Những kỳ quan kiến trúc tiêu biểu của Trung Địa

0
600

1. Cổng Argonath

Hay còn được gọi là Cột trụ đế vương (Pillars of the Kings) là hai bức tượng đá khổng lồ được tạc trực tiếp trên núi đá, khắc họa chân dung Ilsidur và Anarion – hai vị vua vĩ đại của Arnor và Gondor, cũng là hậu duệ của vương quốc Numenor thần thánh năm xưa. Vào năm 1340 của kỷ Đệ Tam, vua của Gondor là Romendacil II đã cho thi công hai cột trụ này để vinh danh hai vị vua tiền bối lập quốc kia. Công trình này nằm án ngữ ngay lối vào cửa sông Anduin, cũng là điểm đánh dấu biên giới phía Bắc của Gondor. Hai vị vua được khắc họa với hình ảnh kiêu hùng, tay phải cầm vũ khí, tay trái giơ lên thể hiện sự thách thức đối với kẻ thù khi có ý định xâm phạm Gondor, và có lẽ cũng là thể hiện lời chào mừng đối với những vị khách đến với vương quốc này với tình bằng hữu.

2. Tháp Orthanc ở Isengard

Một công trình kiến trúc tuyệt vời nữa do người Dunedain tạo ra đó là ngọn tháp Orthanc, được xây dựng từ đầu kỷ Đệ Nhị, khi 2 vương quốc Arnor và Gondor mới được thành lập. Orthanc có lẽ không phải công trình đẹp đẽ lung linh nhất, nhưng có thể nói là một trong những công trình kỳ lạ, độc đáo nhất mà con người từng tạo ra được.

Tháp Orthanc được xây dựng ở vị trí trung tâm của tòa thành Isengard. Một mặt dựa lưng vào núi, 3 mặt còn lại được bao bọc bởi một lớp tường thành vô cùng kiên cố xây theo đường tròn, nên còn gọi là “Vòng tròn Isengard. Cánh cổng duy nhất thông giúp bên ngoài có thể lọt vào bên trong tường thành là cửa Đông và cửa Nam của thành, nơi có con sông Isen chảy qua. 

Cả tòa thành hình tròn này có đường kính khoảng 1 dặm (tương đương khoảng 1600m), bên trong phủ đầy cây cối hoa cỏ xanh tốt do nhận nước từ các nguồn nước ngầm trên núi chảy xuống (tiếc rằng sau này Saruman tập trung nghiên cứu phát triển quân đội, biến kỳ quan này trở thành một công xưởng khổng lồ).

Bên trong vòng tròn, lại có những con đường lát đá cẩm thạch chạy về trung tâm của hình tròn, và ở nơi đây, tọa lạc một ngọn tháp cao sừng sững, chính là tháp Orthanc. Tác giả không nói rõ về chiều cao của ngọn tháp, chỉ biết nó to, cao và …đen, nổi sừng sững như một ốc đảo riêng biệt. Được xây dựng từ 4 trụ đá đen khổng lồ chụm đầu vào nhau, nhưng lên đến ngọn thì lại chĩa ra nhiều hướng như những lưỡi dao sắc nhọn, và ở giữa đỉnh là một khoảng sân lát đá với những đồ hình kỳ lạ được vẽ lên.

Không rõ người Dunedain xây dựng Orthanc như thế nào và gắn vào đó những bùa chú gì, người ta chỉ nói với nhau rằng không một loại phép thuật nào trong cõi Arda này có thể gây tổn hại đến nó. 

Bên trong tháp Orthanc, người Dunedain đặt một viên đá Palantir. Đá Palantir là một loại đá thần của đảo quốc Numenor, nôm na nó giống như là thiết bị 3G giúp người Numenor video call với nhau ở khoảng cách xa vậy. Khi Numenor diệt vong, họ mang được một ít về Trung Địa và đặt chúng ở những vị trí quan trọng khắp Arnor và Gondor, trong đó có tòa tháp này.

Trải qua nhiều thăng trầm biến cố, Isengard bị bỏ hoang, chìa khóa mở cửa ngọn tháp do quan nhiếp chính của Gondor nắm giữ. Cho đến giữa kỷ Đệ Tam, nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của Isengard trong việc phòng thủ Rohan trước sự xâm phạm của Dunlanding, quan nhiếp chính trao Orthanc cho Saruman cai quản, muốn nhờ quyền năng của vị pháp sư trấn giữ vị trí, ngờ đâu ông này lại lợi dụng Orthanc để nghiên cứu những thứ hắc ám. Có lẽ là định mệnh đã dành nơi này cho Saruman, bởi từ Orthanc trong tiếng Elf dịch ra là “Đỉnh răng nanh”, còn trong ngôn ngữ của người Rohan thì có nghĩa là “Đầu óc nham hiểm”.

