Địa ngục trong thần thoại các nước

0
8233

Địa ngục và thiên đường hay… linh hồn sẽ đi về đâu sau khi con người chết luôn là một nỗi băn khoăn của nhân loại. Trong các truyền thuyết, thần thoại dân gian, con người đã tự tưởng tượng và ghi chép lại những góc nhìn của họ về cái chết, về thế giới bên kia vô cùng sinh động mà cũng không kém phần ám ảnh.

Địa ngục hay địa phủ luôn chiếm giữ một vị trí quan trọng trong văn hóa các nền văn minh trong suốt chiều dài lịch sử, cho dù không hẹn mà gặp, nó luôn có nhiều điểm tương đồng dù khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, thể chế.

Địa ngục Underworld – Thần thoại Hy Lạp

Underworld – Thần thoại Hy Lạp

Trong thần thoại Hy Lạp, địa ngục, hay Thế giới người chết do thần Hades – một trong ba vị thần hùng mạnh nhất cai quản. Theo mô tả, thế giới này được bao bạo bởi 5 con sông địa ngục đó là Acheron (dòng sông Khổ Đau), Styx (dòng sông Thù Hận), Lethe ( dòng sông Quên Lãng), Phlegethon (dòng sông Lửa) và Cocytus (dòng sông Than Khóc).

Các linh hồn người chết sẽ đường thần Hermes dẫn đường xuống địa ngục và trao cho lão lái đò Charon. Theo phong tục, người chết khi mai táng phải được đặt một đồng tiền vào trong miệng, chính là để làm lộ phí cho Charon. Nếu không có tiền cho lão, linh hồn người chết sẽ không được lên đò đi vào thế giới người chết mà mãi mãi làm một hồn ma lang thang vô định.
Lão lái đò Charon sẽ đưa các linh hồn qua cổng địa ngục, nơi được canh gác bởi con chó ba đầu Cerberus. Các linh hồn sẽ được đưa đến diện kiến 3 vị quan tòa là Minos, Rhadamanthus và Aeacus. Họ sẽ quyết định một linh hồn sẽ được lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục. Một anh hùng kiệt xuất, một vĩ nhân hay những linh hồn đạo đức, trong sạch… sẽ được lên thiên đàng Elysium sống an nhàn. Những kẻ độc ác, tha hóa… hoặc đơn giản là phạm lỗi với các vị thần thì sẽ bị đày xuống hỏa ngục Tartarus và phải chịu những hình phạt khắc nghiệt.

Ngoài ra, còn có một nơi gọi là cánh đồng Asphodel, là nơi dành cho những linh hồn… trung lập, tức là công tội ngang nhau, không xấu xa nhưng cũng chẳng tốt đẹp.

Địa ngục Duat – Thần thoại Ai Cập

Duat – Thần thoại Ai CậpCó nơi nào được gọi là địa ngục trong thần thoại Ai Cập không? Mặc dù người Ai Cập có hẳn một ông vua/ một vị thần cai quản thế giới ngầm là Osiris. Linh hồn người chết sẽ phải chịu đựng sự phán xét của các vị thần, thế nhưng, sẽ chẳng có một hỏa ngục nào chờ đón họ cả.

Có một cõi gọi là Duat, được coi là nơi kết nối giữa trần gian và thế giới bên kia. Linh hồn người chết sẽ được thần Anubis chỉ đường đến Duat. Đây là một hành trình không hề dễ dàng gì, nếu không nói là vô cùng gian nan. Các linh hồn phải vượt qua 12 cửa ải được canh giữ bởi vô vàn quái vật và lũ rắn bảo vệ. Nếu trong hành trình này, linh hồn bị lũ quái vật ăn thịt, người chết sẽ… chết thực sự. Một cái chết vĩnh viễn.

Vượt qua được 12 cửa để đến Duat vẫn chưa đảm bảo cho các linh hồn. Họ sẽ phải đối mặt với sự phán xét của các vị thần. Trái tim của họ sẽ được lấy ra và đặt lên bàn cân với một chiếc lông vũ của nữ thần Công lý Ma’at. Nếu trái tim nặng hơn chiếc lông, một con quái vật tên Ammit (hay Ammut) – con quái vật nửa cá sấu nửa sư tử, sẽ chờ ngay bên cạnh và xơi tái linh hồn đó, dẫn đến cái chết thực sự của một linh hồn. Chẳng có một hỏa ngục nào giam giữ và trừng phạt những linh hồn tội lỗi cả, chỉ có sự tuyệt diệt.

