Được mệnh danh là “Cha đẻ của lũ rồng”, Glaurung chính là con rồng đầu tiên xuất hiện ở Trung địa.
Sau những thất bại trước người Noldor ở đầu kỷ Đệ Nhất, Morgoth đã nung nấu ý định tạo ra một loại quái vật mạnh mẽ nhằm giúp hắn cân bằng lại thế trận. Glaurung chính là sản phẩm từ các thí nghiệm của hắn ở Angband.
Tuy không có cánh như lũ hậu duệ nhưng bù lại Glaurung có vóc dáng to lớn, xù xì, có lẽ chỉ xếp sau con Ancalagon về kích thước. Lần đầu tiên Glaurung xuất hiện là vào năm 260 của Kỷ Đệ Nhất, con quái vật đã tàn phá cả vùng đồng bằng xanh tươi Ard-galen ở phía Nam Angband. Tuy nhiên lúc này Glarung còn khá yếu nên bị người Elf đẩy lui. Morgoth không hài lòng cho lắm về sự xuất hiện quá sớm của Glaurung, hắn mong muốn “sản phẩm” của mình sẽ phải xuất hiện ở một hoàn cảnh bất ngờ hơn nữa.
Bẵng đi rất lâu, cho đến tận năm 455, Glaurung mới lại xuất hiện trong trận Dagor Bragollach, ngọn lửa của con rồng này đã giúp Morgoth đột phá phòng tuyến Angband, chấm dứt chuỗi thời gian bị người Elf vây hãm và giam lỏng ở nơi đây. Năm 472, trong trận Nirnaeth Arnoediath trứ danh, sự kiện đánh dấu thất bại nặng nề nhất của phe Elf trước thế lực bóng tối trong kỷ Đệ Nhất, con rồng Glaurung lại một lần nữa tham chiến. Rất nhiều chiến binh Elf đã tử trận bởi ngọn lửa của Glaurung. Chỉ có người Lùn, vốn cứng cáp và kiến cường là đủ sức đương chọi với con rồng và khiến nó bị thương, với một cái giá khá đắt đắt, đức vua của họ là Azaghal hi sinh. Có lẽ cũng một phần là định mệnh, bởi lũ con cháu của Glaurung sau này sẽ trở thành những kẻ thù đáng sợ nhất mà dòng giống người Lùn phải đối mặt.
Lại nói, sau chiến thắng chung cuộc ở trận Nirnaeth Arnoediath, chúa tể Morgoth giao trọng trách cho Glaurung canh giữ những vùng lãnh thổ mới chiếm được. Không phải tự nhiên Morgoth lại tin tưởng giao những nhiệm vụ quan trọng cho một con rồng, bởi Glaurung không phải là một con quái vật vô tri vô giác chỉ biết lao lên cắn xé và khè lửa. Nó thực sự là một sinh vật mưu mô, biết tính toán, lại có khả năng thôi miên và làm rối loạn tâm trí kẻ khác.
Năm 495, Glaurung lại cầm đầu một đội quân Orc đánh chiếm pháo đài Elf Nargothrond ở phía Bắc Beleriand. Nargothrond thất thủ dễ dàng, Glaurung gom hết kho báu của cải trong thành lại cất trữ dưới hầm ngầm và đích thân nó ở lại canh giữ kho báu cho đến vài năm sau, con rồng bị giết bởi người anh hùng Turin – con trai của Hurin. (ngoại truyện về chàng Turin sẽ được kể trong một thời điểm thích hợp).
Rồng lửa Gondolin
Không phải là con rồng này có nguồn gốc ở Gondolin mà nó được đặt biệt danh như vậy bởi những gì nó đã gây ra cho thành phố này. Gondolin – thành phố bí ẩn, thành lũy kiên cố cuối cùng của tộc Elf ở Trung Địa mà quyền năng của chúa tể Morgoth không thể với tới cuối cùng cũng bị bại lộ tung tích. Chỉ huy của Balrog – Gothmog cưỡi trên lưng con rồng lửa này, dẫn đầu binh đoàn Orc đến đánh phá Gondolin. Cả thành phố nguy nga tráng lệ phút chốc bị thiêu rụi trong ngọn lửa hung tàn của con quái vật. Không rõ tên riêng của con rồng là gì, nhưng từ đó người ta gọi nó là con quái vật của Gondolin, như một sự nhắc nhở về sự tàn phá của nó trong lịch sử tộc Elf.
