Các trận Đại Hồng Thủy đã từng xảy ra trong thần thoại

0
1955

Chúng ta có thể bắt gặp vô vàn những tích truyện giống nhau trong thần thoại của nhiều nền văn hóa khác nhau, một trong số đó là tích truyện về nạn đại hồng thủy.

Thật vậy, hầu hết trong các thần thoại từ Bắc Âu cho đến Hy Lạp, châu Mỹ cho đến châu Á… đều tồn tại ít nhất một câu chuyện nhắc đến một trận lụt lớn ngập chìm cả thế gian. Phải chăng, quả thực trong quá khứ đã có một “kiếp nạn” như vậy, một trận lụt mang quy mô toàn cầu?

Đại Hồng Thủy trong Thần thoại Do Thái

dai-hong-thuy-than-thoai-do-thai

Một trong những điển tích nổi tiếng nhất về đại hồng thủy có lẽ là câu chuyện về Noah được ghi chép trong kinh Cựu Ước.
Hàng thế kỷ sau, gia tộc của Seth và của Cain lớn mạnh và đông đúc, loài người sinh sôi nảy nở nhưng lại trở nên ác độc và lãng quên Thiên Chúa. Chỉ trừ duy nhất một hậu duệ của Seth là Noah cư xử ngay lành, chính trực. Ông và ba người con trai Shem, Ham và Japheth đều kính thờ và được lòng Thiên Chúa.

Chứng kiến sự độc ác của loài người, Thiên Chúa quyết định hủy diệt nhân loại bằng một trận hồng thủy, nhưng vẫn báo trước cho Noah để ông đóng một con tàu khổng lồ bằng gỗ bách, nơi sẽ chở ông cùng vợ và gia đình của những người con trai thoát nạn. Noah cũng theo lời dặn của Chúa, mang vào trong tàu tất cả những sinh vật trên trái đất, mỗi loài đều đủ một cặp đực cái, cùng đủ loại lương thực để chu cấp cho người và động vật. Hàng xóm láng giềng thấy vậy chê cười, mặc cho Noah thuyết phục họ “quay đầu là bờ”.

Thế rồi sau khi Noah hoàn thành công việc Chúa dặn, trận đại hồng thủy kéo tới, đánh chìm nhân loại, chỉ trừ người và sinh vật trên tàu của Noah. 40 ngày đêm mưa mới ngớt, và 6 tháng sau nước mới rút, để lại con tàu đậu lại trên núi. Gia đình Noah hạnh phúc trở về mặt đất. Rồi Chúa tới lập giao ước với Noah, rằng ngài sẽ phù hộ cho con cháu ông sinh sôi nảy nở, và hứa sẽ không còn một trận đại hồng thủy nào quét sạch nhân loại nữa

Đại Hồng Thủy trong Thần thoại Lưỡng Hà

dai-hong-thuy-than-thoai-luong-haTrong truyền thuyết về hành trình đi tìm sự bất tử, người anh hùng Gilgamesh đã gặp gỡ một người đàn ông tên là Utnapishtim. Ông ta có một câu chuyện gần như y hệt với câu chuyện về Noah của người Do Thái, đại để là thần Enki đã giao nhiệm vụ choUtnapishtim đóng một con tàu lớn mang tên là “Người bảo vệ sự sống” trước khi một cơn đại hồng thủy sẽ nhấn chìm mọi sự sống trên thế gian.Utnapishtim được phép đem theo gia đình, người thân và những người thợ lành nghề trong làng lên thuyền, cùng một số lượng động vật và hạt giống.

Sau 12 ngày đêm lênh đênh trên mặt nước, Utnapishtim mở cửa tàu tại sườn núi Nisir (thuộc Iraq ngày nay). Đợi thêm 7 ngày nữa, Utnapishtim gửi một con bồ câu đi để thăm dò nhưng con vật vẫn quay trở lại, chứng tỏ nước vẫn chưa rút. Thêm một lần nữa, ông thả một con quạ đi và không thấy nó trở về, vậy là ông đi theo hướng con quạ và tìm được đất liền. Utnapishtim hiến tế gia súc tạ ơn các vị thần linh và được ban cho sự bất tử vì công quả của mình.