Ngược lại, những linh hồn có trái tim nhẹ hơn lông vũ được coi là đã vượt qua sự phán quyết và xứng đáng được đi đến thiên đàng. Họ sẽ được lên một con thuyền và trải qua một hành trình dài và vất vả nữa rồi mới đến được Aaru – Cánh đồng Lau sậy, “Ngôi nhà” của thần Osiris. Ở đây, các linh hồn sẽ có cuộc sống vĩnh hằng, tiếp tục trồng trọt, canh tác và sinh sống như khi còn sống

Địa ngục Helheim – Thần thoại Bắc Âu

Helheim – Thần thoại Bắc ÂuTrong thần thoại Bắc Âu, vùng đất của người chết được gọi là Helheim, được miêu tả là thế giới giới lòng đất, nơi quanh năm lạnh lẽo băng giá. Theo truyền thuyết, những chiến binh hi sinh anh dũng ngoài chiến trường thì sẽ được đặc cách đến sống tại Valhalla – một thiên đường mà thần Odin tạo ra riêng cho các chiến binh, nơi họ được đánh trận và ăn uống thỏa thích mỗi ngày. Còn Helheim, chính là điểm đến cho linh hồn của những con người bình thường, chết do bệnh tật hay già yếu.

Helheim được cai quản bởi nữ thần Hel – con gái của thần Loki. Hel có ngoại hình kì dị với một nửa bên người là một phụ nữ bình thường, nửa còn lại là da thịt thối rữa. Không giống như nhiều truyền thuyết khác, đối với người Scandinavia, chẳng có một sự phán xét nào sau khi người ta chết đi. Các linh hồn khi từ giã cõi trần sẽ đi theo một con đường đặc biệt gọi là Helvegr mà người đợi nơi cuối con đường đương nhiên là nữ thần Hel – người sẽ chào đón các linh hồn đến với vùng đất Helheim.

Các linh hồn sống ở đây vẫn sẽ có những hoạt động và nếp sống tựa như khi họ còn sống mà chẳng bị phán xét hay trừng phạt gì.

Địa ngục Nakara – Thần thoại Hindu

Nakara – Thần thoại HinduĐịa ngục trong thần thoại Hindu được gọi là Naraka. Vị thần cai quản địa ngục là Yama. Các vị thần phụ tá cho Yama được gọi chung là Yamadutas, họ có trách nhiệm dẫn các linh hồn từ trần thế đến yết kiến Yama để chịu sự phán xét.

Không chỉ con người, tất cả mọi sinh vật sau khi chết đều phải đến gặp Yama. Những linh hồn đức hạnh sẽ được đặc cách đi đến Svarga – thiên đường trong thần thoại Hindu. Những linh hồn còn lại sẽ tùy vào công/ tội mà được Yama phán xét và đem đi đầu thai kiếp khác. Những linh hồn phạm tội nặng thì sẽ bị Yama giữ lại và đem giam vào một trong những địa ngục Naraka.

Theo truyền thuyết, có tất cả 28 Naraka, ứng với 28 loại tội lỗi. Mỗi một Naraka lại có cách trừng phạt linh hồn khác nhau. Ví dụ như: Kalasutram là nơi rất nóng, những kẻ lúc còn sống bất hiếu hoặc không tôn trọng người lớn tuổi sẽ bị nhốt ở đây, cả ngày phải chịu đựng cái nóng như thiêu đốt và không được uống nước. Sarameyadana là nơi có 720 con chó dữ tợn với hàm răng sắc như dao cạo, kẻ nào khi sống chuyên cướp bóc, đốt phá, hãm hại đồng loại sẽ bị ném vào đây cho bầy chó săn đuổi. Pranarodha là địa ngục dành cho những kẻ khi còn sống lấy việc săn bắn, giết hại động vật làm thú vui. Giờ họ sẽ phải chịu hình phạt trở thành mục tiêu để các Yamadutas đi săn. Taptamurti thì là hình phạt cho những người ngoại tình, sẽ bị phạt phải ôm một bức tượng người khác giới bằng sắt nung nóng và đồng thời bị quất roi vào lưng.

