài, sau khi kết thúc mạng sống của mình cũng có thể hiện thành hình dạng nửa người nửa thú, luôn mang theo đàn tỳ bà bên mình (có thể lý giải phần nào về việc yêu tinh tỳ bà trong Tây Du Ký sau khi bị tiêu diệt lại hóa thành con bọ cạp). Trong quan niệm Phật Giáo, Tỳ Bà Tử cũng thuộc hàng Chư Thiên và nằm trong Hỉ Lạc Thiên. Nếu Tỳ Bà Tử tâm tình không tốt, tạo nhiều ác nghiệp thì có thể trở thành Tỳ Bà Tinh.

Tỳ Bà Tử thường xuất hiện trong hình dáng trai xinh, gái đẹp, lúc nào cũng mang theo đàn tỳ bà. Tỳ Bà Tử cũng có thể chiến đấu bằng chiếc đàn của mình, tiếng đàn có thể gây rối loạn kẻ thù khiến đối phương bị mê hoặc, điên đảo và các giác quan trở nên yếu ớt (cũng giống như trong Tây Du Ký lúc nó đấu với Ngộ Không). Ngoài ra tiếng đàn cũng có thể làm cho tinh thần vui vẻ, phấn chấn nếu đối phương là người được Tỳ Bà Tử bảo hộ.

Không giống như những loại yêu tinh khác, đàn tỳ bà thành tinh sau khi bị tiêu diệt đến hiện nguyên hình sau một thời gian hấp thụ linh khí vẫn có thể trở lại hình dáng con người. Trong Phong Thần Bảng, Ngọc Thạch Tỳ Bà bị Khương Tử Nha dùng lửa đốt cháy hiện ra nguyên hình, Đắc Kỷ thấy vậy liền lấy lý do muốn giữ lại đàn để đánh nhạc hầu hạ cho Trụ Vương mà đã giữ lại tỳ bà bên mình. Sau đó Đắc Kỷ kêu người cho xây một đài cao rồi để tỳ bà lên đó, đúng 6 năm sau Ngọc Thạch Tỳ Bà lại trở lại hình dạng con người tiếp tục cùng Đắc Kỷ phá đổ nhà Thương.