Ancalagon the Black
Con rồng to lớn và hùng mạnh bậc nhất trong lịch sử toàn cõi Arda, kẻ chỉ huy phi đội rồng lửa, quân át chủ bài của Morgoth trong trận chiến cuối cùng kỷ Đệ Nhất, với khả năng phóng lửa, cộng thêm lợi thế bất ngờ, suýt chút nữa Ancalagon và lũ rồng đã lật ngược được thế cờ, khiến cả các Valar cũng nao núng. Liên minh chưa bao giờ nhìn thấy một con rồng biết bay, họ không hề được chuẩn bị cho một tình huống như vậy. Rất may, Ealendil trên con thuyền bay Vingilot, cộng thêm sự hỗ trợ của loài đại bàng khổng lồ đến cứu viện kịp thời. Ealendil được ghi nhận là đã giết được Ancalagon trong trận này, cũng là đánh dấu sự thất bại của chúa tể Morgoth.
Tuy câu chuyện về Ancalagon the Black không được kể lại nhiều, cũng như kích thước của nó không được mô tả kỹ càng, chúng ta vẫn có thể hình dung ra vóc dáng vĩ đại của con quái vật này. Tương truyền, khi bị giết, xác Ancalagon ngã xuống và làm đổ sập cả dãy Thangorodrim. Đây là hệ thống 3 ngọn núi ở Angband, được mệnh danh là những ngọn núi cao nhất Trung Địa, với chiều cao khoảng hơn 10.000m và chiều rộng hơn 8.000 m ( đỉnh núi Everest của chúng ta mới có chiều cao khoảng 8.800 m)., như vậy cũng có thể xác nhận về kích thước kỷ lục của Ancalagon, có lẽ trong lịch sử của Trung Địa, không bao giờ người ta còn thấy tồn tại một sinh vật nào to lớn như thế nữa.
Scatha the Worm
Không giống với đám rồng thế hệ F2, F3, Scatha không có cánh và có thân hình dài ngoằng như loài rắn. Cuộc đời và nguồn gốc của con này không được kể rõ ràng. Khả năng cao thì nó thuộc binh đoàn rồng của chúa tể Morgoth từ kỷ Đệ Nhất, sau trận đánh cuối cùng của kỷ, con rồng chúa Ancalagon bị giết, những con sống sót chạy trốn về vùng Đông Bắc Trung Địa và ẩn mình trong các hang sâu, Scatha có thể nằm trong số đó.
Đến giữa kỷ Đệ Tam, người ta mới nghe nhắc đến tung tích của Scatha. Hang ổ của nó nằm ở sườn phía Nam của dãy núi Xám. Nó đã tàn sát và cướp bóc nhiều của cải của người lùn cũng như con người trong thời gian này. Về sau, Fram của tộc Eotheod (tổ tiên của người Rohan) đã tìm được hang con rồng và tiêu diệt nó. Đống của cải mà chàng ta loot được sau khi giết Scatha giúp vực dậy thế lực cho người Eotheod sau này, tuy vậy cũng khiến họ nảy sinh mâu thuẫn với người Lùn – chủ nhân thực sự của phần lớn của cải mà Scatha cướp được.
Rồng băng khổng lồ
Khác với hầu hết những con rồng thông thường ở Trung Địa, loài rồng này không phun lửa và mà phun ra băng và sương mù. Tuy không biết bay và không có sức mạnh thể chất như những con rồng lửa, nhưng loài rồng băng lại nổi tiếng với bộ vảy vô cùng cứng cáp và những chiếc răng sắc nhọn như dao. Danh tiếng của lũ rồng này chỉ được biết đến ở cuối kỷ Đệ Tam, khi chúng kéo đến đập phá những bức tường kiên cố của người Lùn ở dãy núi Xám, đức vua Dain I và con trai đã bị giết chết trong sự kiện này, sau đó người Lùn phải bỏ lại cơ ngơi, di cư đến Đồi Sắt và Núi Cô Đơn cũng vì lũ này.