Địa Phủ – Thần thoại Trung Quốc

Địa Phủ – Thần thoại Trung QuốcCó lẽ quen thuộc và tương đồng với văn hóa Việt Nam nhất chính là hình ảnh về Địa phủ (hay Âm Phủ) trong thần thoại Trung Quốc. Chịu ảnh hưởng của Naraka trong Hindu và Phật giáo, Địa Phủ cũng chia ra nhiều tầng, nhiều lớp, là nơi phán xét số phận của các linh hồn thông qua những điều họ đã làm khi còn sống. Nếu bạn đã biết qua mô tả về Địa Ngục trong Thần Khúc của Dante với 9 tầng địa ngục khiến nhiều người đọc ám ảnh, thì so với 18 tầng địa ngục trong thần thoại Trung Quốc, địa ngục của Dante chỉ như.. một công viên DisneyLand.

Khi một người từ giã trần thế, thường sẽ có hai vị công sai là Ngưu Đầu – Mã Diện (theo Phật giáo) hoặc hai vị Hắc Bạch Vô Thường (theo Đạo giáo) đến áp giải linh hồn về Địa Phủ. Có tất cả 10 vị Diêm Vương, mỗi vị phụ trách một Điện. Tùy vào tội lỗi của mỗi linh hồn mà sẽ bị đem đến xét xử ở mỗi điện khác nhau và chịu hình phạt ở đó. Ví dụ như ở điện thứ nhất của Tần Quảng Vương thì dành cho những linh hồn thiện, không bị xét xử mà được đem thẳng đi đầu thai, ở điện thứ hai của Sở Giang Vương thì dành cho những kẻ khi sống hay làm tổn thương người khác, hay gian dâm, sát sinh. Ở điện thứ ba của Tống Đế Vương thì lại dành cho những kẻ hay ngỗ ngược hỗn láo với bề trên, thích gây kiện tụng, bất hòa…

Sau khi trải qua hết giai đoạn xét xử và chịu phạt, linh hồn được đưa đến điện thứ 10 của Chuyển Luân Vương để đi đầu thai ở thành Phong Đô. Để đến được Phong Đô, linh hồn lại phải đi qua cầu Nại Hà ( có tất cả 6 cầu Nại Hà tương ứng với Lục đạo luân hồi).
Tương truyền, cầu Nại Hà trơn trượt rất khó đi, bắc qua sông Vong Xuyên, bên dưới đầy rắn rết, cá sấu, thuồng luồng, rơi xuống thì khỏi đầu thai.
Qua được sông, những linh hồn tiếp tục được đầu thai làm người ở kiếp sau thì sẽ phải uống một loại canh của Mạnh Bà để quên hết chuyện kiếp trước.

Lại có phiên bản khác, phổ biến và ám ảnh hơn, không nhắc đến Thập Điện mà là 18 tầng địa ngục. Tương tự với 28 tầng Naraka trong thần thoại Hindu, 18 tầng địa ngục đều là những nhà tù khủng khiếp với những hình phạt tra tấn các linh hồn không khỏi khiến người ta rùng mình khi đọc. Ví như: Tầng thứ 1 -Bạt Thiệt Địa Ngục là nơi xử tội những kẻ khi còn sống hay nói những lời làm thương tổn người khác, vào ngục này sẽ bị hình phạt banh mồm rút lưỡi vô cùng đau đớn. Ở tầng thứ 7 – Đạo Sơn Địa Ngục là nơi xử tội những kẻ hay sát sinh vô tội vạ, vào ngục này sẽ bị lột sạch quần áo, bắt trèo lên một con núi mọc đầy gươm đao sắc nhọn…
Chỉ trừ tầng thứ 14- Uổng Tử Địa Ngục là nơi dành cho những người tự sát, sẽ chịu hình phạt bị giam cầm vĩnh viễn vì không biết quý trọng mạng sống bản thân, còn lại các linh hồn ở các tầng khác, sau khi chịu đủ hình phạt, cũng sẽ được tha đi đầu thai.

Địa ngục Yomi – Thần thoại Nhật Bản

Yomi – Thần thoại Nhật Bản

Địa ngục trong thần thoại Nhật được gọi là Yomi (Vùng đất Bóng tối). Câu chuyện được biết đến nhiều nhất liên quan đến Yomi là câu chuyện về hai vị thần Izanami và Izanagi. Cặp vợ chồng này đã tạo ra quần đảo Nhật Bản và đẻ ra các vị thần.

