Pháp sư ở Trung Địa

0
1525

Đó là năm thứ 1000 của kỷ Đệ Tam, giữa lúc vương quốc Arnor đang xảy ra cuộc nội chiến “tam quốc phân tranh”, còn Gondor vừa kết thúc cuộc chiến với người Easterling, giờ lại đem quân xuống phương Nam thảo phạt Umbar, có một sự kiện quan trọng đã diễn ra, đánh dấu nhiều biến chuyển trong dòng lịch sử của lục địa này, đó là sự xuất hiện của nhóm 5 vị pháp sư, hay còn gọi là các Istar.

Có lẽ đã nhận thấy tình hình bất ổn ở Trung Địa và tiên đoán sự trỗi dậy của chúa tể Sauron, các Valar đã cử những Maiar (những linh hồn có nhiệm vụ hỗ trợ các Valar trong công cuộc kiến tạo thế giới) đến lục địa trong hình hài những vị pháp sư quyền phép để trợ giúp những cư dân nơi đây, sát cánh bên họ trước những biến cố sắp tới của Trung Địa. 5 vị pháp sư, thường được phân biệt qua màu sắc trang phục, có những định hướng và phương thức làm việc khác nhau khi đặt chân đến Trung Địa, chưa bao giờ, người ta thấy cả 5 vị cùng đi với nhau, và đương nhiên, kết cục của họ ở lục địa này cũng sẽ khác nhau.

1. Saruman the White

Có thể coi là người đứng đầu trong nhóm 5 pháp sư. Tên thật của ông ta là Curumo, vốn là một Maiar phục vụ cho thần Aule, gọi ông ta là “đồng môn” với Sauron cũng được. Dường như ai là “đệ” của thần Aule cũng đều tài giỏi cả, Saruman cũng không ngoại lệ, ông ta được coi là pháp sư mạnh nhất trong 5 người, thông thái nhất, nhiều tài lẻ nhất., đặc biệt rất thành thạo lĩnh vực thao túng tâm trí kẻ khác. Vũ khí nguy hiểm nhất của Saruman chính là giọng nói của ông ta. Một thứ giọng mềm mại có thể mê hoặc, bẻ gãy ý chí của người nghe. Không có nhiều nhân vật bản lĩnh ở Trung Địa có thể cưỡng lại được mị lực từ giọng nói của Saruman.

Khoảng đầu những năm 2000 của kỷ Đệ Tam, nhận thấy những dấu hiệu về sự trở lại của chúa tể Sauron, công nương Galadriel của Lothlorien đã kêu gọi thành lập một Hội Đồng Trắng, hay Hội Đồng Thông Thái, tập hợp những nhân vật tài giỏi và hùng mạnh nhất Trung Địa để bàn kế hoạch chống lại Sauron. Saruman, với kiến thức và pháp thuật của mình, được mọi người tín nhiệm bầu làm người lãnh đạo. 

Thế nhưng, thật đáng tiếc rằng một nhân vật kiệt xuất như Saruman lại không ở cùng chiến tuyến với những dân tộc tự do. Ông ta dần dần bị thu hút bởi sức mạnh của Sauron, đam mê quyền lực và trở nên biến chất, và hơn hết, có lẽ ông ta cũng đã thèm muốn được sở hữu chiếc Nhẫn Chúa. 

Năm 2759, Saruman được quan nhiếp chính của Gondor lúc đó là Beren tin tưởng giao cho tòa tháp Orthanc ở pháo đài Isengard – một trong 3 pháo đài chiến lược, nằm ở góc Tây Bắc của Gondor. Beren kỳ vọng có Saruman trấn giữ ở đó sẽ là một điểm tựa vững chắc cho Gondor, có ngờ đâu, Saruman lại tận dùng tòa tháp để thực hiện những kế hoạch mờ ám phục vụ cho lợi ích bản thân. Ngồi trong tháp tối Orthanc, Saruman sử dụng quả cầu ma thuật Palantir để liên lạc với chúa tể Sauron, bí mật cử những tay sai đi truy lùng tung tích chiếc Nhẫn Chúa, theo dõi hành tung của Gandalf – địch thủ mà ông ta luôn sợ sẽ có một ngày vượt qua mình. 