Cuối kỷ Đệ Tam, Orthanc bị tộc người Ent ở rừng Fangorn bên cạnh tấn công. Saruman bị trục xuất. Nơi đây trở thành vùng hoang tàn, bùn đất. Cho đến sang kỷ Đệ Tứ, khi hòa bình đã lập lại, vua Elessar của vương quốc thống nhất mới cho tu sửa lại Orthanc. Ông giao quyền quản lý vùng đất này cho tộc Ent. Họ đã biến Isengard thành một cánh rừng xanh tươi um tùm.

3. Minas Tirith

Lại một công trình vĩ đại nữa do người Dunedain xây nên. Thành phố Minas Tirith (trước đây còn gọi là Minas Anor, là kinh đô mới của Gondor trong kỷ Đệ Tam). Nơi đây còn được mệnh danh là “Thành phố Trắng” bởi toàn bộ thành phố đều sơn một màu trắng toát. 

Kiến trúc của Minas Tirith cũng vô cùng độc đáo, có thể coi là đỉnh cao về xây dựng của con người ở Trung Địa. Tòa thành gồm 7 tầng, mỗi tầng cao hơn 30m, rộng ở đáy và càng lên cao càng nhỏ, được nối với nhau bằng một đường xoắn trôn ốc (có lẽ cũng chung bản thiết kế với Loa thành ở Cổ Loa, chỉ khác là có kinh phí nên làm hoành tráng hơn thôi, hehe). 

Mỗi một tầng thành muốn xâm nhập phải đi qua một cánh cổng, các cổng này đều không nằm thẳng hàng nhau mà được xây so le. Cổng lớn ở tầng 1 nằm ở phía Đông, thì cổng vào tầng 2 lại nằm ở phía Nam, tầng 3 thì ở phía Bắc. Tầng 4 tất nhiên không thể ở phía Tây được rồi vì mặt Tây của thành được xây dựa lưng vào núi, tạo tư thế vững chắc cho cả tòa thành, thuận tiện trong phòng thủ. Trong thời chiến, các lãnh đạo rời đô từ Osgiliath ra đây cũng là tính toán hợp lý.

Bên trong Minas Tirith có vô số đường ngang lối dọc, ngõ hẻm nhiều không kể xiết, cho kẻ lạ vào đây đảm bảo lạc không biết lối ra. Ở tầng 6 của thành là khu nhà chữa bệnh (House of Healing – dịch nôm na là Bệnh viện tuyến trên), xung quanh là hệ sinh thái cây cỏ vô cùng thích mắt. Lên đến tầng thành thứ 7, tầng cao nhất, là Citadel – nơi ở của các vị vua Gondor (sau này là các đời quan nhiếp chính), đại sảnh đường, các ngọn tháp nhỏ bao quanh, và nổi bật là tòa Tháp Trắng Ecthelion (được xây dựng bởi quan nhiếp chính Ecthelion) ở giữa, cao hơn 90 m, là nơi đặt ngai vàng và một viên đá Palantir. Ở khoảng khuôn viên trước tháp, là đài phun nước thiết kế tinh xảo và là nơi trồng cây trắng Nilmloth – biểu tượng của Gondor, thứ cây quý giá mà hạt giống của nó bắt nguồn từ đảo quốc Numenor năm xưa. 

4. Moria

Khu mỏ Moria, hay còn gọi là Khazad-dum trong ngôn ngữ của Người Lùn, không đơn thuần chỉ là một khu mỏ. Đây là vương quốc lớn nhất mà Durin – ông vua vĩ đại của tộc Người Lùn xây dựng nên. Moria có lẽ là một trong những công trình được xây dựng sớm nhất ở Trung Địa. Tương truyền, từ thời xưa rất xưa, khi Mặt Trăng và Mặt Trời còn chưa được các vị thần tạo ra, Durin sau khi thức giấc ở Gundabad, đưa dân tộc mình đi xuống phía Nam dọc theo dãy núi Mù Sương để tìm miền đất hứa. Cuối cùng, ngay trên dãy núi này, ông đã tìm được một thung lũng bí mật ẩn sâu bên trong những lớp núi hiểm trở. Trong thung lũng, trái với bên ngoài chỉ toàn sỏi đá khô cằn, lại có cây cỏ um tùm cùng nhiều thác nước nhỏ cùng đổ vào cái hồ bầu dục. Mặt hồ phẳng lặng như gương. Khi Durin soi mình xuống dưới mặt hồ, thấy một nàng công chúa da trắng như tuyết…à nhầm truyện, thấy những ngôi sao trên bầu trời phản chiếu dưới mặt nước, như thể một chiếc vương miện nạm ngọc đội trên đầu Durin. Ông coi đây là một dấu hiệu, và quyết định chọn vùng hang động bên dưới thung lũng này làm nơi lập quốc. Bên cạnh hồ nước này, sau đó hậu duệ của ông cho dựng 1 khối đá gọi là Durin Stone để kỷ niệm sự kiện quan trọng này.