Khi hạ sinh thần lửa Kagutsuchi, Izanami đã bị bỏng nặng và qua đời. Quá thương tiếc cho người vợ yêu dấu, Izanagi đã tìm đường đi đến cõi âm Yomi để tìm nàng. Ngờ đâu Izanami vì lỡ ăn đồ ăn ở Yomi nên không thể quay về trần thế được nữa, không những thế, da thịt còn bị thối rữa như tử thi, trông rất gớm ghiếc. Izanagi nhìn thấy vợ mình như thế thì kinh hãi, bỏ chạy về trần thế rồi lấy một tảng đá chặn kín cửa vào cõi âm (thuộc tỉnh Izumo).

Lại nói, Izanami căm hận người chồng và thề rằng mỗi ngày sẽ cướp đi 1000 sinh mạng. Để đáp trả, Izanagi cũng thề rằng mỗi ngày sẽ tạo ra 1500 sinh mạng. Vậy là bất đắc dĩ, nữ thần Izanami trở thành một vị thần cai quản thế giới người chết từ đó.

Trong quan niệm của người Nhật, sự phán xét linh hồn không được nhắc đến như ở các nền văn hóa khác. Chẳng có một vị quan tòa nào quyết định linh hồn của con người là xấu hay tốt, cũng chẳng có một hỏa ngục nào với những hình phạt khủng khiếp.
Linh hồn con người sẽ đi về đâu sau khi chết được nói rất mơ hồ. Có lẽ với người Nhật, việc phải chia lìa người thân đã là một “hình phạt” đau đớn nhất rồi

Địa ngục Mictlan – Thần thoại Aztec

Mictlan – Thần thoại Aztec
Trong thần thoại của người Aztec, thế giới người chết được gọi là Mictlan, do vị vua địa ngục là Mictlantecuhtli cai quản. Vùng đất này được miêu tả là nơi tối tăm và rộng mênh mông bao gồm 9 tầng. Những linh hồn người chết sẽ lang thang vô định cho đến khi đến được tầng sâu nhất.
Tại sao lại có 9 tầng. Theo quan niệm của người Aztec, sau khi chết, con người sẽ đi đến kiếp sau và trở lại tử cung của một người mẹ và trở thành bào thai. Vượt qua 9 tầng địa ngục, cũng tương ứng với 9 tháng thai nghén của người mẹ.

Thế nhưng, để vượt qua 9 tầng địa ngục đó không phải dễ dàng. Người ta nói, một linh hồn có thể phải đi mất 4 năm ròng rã, trải qua nhiều nguy hiểm mới có thể đến đích. Họ phải băng qua những cánh đồng mà những cơn gió sắc như dao cạo, trèo qua những ngọn núi liên tục va đập vào nhau và bơi qua những con sông máu đầy lũ báo đang thèm thịt. Rất may mắn, trong hành trình gian nan này, linh hồn con người không đơn độc, sẽ luôn có một con chó – những đại diện của vị thần Xolotl sẽ luôn ở bên và dẫn đường cho những kẻ lạc lối.

Người Aztec không tin vào thuyết nhân quả. Tức là dù sống tốt hay sống lỗi, khi chết, tất cả cũng sẽ đều phải đến cùng một đích đến như nhau. Chỉ trừ trường hợp những người chiến binh hi sinh anh dũng, những bà mẹ qua đời khi sinh con hay những người chết do bão lũ (lỗi của các vị thần) thì sẽ được đi đến một vùng đất thiên đường.

Địa ngục Xibalba – Thần thoại Maya

Xibalba – Thần thoại MayaTrong thần thoại của người Maya, thế giới được chia làm 3 phần: Cõi trời, Cõi người và Cõi âm. Cõi trời, khác với thiên đàng ở các thần thoại khác, không phải nơi con người phẩm hạnh chết đi lui tới, mà là nơi chào đón những người chết một cái chết thật man rợ, chết trong chiến trận, chết do hiến tế, chết khi sinh nở, chết cháy, chết đuối… Đặc biệt, có một villa sang trọng nhất dành cho những người tự tử, được quản lý bởi nữ thần Quyên sinh Ixtab.