Saruman có muốn phục vụ chúa tể Sauron hay không? Trên thực tế, Saruman là một kẻ cơ mưu, ông ta không thực sự đứng về một phe nào cả, Sauron hay những dân tộc tự do của Trung Địa, tất cả chỉ là những tốt trong bàn cờ mà ông ta lợi dụng để có thể nắm giữ được Nhẫn Chúa quyền năng.

Tuy nhiên, “Người tính không bằng tời tính”, những kế hoạch của Saruman sau cùng đều thất bại. Nhẫn Chúa thì không đến lượt, căn cứ Isengard thì bị đánh cho tan hoang, gậy phép bị bẻ gẫy, Saruman lẫy lừng được tha chết nhưng bỏ đi trong nhục nhã. Nhưng đó cũng là chuyện của sau này, đến lúc thì sẽ kể rõ.

2. Gandalf the Grey

Nếu ai đó hỏi tôi rằng: “Bạn muốn chọn ai làm người bạn đường trong những cuộc du hành ở thế giới Trung Địa?”, thì câu trả lời của tôi sẽ luôn là “Gandalf”. Lão phù thủy với bộ râu và cái nón chóp nom khôi hài, bộ quần áo xám tuềnh toàng, trên miệng phì phèo cái tẩu thuốc, đi lang thang khắp Trung Địa và “dụ khị” người khác theo lão dấn thân vào những cuộc phiêu lưu để đời. Đừng để vẻ ngoài của lão đánh lừa, Gandalf là một trong những pháp sư mạnh nhất Trung Địa, là ông già khôn ngoan nhất và là người đồng hành đáng tin cậy nhất.

Cũng xuất thân là một Maiar ở đảo Aman, Olorin (tên thật của Gandalf) theo hầu cận thần Manwe- vị thần đứng đầu trong số các vị thần. Là một Maiar nổi tiếng với sự khôn ngoan của mình, Olorin cảm thấy lo lắng khi thần Manwe cử tới Trung Địa, ông thú nhận mình quá yếu và quá sợ Sauron. Manwe đã đáp rằng chính vì thế mà ông phải đến Trung Địa, đến để vượt qua nỗi sợ hãi bóng tối.

Đến Trung Địa trong hình hài lão phù thủy xám, Olorin, giờ là Gandalf, được Cirdan của tộc Teleri trao cho chiếc nhẫn lửa Narya – một trong 3 chiếc nhẫn quyền lực mà Sauron vẫn luôn tìm kiếm tung tích suốt kỷ đệ Nhị. Có lẽ điều đó cũng lý giải sở trường phép thuật của Gandalf là lửa và ánh sáng. 

Sau khi đến đây, Gandalf dành nhiều thế kỷ lang thang qua các vùng lãnh thổ, học hỏi cũng như truyền dạy lại kiến thức cho người Elf. Lão cùng tham gia và Hội đồng Trắng và suýt chút nữa đã được bầu làm Hội trưởng, có lẽ chính vì thế mà Saruman vẫn luôn ghen ghét và coi Gandalf như đối thủ.

Ở giữa kỷ Đệ Tam, Gandalf đến pháo đài cổ Dol Guldur để điều tra tung tích về một kẻ hắc ám mới với cái tên Necromancer. Lão phát hiện ra Necromancer thực chất chính là Sauron và cứu được Thrain II, vua của tộc người Lùn ở Erebor đang bị nhốt dưới hầm ngục. Trước khi qua đời, Thrain đã trao lại cho Gandalf tấm bản đồ và chìa khóa mở cửa vương quốc. Từ đây, hai di vật trên đã kéo Gandalf, Thorin Oakenshiled – con của Thrain II, cùng 12 người lùn tùy tùng và 1 anh chàng Hobbitt dấn thân vào cuộc hành trình đến ngọn núi Cô Đơn, đòi lại kho báu từ tay lão rồng Smaug. Câu chuyện chi tiết về cuộc hành trình này, sẽ được kể kỹ ở những bài sau.