Sau đợt quấy phá đó, người ta không còn nghe nhắc nhiều đến tung tích của lũ rồng băng. Có lẽ chúng đã hài lòng với việc độc chiếm cả vùng đất lạnh giá phía Bắc Trung Địa.
Theo giả thuyết thì đám rồng băng này là những sinh vật được nữ thần hoa trái Yavanna tạo ra từ thuở sơ khai, về sau mới bị Morgoth “tận dụng” để tạo ra loài rồng lửa, vì thế cũng có thể nói rằng rồng băng mới chính là những con rồng đầu tiên trên thế giới.
Smaug
Đây có lẽ là con rồng nổi tiếng nhất trong đám rồng ở Trung Địa, được cho là con rồng cuối cùng còn sót lại ở thế giới này. Smaug quy tụ những đặc điểm phổ biến của một con rồng thường thấy: vóc dáng to lớn, vảy cứng hơn giáp, biết khè lửa, biết bay, tham vàng bạc châu báu và cực kỳ nham hiểm. Nguồn gốc xuất xứ của Smaug cũng không được kể rõ ràng, có người nói nó là hậu duệ của con rồng lửa Gondolin năm xưa. Đến từ phương Bắc lạnh giá, Smaug bị thu hút bởi kho vàng của vua Thror. Năm 2770 của kỷ Đệ Tam, Smaug bay đến tàn phá vương quốc Erebor, đuổi hết người Lùn ở đây đi và độc chiếm núi Cô Đơn cùng tất cả vàng bạc châu báu trong đó.
Trong suốt hơn 200 năm, Smaug ẩn mình trong lòng núi, không rời kho vàng mà nó chiếm được. Để đảm bảo không có một tên trộm nào có thể thó được đồng nào trong đống của đó, Smaug đã tàn phá tất cả các vùng dân cư lân cận, biến vùng đất xung quanh núi Cô Đơn trở thành miền đất hoang tàn. Về sau, khi đoàn người do Thorin Oakenshield dẫn đầu lẻn vào tái chiếm quả núi, Smaug nổi giận bay đến thị trấn Hồ bên cạnh, định sẽ thiêu rụi cả nơi này, nhưng rồi lại bị anh chàng cung thủ Bard bắn chết (chuyện chi tiết về sau này sẽ kể). Thât kỳ lạ, loài rồng là những sinh vật đáng sợ bậc nhất trong lịch sử Trung Địa, thế nhưng những nhân vật có thể giết được chúng lại đều là con người yếu đuối đoản mệnh. Glaurung bị giết bởi Turin, Ancalagon bị giết bởi Earendil (thực ra anh này là Elf lai người), Scatha bị giết bởi Fram, Smaug bị giết bởi Bard.
Được cho là có kích thước nhỏ nhất trong số các con rồng (cao khoảng 25m), tuy vậy Smaug vẫn to lớn hơn hầu hết mọi sinh vật sống ở Trung Địa. Không những có bộ vảy đao kiếm không thể xuyên thủng và ngọn lửa cứ sức hủy diệt cao, Smaug còn rất thông minh. Nó có giác quan nhạy bén một cách đáng nể, ngay lập tức có thể phát hiện ra bất cứ kẻ nào đột nhập vào kho vàng (kể cả là một anh chàng Hobbit nhẹ nhàng và khôn khéo nhất). Là kẻ nham hiểm và lọc lõi, Smaug không thích làm thịt con mồi mà thích chơi đùa với họ bằng ngón đòn tâm lý, sử dụng những lời châm chích và chế giễu để khiến con mồi phải hoang mang, phẫn nộ. Nhưng có lẽ, tính cách kiêu ngạo và sự nóng giận không đúng lúc của Smaug là lí do khiến con rồng khôn ngoan này phải chết dưới mũi tên của Bard Cung Thủ