Còn thế giới địa phủ được gọi là Xibalba, dành cho những người chết quá “tầm thường”, yên bình, mà theo quan niệm của người Maya là không xứng lên thiên đàng. Nơi đây được cai trị bởi thần Ah Puch (còn gọi là Yum Cimil, Hun Ahau) và 12 vị lãnh chúa cấp dưới. Đứng đầu hội đồng lãnh chúa là hai vị Hun-Came và Vucub-Came (nghĩa là Thần Chết #1 và Thần Chết #7). 10 vị dưới quyền là các chúa quỷ chịu trách nhiệm gây ra các tai ương, bệnh tật cho con người: Xiquiripat và Cuchumaquic hút máu người; Ahalpuh và Ahalgana gây bệnh sưng tấy, vàng da; Chamiabac và Chamiaholom biến xác người thành bộ xương; Ahalmez và Ahaltocob trốn sau những góc bụi bặm trong nhà để đâm chết người; Xic và Patan khiến người ta thổ huyết. Nghe qua đã thấy đội quân thần chết quá đỗi hùng hậu, thường xuyên “anh hùng núp” ở nhà dân để lôi cổ người phàm xuống đầu quân cho địa ngục. Khi người chết xuống Xibalba, thần Ah Puch sẽ thiêu cháy họ, linh hồn mà còn khóc thì tiếp tục dìm trong nước lạnh, vẫn khóc nữa thì lại thiêu cháy, cứ thế lặp đi lặp lại đến khi nào nín khóc thì thôi.

Xibalba được mô tả như một tòa thành với hàng loạt cái bẫy giăng kín xung quanh để ngăn chặn bước chân của những vị khách không mời. Vòng quanh Xibalba là ba dòng sông: dòng sông máu, dòng sông bọ cạp và dòng sông mủ. Lội qua được sông rồi, họ lại gặp hội đồng lãnh chúa fake, hội đồng này sẽ mời họ ngồi xuống chiếc ghế cháy bỏng sẽ thiêu rụi bất cứ ai đặt mông xuống. Kẻ nào không bị mắc lừa, sẽ “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” mà đi vào chuỗi sáu ngôi nhà đầy những thử thách chết người cứ như We Escape: căn nhà tối om, căn nhà lạnh buốt, ngôi nhà đầy báo dữ, ngôi nhà có bầy dơi và dơi chúa Camazotz, ngôi nhà phóng ra dao sắc và ngôi nhà nóng như lửa đốt.

Sử thi Popol Vuh kể về hành trình của cặp sinh đôi thần thánh Hunahpu và Xbalanque vượt qua chuỗi thử thách chết chóc như trên để đối mặt với các lãnh chúa Xibalba tại sân bóng pokatok ở trung tâm địa ngục. Tại đó, sau trận đá bóng nảy lửa, họ đã lừa được các lãnh chúa tin rằng có thể hồi sinh từ cõi chết. 12 lãnh chúa tưởng thật, bảo hai anh em hãy giết rồi hồi sinh họ xem sao, để các vị cũng được trải nghiệm cảm giác sống lại từ cõi chết. Thế là hai anh em móc tim tất thảy các vị lãnh chúa rồi để mặc họ chết hết, khiến cho quyền lực của cõi âm suy tàn trong phút chốc, còn hai anh em được các vị thần trên cõi trời cho thăng thiên trở thành mặt trời và mặt trăng.

Địa ngục Adlivun – Thần thoại Inuit

Adlivun – Thần thoại Inuit

Tộc người Inuit (hay Eskimo) sống ở vùng Bắc Cực quan niệm rằng thế giới âm hồn nằm ở dưới đáy đại dương, bởi biển khơi đối với họ là một cõi rất linh thiêng huyền bí. Nơi đó họ gọi tên là Adlivun, nơi cư ngụ của những tornat (linh hồn của sinh vật) và tupilak (linh hồn của người chết).

Nữ hoàng của cõi âm Adlivun là nữ thần biển Sedna. Tương truyền nàng vốn là một nữ khổng lồ con gái thần sáng thế Anguta với tư tưởng rất hiện đại: “Người yêu có thể không có, nhưng chó phải có một con”. Chính vì vậy nàng cưới một con chó và có con với nó. Thần Anguta tức giận vô cùng, bèn giết con chó rể rồi đưa con gái lên thuyền và ném nó xuống biển. Sedna chấp chới bấu víu lấy mạn thuyền, liền bị cha chặt đứt những ngón tay. Nàng chìm xuống biển nhưng không chết mà hóa ra đuôi cá và vây, giúp nàng sinh tồn dưới nước; còn mỗi ngón tay đứt rời hóa thành một loài sinh vật biển. Sedna trở thành mẹ của mọi loài thủy sinh, kiêm chức nữ hoàng của cõi âm. Nàng dùng quyền lực lớn lao lôi cổ ông bố xuống cõi âm và giáng cấp thần Anguta trở thành lão lái đò, cùng nữ thần Pinga thay phiên đưa người chết xuống miền âm phủ.