Hơn 70 năm sau hành trình đến ngọn núi Cô Đơn, Gandalf lại xuất hiện đột ngột ở xứ Shrire, và như chúng ta đã biết rõ, tung tích của chiếc Nhẫn Chúa sau ngần ấy thế kỷ giờ đã sáng tỏ, lão cùng với một số nhân vật thành lập Đoàn Hộ Nhẫn, hộ tống anh chàng Frodo Baggins đem chiếc Nhẫn Chúa đến Mordor để tiêu hủy. Vượt qua hầm mỏ Moria của người Lùn, nay đã bỏ hoang, đoàn người đụng độ một con Balrog, tay sai của Morgoth năm xưa. Gandalf tình nguyện ở lại chặn đường con quái cho cả đoàn chạy thoát, sau đó lão và kẻ thù cùng bị rơi xuống vực sâu. Tưởng như đã bỏ mạng, thế nhưng khi rơi xuống vực, Gandalf còn chiến đấu với Balrog thêm 10 ngày nữa, cuối cùng cũng hạ được nó. Kiệt sức, linh hồn Gandalf rời khỏi thân xác trần tục. Thế nhưng Đấng Eru Illuvatar đã hồi sinh Gandalf, một lần nữa, cho lão trở lại Trung Địa với vẻ ngoài và phong thái mới, Gandalf the White (quần áo đầu tóc trông gọn gàng sạch sẽ hơn). Với tư cách sứ giả tối cao của các Valar, giờ đây những quyền năng Maiar của Gandalf được bộc lộ nhiều hơn, góp phần giúp các dân tộc tự do chiến thắng chúa tể Sauron ở cuối kỷ nguyên này.

3. Radagast the Brown

Không nổi trội như Saruman hay Gandalf, Radagast tên thật là Aiwendil, một Maiar phụ tá của nữ thần hoa trái Yavanna. Có lẽ chính vì thế nên Radagast khi đến Trung Địa hầu như chẳng quan tâm đến người, Elf, hay những cuộc chiến với lũ Orc. Ông ta định cư tại Mirkwoods, dành toàn bộ thời gian của mình để chăm sóc cho những khu rừng và đám chim muông, động vật. Đương nhiên vì thế nên Saruman chẳng bao giờ thèm để tâm đến ông này, nhìn bằng nửa con mắt. 

Radagast là bậc thầy về thuật biến hình và khả năng giao tiếp với động vật. Không một nhân vật nào ở Trung Địa có được vốn kiến thức uyên thâm hơn ông ta trong lĩnh vực thảo dược và động vật học. Không tham gia trực tiếp vào những cuộc chiến chống lại Sauron mà chỉ đóng vai trò thu thập thông tin trong một số trường hợp, dường như Radagast cũng đã thất bại trong nhiệm vụ ban đầu khi ông được cử đến Trung Địa, ông bị ám ảnh quá nhiều bởi cây cối và động vật. Tuy nhiên, nếu xét theo một góc nhìn khác, Radagast thực sự đã làm tròn nhiệm vụ của mình khi bảo tồn những khu rừng và hệ sinh thái của Trung Địa trước sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh. Hòa bình lập lại, không ai biết về tung tích của Radagast, có lẽ ông ta vẫn ẩn dật đâu đó giữa những cánh rừng rộng lớn của Trung Địa, làm bạn với lũ thú rừng.

4 và 5: AlatarPallando – the Blue

Hai thành viên cuối cùng của hội 5 pháp sư không hề xuất hiện trong những sự kiện chính của Trung Địa. Alatar có tên thật là Morinehtah, còn Pallando là Romestamo, Cả 2 đều là những Maiar phục vụ cho thần Orome. Rất ít người biết được tung tích của họ ở Trung Địa. Ngay đến Gandalf cũng chỉ lờ mờ nhớ được rằng có hai người nữa trong hội, nhưng không thể nhớ ra tên của họ. Trên thực tế, hai vị này đã một lần đến Trung Địa từ kỷ Đệ Nhị, với nhiệm vụ “gián điệp”, trà trộn giữa những dân tộc ở phương Đông như người Easterling, người Khand.. thuyết phục và kích động họ từ bỏ việc tôn thờ Morgoth và chống lại Sauron. Không thể chỉ ra rõ ràng những chiến công của Alatar và Pallando nhưng chắc chắn, công tác của họ đã gây xáo trộn hàng ngũ quân đội phía Đông của Sauron, góp phần làm nên chiến thắng của Liên minh cuối cùng ở kỷ Đệ Nhị. 

Trong kỷ Đệ Tam, một lần nữa, Alatar và Pallando lại được cử đến Trung Địa với nhiệm vụ tương tự. Họ đi mãi về phương Đông và không bao giờ được nhìn thấy hay nghe ai nhắc đến nữa. Cũng chẳng ai rõ cuối cùng họ có hoàn thành sứ mệnh mà các Valar đã giao phó hay đã từ bỏ từ lâu và đi theo con đường của riêng họ