Phật Mẫu Man Nương và Tứ Pháp

0
1402


Tương truyền dưới thời thái thú Sĩ Nhiếp (thế kỉ 2-3 CN), có nhà sư Khâu Đà La người Tây Trúc, Ấn Độ lập am truyền đạo ở bờ sông Đuống. Khi ấy trong vùng có người con gái tên là Man Nương, mồ côi cha mẹ, từ nhỏ đã một lòng quy phật, nhưng vì nói lắp không thể cùng chúng tụng kinh nên thường ở dưới bếp nấu nướng cho các vị tăng. Một hôm, sau khi hành pháp trở về, Khâu Đà La thấy Man Nương ngủ trước cửa phòng, nhà sư bước qua người nàng vào phòng, bỗng khiến Man Nương tự nhiên động thai. Có thai được ba bốn tháng, Man Nương xấu hổ bỏ về. Đúng giờ ngọ ngày mùng 8, tháng Tư Âm lịch, Man Nương sinh được một con gái và bế tìm trả cho nhà sư.

Nhà sư ẵm đứa bé đến một cây dung thụ (tức cây dâu) già, gõ trượng vào thân cây đọc một bài kệ. Cây dung thụ bỗng nứt ra làm hai. Nhà sư đặt đứa bé vào thân cây, cây liền khép lại và nở hoa. Nhà sư không quên trao lại cây trượng cho Man Nương phòng khi đại hạn. Man Nương bái lĩnh rồi trở lại sống trong chùa. Đến năm đại hạn, Man Nương cắm trượng xuống đất, lập tức cây cối lương thực tốt tươi, dân chúng đều được nhờ ơn.

Năm Man Nương 90 tuổi, cây dung thụ bị bão đổ, nước cuốn trôi ra bến sông đến Thuận Thành, Bắc Ninh nơi Man Nương ở thì dừng lại. Trai làng gọi nhau ra kéo cây vào bờ, nhưng cây đứng yên không nhúc nhích. Đến khi Man Nương ra sông rửa tay thì cây tự rẽ sóng vào bờ. Dân làng lấy làm lạ, bảo Man Nương kéo lên bờ rồi gọi thợ đẽo bốn khúc tạc bốn pho tượng Phật. Chỗ xưa kia đặt đứa con gái xẻ ra thấy một tảng đá rất rắn, rìu đập vào đều bị mẻ. Bọn thợ quẳng tảng đá xuống sông, lập tức tảng đá tỏa sắc hào quang rồi chìm xuống nước, kéo theo thợ thuyền chết cả. Bà Man Nương liền xuống sông buộc dải yếm vào tảng đá, rồi bảo: “Có phải con mẹ thì đi lên theo mẹ”, lập tức hòn đá nhảy tọt vào lòng bà, đặt vào tượng Phật thấy tượng Phật như mạ vàng.

Khi xin nhà sư Khâu Đà La đặt Pháp hiệu cho pho tượng thứ nhất, thấy mây ngũ sắc, mới đặt là Pháp Vân rước thờ ở chùa Thiền Định (chùa Dâu), nên gọi là bà Dâu. Xin duệ hiệu cho pho tượng thứ hai, thấy mưa mới gọi là Pháp Vũ, rước thờ ở chùa Thành Đạo (chùa Đậu), nên gọi là bà Đậu. Đến pho tượng thứ ba, thấy sấm mới gọi là Pháp Lôi, rước về chùa Phi Tương (chùa Tướng), nên gọi là bà Tướng. Khi xin duệ hiệu cho pho tượng thứ tư, thấy chớp mới gọi là Pháp Điện rước về thờ ở chùa Phương Quan (chùa Dàn), nên gọi là bà Dàn. Còn bà Man Nương về sau không bệnh mà qua đời, được tôn là Phật Mẫu, thờ ở chùa Phúc Nghiêm (chùa Tổ) ở làng Mãn Xá (Thuận Thành, Bắc Ninh), phối thờ ở chùa còn có cha bà Man Nương là ông Tu Định và vợ, cùng nhà sư Khâu Đà La. Từ đó thành lệ, hàng năm cứ đến ngày mùng 8/4 Âm lịch, các chùa Tứ Pháp lại mở hội, gọi là hội Dâu, rước tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện về chùa Tổ bái Mẫu.

Có quan điểm cho rằng tín ngưỡng thờ Tứ Pháp – các hiện tượng tự nhiên mây, mưa, sấm, chớp vốn có trước, là tín ngưỡng bản địa của người Việt Nam, về sau Phật giáo du nhập, trung tâm ở Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) mà hình thành truyền thuyết Phật Mẫu Man Nương, qua đó đưa Tứ Pháp trở thành một tín ngưỡng dung hòa giữa bản địa và ngoại nhập.