Người Inuit không kể nhiều câu chuyện cụ thể về thế giới người chết. Chỉ biết rằng các linh hồn được thần Anguta và Pinga đưa xuống cõi âm sẽ được giữ lại Adlivun một thời gian để thanh tẩy, sau đó rời đi đến Qudlivun tức mặt trăng, cũng chính là cõi vĩnh hằng.

Địa ngục Hỏa ngục của Dante

Hỏa ngục của DanteTuy không thuộc hệ thống thần thoại nhưng hình ảnh về địa ngục trong tác phẩm Thần Khúc của nhà thơ Ý thời Trung cổ Dante Alighieri cũng được khắc họa vô cùng phong phú và chi tiết, dựa theo những tư tưởng về thần học và triết học Thiên Chúa giáo.
Trong tác phẩm, nhân vật chính (Dante) thực hiện một chuyến du hành xuyên qua 9 tầng địa ngục, cùng với người dẫn đường là nhà thơ La Mã Virgil. Theo Dante, địa ngục được chia làm 9 vòm tầng, càng xuống càng sâu, tựa như những vòng tròn đồng tâm.

Tầng thứ nhất – Limbo (U Minh): Đây là nơi cư trú của những linh hồn vô thần, không tin vào Chúa. Tuy vậy, họ cũng là những con người có đức hạnh, không gây tội lỗi khi còn sống nên ở tầng này, họ được sống trong một lâu đài với những cánh đồng xanh tốt. Dante đã bắt gặp ở đây nhiều vị triết gia nổi tiếng thời cổ đại như Homer, Socrate… hoàng đế La Mã Julius Ceasar, thậm chí cả vị vua Hồi giáo Saladin…

Tầng thứ hai – Lust (Nhục Dục): Tầng này là nơi cư ngụ của những linh hồn không vượt qua được cám dỗ của nhục dục và ái tình. Họ sẽ phải chịu đựng những cơn gió mạnh thổi qua liên tục không ngừng, khiến họ không bao giờ có được một phút giây yên bình. Dante bắt gặp ở đây những nhân vật ngoại tình nổi tiếng trong lịch sử như Helen thành Troy, nữ hoàng Celeopatra, hoàng hậu Guinevere trong truyền thuyết về vua Arthur…

Tầng thứ ba – Gluttony (Phàm Ăn): Tầng này là nơi giam giữ những linh hồn tham ăn tục uống do con chó ba đầu Cerberus canh giữ. Những linh hồn nơi đây phải chịu hình phạt nằm trong một đống bùn đen nhơ nhớp, bẩn thỉu và hứng chịu những trận mưa tuyết không ngừng. Sự nhơ nhớ bẩn thỉu đại diện cho nhân cách và phẩm giá của con người bị xuống cấp và tha hóa vì miếng ăn.

Tầng thứ tư – Greed (Tham Lam): Những kẻ khi sống chỉ nghĩ về tiền tài vật chất sẽ bị giam giữ ở đây. Những linh hồn ở đây được chia làm hai nhóm: nhóm những kẻ hà tiện, keo kiệt khi sống và nhóm những kẻ phóng túng, tiêu xài hoang phí. Họ sẽ phải đẩy đi đẩy lại những khối đá lớn, tượng trưng cho lòng tham của họ.Dante kể rằng đã bắt gặp nhiều vị giáo sĩ, hồng y giáo chủ ở tầng này.

Tầng thứ năm – Wrath (Thịnh Nộ): Trên dòng sông Styx, những linh hồn giận dữ đánh nhau trên mặt nước, còn những kẻ ủ rũ uể oải thì nằm vĩnh viễn dưới làn nước đen. Ở trung tâm của con sông là tòa thành Dis, bên trong giam giữ những kẻ phạm tội có chủ đích, bị canh giữ bởi các thiên thần sa ngã.

Tầng thứ sáu – Heresy (Dị giáo): Đây là nơi giam giữ linh hồn những kẻ tin vào dị giáo, tà ma ngoại đạo. Họ sẽ bị nhốt vĩnh viễn trong những ngôi mộ rực lửa.