Đại Hồng Thủy trong Thần thoại Bắc Âu

dai-hong-thuy-than-thoai-bac-auLại nói chuyện con bò cái khổng lồ Audhumla, sau khi ăn phải một khối băng mặn và liếm vào một tảng đá, chuyện kỳ lạ xảy ra. Tảng đá mà nó liếm vào bỗng mọc ra lông tóc. Sang ngày hôm sau, tảng đá mọc ra một cái đầu. Đến ngày thứ ba, thì từ tảng đá trồi ra một người đàn ông cao lớn, đẹp đẽ. Đó là Buri, vị thần đầu tiên.

Buri có một người con trai tên là Borr. Borr kết hôn với một người phụ nữ tộc Jotun tên là Besla và có 3 người con trai: Odin, Vili và Ve.

Khi trưởng thành, Odin và 2 người em trai nhận thấy tộc Jotun đằng ngoại đang sinh sôi nảy nở quá nhanh khiến họ bị lép vế. Vậy là Odin bày ra kế hoạch “triệt tận gốc”, giết Ymir để tộc Jotun ngừng sinh sôi. Nói là làm, sau khi rình Ymir ngủ say, 3 anh em Odin đánh úp. Hai bên đánh nhau một trận ra trò. Sau cùng, Ymir bị giết chết. Máu của ông ta trào ra nhiều đến nỗi tạo ra một trận lũ lụt nhấn chìm hầu hết tộc Jotun. Chỉ có 2 Jotun may mắn sống sót là Bergelmir và vợ ông ta. 2 vợ chồng họ kịp chạy đến một vùng đất sương mù, lạnh lẽo nên thoát chết, đó chính là vùng lãnh thổ Jotunheim sau này. Các thế hệ Jotun về sau cũng đều là hậu duệ của vợ chồng họ.

Đại Hồng Thủy trong Thần Thoại Hy Lạp

dai-hong-thuy-than-thoai-hy-lapChiếc hộp Pandora mở ra, kéo theo đủ thứ tai ương tật xấu gieo rắc xuống loài người. Bấy giờ loài người ở thời đại Đồng, hiếu chiến và hung bạo, làm nhiều điều nghịch thường khiến thần Zeus vô cùng giận dữ. Ông quyết định tạo ra một trận lụt khủng khiếp để quét sạch giống người.

Bấy giờ, con trai của thần Prometheus kẻ tạo ra loài người và con gái của Pandora người phụ nữ đầu tiên đã kết duyên. Đó là chàng Deucalion và nàng Pyrrha, theo gia phả là anh em họ con chú con bác. Deucalion được Prometheus báo trước về lời phán truyền của thần Zeus, bèn nghe lời cha đóng một chiếc hòm lớn chất đầy lương thực, rồi khi mưa lũ xuống hai vợ chồng ngồi trên đó. Hòm trôi lênh đênh chín ngày chín đêm thì trôi dạt đến ngọn núi Parnassos nơi duy nhất không bị dòng nước nhất chìm. Lúc đó Zeus cũng nguôi giận, cho mưa tạnh, nước rút.

Vợ chồng Deucalion bước ra, bàng hoàng khi chứng kiến loài người đã chết hết chỉ còn mình họ. Thần Hermes xuống ban lời phán truyền rằng giờ đây họ là hai người duy nhất còn sót lại, nên thần Zeus sẽ ban cho một ân huệ. Deucalion cầu xin rằng mặt đất sẽ đầy ắp loài người như xưa. Hermes quay về bẩm báo với Zeus, rồi quay lại phán rằng: “Các người hãy lấy vải che mặt ra khỏi đền thờ và ném sau lưng những mảnh xương của mẹ các người”.

