Là thứ sinh vật cổ xưa, tồn tại từ kỷ nguyên Hai Cây, Balrog vốn ban đầu là những linh hồn Maiar quyền năng được gọi là Valaraukar, đến Arda trợ giúp các Valar trong công cuộc kiến tạo thế giới. Thế nhưng, cũng giống như Sauron, chúng nhanh chóng bị cuốn hút bởi sức mạnh của Morgoth và tự nguyện phục vụ chúa tể bóng tối.
Khi Morgoth bị mụ nhện Ungoliant tấn công (do chia chác không sòng phẳng), lũ Balrog lúc bấy giờ đang còn dưới lòng đất xứ Angband, nhảy lên cứu chúa. Cần đến 7 con Balrog để đánh đuổi được Ungoliant đi, thế nhưng cũng đã chứng tỏ sức mạnh của chúng, bởi phải biết rằng Ungoliant vừa hấp thụ nguyên khí của hai cây thần, uy lực không phải loại vừa, đến chúa tể Morgoth cũng bị nó đập như con.
Trong suốt kỷ Đệ Nhất, lũ Balrog đã chứng tỏ mình là những tay sai đắc lực nhất của chúa tể bóng tối. Một con Balrog cũng giá trị hơn cả một đội quân Orc. Chúng góp mặt trong hầu hết các cuộc chiến ở kỷ Đệ Nhất: tiêu diệt đoàn Elf của Feanor đến Trung Địa tìm viên Silmaril, đánh phá thành trì của liên minh Elf- Người trong trận Dagor Bragollach, bắt giữ người anh hùng Hurin trong trận Nirnaeth Arnoediad, phá hủy thành phố Gondolin huyền thoại … Có thể nói, vị trí của lũ Balrog trong quân đoàn của Morgoth lúc đó chỉ xếp sau chủ nhân của chúng, đến Sauron cũng phải lép vế.
Chỉ đến khi nổ ra Cuộc chiến Thịnh Nộ (War of Wrath), các Valar đến Trung Địa, lũ Balrog mới bị đánh bại. Đa phần trong số chúng chết trận, chỉ một vài con sống sót, trốn sâu xuống lòng đất và ngủ yên dưới đó.
Chẳng còn ai còn biết được tung tích của lũ Balrog, tên tuổi của chúng dần bị lãng quên cho đến tận kỷ Đệ Tam, khi Người Lùn ở mỏ Moria (Khazad-dum), trong quá trình khai thác đá quý, đào trúng hang của một con Balrog. Bị thức tỉnh sau giấc ngủ dài, con quái vật điên cuồng tàn sát cả vương quốc, giết chết vua Durin VI, khiến tộc Người Lùn phải bỏ cả vương quốc, di tản về phương Đông, cũng kể từ đó, mà nó còn được đặt biệt danh là “Tai ương của Durin”.
Sau khi đánh đuổi Người Lùn đi khỏi Moria, nó độc chiếm hầm mỏ này. Chẳng một sinh vật sống nào dám lai vãng cho đến tận cuối kỷ Đệ Tam, khi đoàn hộ tống người-mang-nhẫn đi qua đây, Balrog lại xuất hiện và bị Gandalf giết chết dưới vực sâu sau nhiều ngày chiến đấu.
Lũ Balrog mang hình dạng một con quỷ toàn thân bao bọc bởi lửa và dung nham, kích thước to như tòa thành, trên tay thường cầm một thanh kiếm lửa và một ngọn roi dung nham, quả thực là hung thần trên các chiến trường.
Con Balrog cầm đầu tên là Gothmog, là con mạnh nhất, sử dụng một cây rìu đen, là nỗi khiếp sợ của những chiến binh Elf. Hắn có thành tích giết được 2 vị vua của tộc Noldor là Feanor và Fingon, bắt sống được cả người hùng Hurin.
Trong trận công phá thành Gondolin, Gothmog đối đầu với lãnh chúa Echtheleion. Echthelion bị Gothmog tước vũ khí, ông dùng chiếc mũ giáp trên đầu, đâm vào Gothmog. Cả hai ngã xuống giếng nước, cùng chết một lúc.
Một điều thú vị là thanh kiếm Orcist được cho là thuộc sở hữu của Echthelion – thanh kiếm phát sáng khi lũ Orc đến gần, được rèn cùng một bộ với thanh Glamdring của Gandalf. Nếu đúng như vậy, thì thật trùng hợp, cả 2 thanh đều phục vụ cho những chủ nhân giết được Balrog.