Tầng thứ bảy – Violence (Bạo Lực): Lối vào của tầng này được canh gác bởi một con Minotaur. Tầng này được chia làm 3 lớp. Lớp ngoài cùng, giam giữ linh hồn những kẻ đã cưỡng bức và cướp đoạt tài sản của người khác. Họ sẽ phải chịu hình phạt phải ngâm mình dưới một con sông máu đun sôi, độ sâu mà họ phải ngâm mình tùy vào mức độ tội lỗi. Một đội Centaur đi tuần tra trên bờ sẽ có trách nhiệm bắn tên vào những kẻ ngoi đầu lên khỏi sông.
Lớp giữa là nơi giam những người đã tự tử. Vì tội lỗi bạo lực với chính bản thân mình, những linh hồn này bị biến thành những bụi cây xương xẩu và làm thức ăn cho lũ Harpy. Họ sẽ không được hồi sinh trong ngày Phán xét.
Ở lớp trong cùng, những linh hồn báng bổ Thiên Chúa, những kẻ cho vay nặng lãi hoặc đồng tính sẽ bị giam giữ trong một sa mạc nóng cháy và chịu những cơn mưa lửa.

Tầng thứ tám – Fraud (Gian trá). Đây là nơi cư trú của những kẻ lừa đảo, giả dối. Dante và Virgil cưỡi trên lưng Geryon – một con quái thú ba đầu biết bay để vượt qua những vách đá. Tại nơi đây, có một nhà ngục gọi là Malebolge. Các tội nhân ở tầng này bao gồm rất nhiều thành phần, từ chính trị gia, thầy tế… cho đến lũ trộm cắp, lừa gạt, buôn thần bán thánh…
Với mỗi hạng người lại có hình phạt khác nhau, ví như những lẻ hay nói dối, xu nịnh, thì bị phạt phải đứng trên một đống phân tượng trưng cho những lời mà họ thốt ra. Hay những kẻ hay chia rẽ, gây bất đồng thì sẽ bị một con quỷ cầm gươm chém thành nhiều mảnh. Sau đó vết chém tự lành để con quỷ tiếp tục lặp lại hình phạt…

Tầng thứ chín – Traitor (Phản bội). Những kẻ phản bội sẽ bị giam cầm trong một khối băng dưới hồ nước. Tại đây, Dante có thể bắt gặp Cain – kẻ đã lừa giết người anh em của mình, hay Judas – tên tông đồ đã phản lại chúa Jesus. Và ở chính giữa nhà ngục, tên phạm nhân mắc tội phản bội nghiêm trọng nhất bị nhốt ở đây, đó chính là Satan – kẻ phản Chúa.

Địa ngục Luyện ngục của Dante

Luyện ngục của DanteLuyện ngục (Purgatory) trong tâm thức của tín đồ Cơ Đốc giáo là một thế giới sau cái chết, nơi các linh hồn được thanh tẩy, rửa sạch tội lỗi, “luyện tội” trước khi lên Thiên đàng đất Chúa. Cũng như Hỏa ngục, hình ảnh về Luyện ngục cũng được mô tả rất phong phú sinh động trong trường ca “Thần khúc” (Divine Comedy) của Dante Aleghieri.

Phần thứ hai của “Thần khúc” kể về hành trình của Dante và thi hào Virgil vượt qua Luyện ngục. Trước đó, sau khi đi qua chín tầng Hỏa ngục và gặp ác quỷ Satan ở tầng cuối cùng, Virgil đã dẫn Dante qua đường hầm nằm ở “vùng kín” của Satan để tới Luyện ngục.

Cú rơi của Satan từ Thiên đàng đã làm lún cả mặt đất, tạo ra chín tầng Hỏa ngục sâu thẳm; đồng thời đùn đất lên ở nửa kia bán cầu tạo nên một ngọn núi cao vợi, chính là Luyện Ngục Sơn. Luyện Ngục Sơn nằm giữa biển nước mênh mông, cũng bao gồm chín tầng (hai tầng Tiền Luyện ngục và bảy tầng Luyện ngục), là nơi mà các linh hồn mang những tư tưởng tội lỗi mà bị trừng phạt, nhưng nếu biết sám hối họ sẽ từng bước vượt qua Luyện ngục và lên Thiên đàng với Chúa. Khác với Hỏa ngục nơi chứa những kẻ hoàn toàn làm trái ý Chúa, gây ra tội trạng mang tính chất hành động, thì ở Luyện ngục các tội trạng mang tính chất tư tưởng, thuộc về lối sống và nhân cách của kẻ tội đồ. Họ hướng về Chúa nhưng chưa đủ hoàn hảo và cần thời gian để tôi luyện những phẩm chất của mình. Họ có thể cầu nguyện cho những người sống, và những người sống cũng có thể nguyện cầu cho họ rút ngắn thời gian “luyện ngục” để sớm lên Thiên đàng.