Vợ chồng Deucalion nhận ra Mẹ của họ chính là Đất Mẹ Gaia, và những mảnh xương của bà đích thị là những hòn đá. Vậy là họ vừa đi vừa ném những hòn đá về phía sau, mỗi hòn đá Deucalion ném hóa thành một người đàn ông, mỗi hòn đá Pyrrha ném hóa thành một người đàn bà. Và thế là loài người lại sinh sôi nảy nở, đông vui nhộn nhịp. Đây chính là loài người thuộc kỷ nguyên Anh Hùng đầy vẻ vang trong số 5 kỷ nguyên của loài người theo thần thoại Hy Lạp. Deucalion và Pyrrha sinh một con trai là Hellen, từ Hellen lại sinh ra các thủy tổ các nhóm bộ lạc cấu thành nên dân tộc Hy Lạp (Hellen cũng chính là tên đất nước, nguồn gốc của phiên âm “Hy Lạp” trong âm Hán Việt)

Đại Hồng Thủy trong Thần thoại Hindu

Nếu như ở các thần thoại khác, con người khiến thần linh nổi giận và quyết định “ấn nút reset” thế gian bằng một trận đại hồng thủy thì trong thần thoại Hindu, kiếp nạn này đơn giản là một phần trong trật tự tự nhiên.

Chuyện kể rằng có một người đàn ông tên là Manu nổi tiếng với sự đức hạnh của mình đến nỗi khiến cả các thần cũng phải hài lòng.Một ngày nọ, Manu cứu sống một con cá nhỏ khỏi bị cá lớn nuốt. Ông đem con cá thả và bể nước, con cá ngày một to ra đến nỗi không cái bể nào chứa được nó nữa. Manu đành phải đem con cá lớn thả ra biển.
Hóa ra, con cá đó chính là một hóa thân của thần Vishnu. Thần tiết lộ cho Manu về trận đại hồng thủy sắp tới sẽ tiêu diệt cả thế gian và dặn ông đóng một chiếc thuyền, đem lên đó các loài động thực vật để làm hạt giống cho Trái Đất sau này.Khi mưa lớn và nước biển bắt đầu nhấn chìm mặt đất, Manu lên thuyền, buộc dây vào sừng con cá khổng lồ và để mặc nó kéo đi , vượt qua mưa giông nước lớn.

Sau 7 ngày 7 đêm, nước cuối cùng cũng rút, Manu và những người trên thuyền là những người duy nhất sống sót.

Đại Hồng Thủy trong Thần Thoại Việt Nam

DAI-HONG-THUY-VIET-NAMSử thi “Đẻ Đất Đẻ Nước” của người Mường
Thuở đó, khi thế gian còn mông lung, đất đai xơ xác bỗng có một trận mưa lớn, nước ngập núi đồi, sau 50 ngày nước mới rút, tự nhiên mọc lên một cây xanh cao lớn có 90 cành, có một cành lớn nhất chọc thẳng lên trời, tạo ra ông Thu Tha và bà Thu Thiên. Hai ông bà chính là thủy tổ của muôn loài, cũng chính là “Đẻ Đất”.

Hai ông bà bỏ công ra trồng nhiều loại cây nhưng trời bỗng đổ nắng hạn suốt 12 năm ròng khiến cây cối trồng được đều chết héo cả. Có vị thần là Pồng Pêu phải cầu mưa. Thế là trời lại đổ trận mưa lớn suốt 10 ngày đêm, mỗi hạt mưa to bằng quả bưởi, nước lại ngập bao la, cũng chính là “Đẻ Nước”.
Sau 7 tháng, nước rút thì mọc ra một cây si khổng lồ có 1919 cành. Trời sai con sâu khoét rỗng ruột cây si. Cây đổ, 1919 cành rơi xuống, tạo ra 1919 bản mường.