Không có gì phải nghi ngờ về mức độ tài hoa của những Người Lùn trong lĩnh vực xây dựng nữa. Khu mỏ Moria, chẳng mấy chốc đã trở thành ngôi nhà vĩ đại nhất của Người Lùn. Tuy ở trong lòng núi nhưng toàn bộ vương quốc vẫn được chiếu sáng rực rỡ nhờ những viên đá pha lê kỳ lạ có khả năng phát sáng được gắn trên các trần hang. Các hội trường, đại sảnh lớn ở các tầng cao nhất cũng được thiết kế với những ô cửa sổ lớn thông ra ngoài, giúp đón ánh sáng và không khí tự nhiên. Với một vương quốc đông dân và ở sâu trong lòng núi như vậy, có thể nói hệ thống lọc khí của Người Lùn là một tuyệt tác.

Cả khu mỏ gồm 7 tầng,mỗi tầng được lối với nhau bằng những cầu thang đá. Trong mỗi tầng đều có nhiều đại sảnh, vô vàn hành lang, lối đi và các căn phòng. Các bức tường đá được chế tác tinh xảo, sử dụng loại đá đen và được mài nhẵn, mịn như thủy tinh. Bên dưới các cánh cổng đều có chôn thuốc nổ, các kho tàng và cả nhà ngục. Sâu tít bên dưới tầng cuối cùng, là nơi ngự trị của bóng tối vĩnh cửu, những con đường được thiên nhiên tạo ra chạy sâu không thấy đáy. Đây là nơi tồn tại những quái vật cổ xưa chưa ai từng nhìn thấy hay biết đến.

Điều đặc biệt của Moria là hệ thống cầu đá được gọi là cầu Durin, bắc ngang qua các vực sâu không đáy, nối các khu vực của mỏ với nhau. Mỗi cầu đá này đều rất hẹp, không có lan can hay cột bám gì cả, nếu quân địch tấn công vào đây, chỉ có thể đi thành hàng 1 và không thể đi nhanh được. Đây là một biện pháp phòng thủ vô cùng hiệu quả của Người Lùn. Một công trình mang tính huyền thoại nữa bên trong Moria là “Cầu thang Vô tận”. Đây là một cầu thang bằng đá dẫn từ nơi thấp nhất dưới lòng đất Trung Địa lên đến đỉnh cao nhất của núi Mù Sương. Ở trên đỉnh của cầu thang là tòa tháp đá Durin – giống như một đài quan sát giúp các vị vua ngồi trên đó có thể nhìn rõ toàn cảnh dãy núi Mù Sương.

Kỳ quan kiến trúc vĩ đại như Moria, đáng tiếc lại bị hủy diệt, không phải từ kẻ thù bên ngoài mà ở ngay bên trong lòng vương quốc. “Bên trong” ở đây không phải là một từ ẩn dụ mang nghĩa bóng gì cả, mà đúng là kẻ thù xuất hiện ở bên trong thật. Những Người Lùn, vì ham khai thác tài nguyên, đào sâu vào trong lòng đất. Và như chúng ta đã biết, ở sâu dưới lòng đất của Moria, là những hang tối vĩnh cửu, nơi sinh sống của những sinh vật khổng lồ thời thượng cổ. Người Lùn đã đào trúng hang ổ của một con Balrog đang say ngủ. Con quái thức giấc và đồ sát cả vương quốc, khiến Người Lùn phải bỏ nhà bỏ cửa, di tản về phương Bắc. Khu mỏ Moria từ đó trở thành chốn hoang tàn, đáng sợ, bị Balrog và lũ Orc chiếm đóng trong nhiều năm trời. Người Lùn cũng đã nhiều xâm nhập Moria với mong muốn đòi lại vương quốc của tổ tiên nhưng đều thất bại (điển hình là Balin, bỏ mạng ngay trong khu mỏ). Mãi sau khi kết thúc kỷ Đệ Tam, Balrog đã bị Gandalf giết, vua Durin VII mới có thể đưa nhân dân của mình quay lại khôi phục Moria