Hai tầng Ante-Purgatory (Tiền Luyện ngục): Tầng dưới cùng ở chân ngọn núi là nơi của những kẻ tuyệt giao với nhà thờ. Vua Manfred thành Sicily mắc kẹt ở đây khoảng thời gian dài gấp 30 lần khoảng thời gian ông ta cứng đầu không đi theo Thiên Chúa. Tầng trên nữa là nơi phạt những vị vua lãnh đạm với vương quốc, những kẻ không sám hối, hoặc chỉ biết sám hối vào khoảnh khắc cuối cùng trước khi chết mà không kịp nhận những nghi thức rửa tội. Leo tiếp, Dante và Virgil tới bảy tầng chính của Luyện ngục, được đặt tên theo Thất Đại Tội.

Tầng thứ nhất – Pride (Kiêu ngạo): Những linh hồn kiêu hãnh phải học cách khiêm nhường bằng cách vác trên lưng những tảng đá nặng trĩu. Xung quanh tầng núi đầy những bức tượng về những hình mẫu khiêm nhường, nhưng họ không thể nhìn thấy do lưng phải còng xuống vì tảng đá. Dante gặp ở đây những kẻ quá kiêu hãnh về dòng dõi, về thành tựu và quyền thống trị.

Tầng thứ hai – Envy (Ghen tị): Những kẻ ghen ăn tức ở bị trừng phạt bằng cách khâu kín hai mắt bằng dây thép, trùm trên người áo choàng xám. Họ không nhìn thấy đường, trong tai văng vẳng lời dạy về sự rộng lượng.

Tầng thứ ba – Wrath (Thịnh nộ): Những kẻ nóng nảy cuồng nộ phải vĩnh viễn lang thang trong màn khói đen như cách mà cơn giận dữ làm mờ mắt họ, trong tâm trí hiện lên những vọng ảo dạy cho họ về sự dịu dàng.

Tầng thứ tư – Sloth (Lười biếng): Vì cả cuộc đời đã lười biếng nên ở tầng núi này, những kẻ tội đồ bị phạt phải chạy không ngơi nghỉ. Họ bị hối thúc để bù lại cho cả đời chây lì không theo đuổi tình yêu và đam mê.

Tầng thứ năm – Avarice (Lòng tham): Những kẻ tham lam, tham vọng đến mức ngông cuồng và những kẻ hoang phí phải nằm sấp mặt, trói chân tay, miệng đọc kinh cầu nguyện.

Tầng thứ sáu – Gluttony (Phàm ăn): Những kẻ phàm ăn tục uống ở đời phải chịu đói chịu khát, có cây ăn quả sai trĩu cành trước mắt mà quá cao không với tới. Giọng nói từ thân cây dạy họ bài học về sự chừng mực.

Tầng thứ bảy – Lust (Dục vọng): Những kẻ cuồng dục, để dục vọng che mờ lý trí phải đi qua ngọn lửa dục vọng, giọng nói từ ngọn lửa dạy họ bài học về tịnh khiết và chung thủy. Khi Dante vượt qua ngọn lửa, mặt trời lặn và ông chìm vào giấc ngủ. Tỉnh giấc, Dante thấy mình đã ở Vườn địa đàng, chính là khu vườn năm xưa Adam và Eve ăn trái cấm.

Đỉnh Luyện Ngục Sơn là Vườn địa đàng, tại đó Dante gặp tại người con gái mà ông từng thầm thương trộm nhớ thuở thiếu thời – nàng Beatrice. Nàng chết trẻ, đã được về với Chúa, nay xuất hiện để dẫn Dante đi tiếp quãng đường còn lại, bởi Virgil là một nhà hiền triết vô thần, không thể đi tiếp cùng Dante tới được Thiên đàng. Dante được nàng Beatrice dẫn đường qua dòng sông Lethe để rửa sạch mọi ký ức tội lỗi, và uống nước sông Eunoe để hồi phục ký ức tươi đẹp, và bước chân lên Thiên đường.