Một tích chuyện khác về trận lụt lớn trong cổ tích của người Khơ-mú là chuyện về hai vợ chồng vào rừng kiếm củi, vô tình bắt được một con dúi, hí hửng sắp có bữa thịt thú rừng cải thiện thì con dúi bỗng cất tiếng người, van xin tha mạng, đổi lại, nó báo trước cho hai vợ chồng về một trận mưa lũ lớn sắp xảy ra và mách hai người khoét thân gỗ to, chui vào và bịt kín bằng sáp ong, chuẩn bị đủ thức ăn trong 7 ngày.

Hai vợ chồng tin lời con dúi về làm theo như lời dặn. Họ cảnh báo bà con xung quanh nhưng chẳng ai tin câu chuyện. Hai vợ chồng vừa chuẩn bị xong thì mưa to chợt đến, lũ cuốn trôi mọi bản làng, ruộng nương. Sau 7 ngày hai vợ chồng mới chui ra khỏi thân cây thì nước đã rút nhưng cũng chẳng còn ai sống sót.

Ít lâu sau, người vợ mang thai, đẻ ra một quả bầu. Từ quả bầu nhảy ra hàng loạt người tí hon, chính là tổ tiên của các dân tộc Việt Nam: Khơ-mú, Dao, Thái, Mường, Kinh…

Đại Hồng Thủy trong Thần thoại Aztek

dai-hong-thuy-aztekTheo quan niệm của người Aztek, thế giới đã trải qua 5 chu kỳ Mặt Trời. Mỗi khi kết thúc một chu kì, các vị thần lại gửi đến một thiên tai nhằm quét sạch các sinh vật sống, tái tạo một kỷ nguyên mới. Ở chu kỳ thứ 4, nữ thần của sông hồ Chalchiuthlicue hiến dâng mình để trở thành Mặt Trời, thế nhưng sau hơn 600 năm, hai vị thần Tezcatlipoca và Quetzalcoatl lại đẩy ngã Chalchiuhtlicue. Khi rơi xuống Trái Đất, thân thể nàng vỡ ra thành muôn vạn giọt nước, cả thế gian bị nhấn chìm trong một trận lũ lớn, vậy là kết thúc chu kỳ thứ 4, mở đầu cho chu kỳ thứ 5 chính là thời đại mà chúng ta đang sống và đọc những dòng này.

Lại cũng có phiên bản khác thì ghi rằng nữ thần Chalchiuthlicue vốn rất yêu thương loài người nhưng lại bị thần Tezcatlipoca gièm pha rằng nữ thần chỉ muốn lợi dụng sự tôn thờ của loài người mà thôi. Bị tổn thương, Chalchiuthlicue bật khóc. Nàng khóc ròng rã 52 năm, những giọt nước mắt của nàng rơi xuống trần thế tạo thành một trận lụt lớn chấm dứt chu kỳ thứ 4. Loài người phải biến thành cá để có thể sống sót

Đại Hồng Thủy trong Thần thoại Triều Tiên

dai-hong-thuy-than-thoai-trieu-tienNamu Doryeong là con trai của một cây sồi thần và một nàng tiên nữ. Năm Doryeong lên bảy, mẹ cậu phải về thượng giới, để lại Doryeong cho cha sồi chăm lo. Nhiều năm sau, cha sồi đột nhiên tiên đoán về một trận đại hồng thủy sắp xảy ra, báo rằng khi đó ông sẽ bị bật gốc, Doryeong hãy leo lên thân ông mà thoát nạn.

Rồi mưa lớn kéo dài ngập kín cả thế gian, mọi sinh vật đều chết sạch. Doryeong nhờ trèo lên thân người cha già mà thoát chết, trôi nổi lênh đênh. Giữa dòng lũ, cậu cứu thoát một đàn kiến, một đàn muỗi, một con cò và một con lợn rừng dưới sự cho phép của cha. Cậu lại thấy một chàng trai trạc tuổi bị lũ cuốn. Cha sồi ngăn cấm cậu, nhưng Doryeong gạt đi, cứu chàng trai đó thoát nạn.

Cây sồi trôi đến núi Baekdu, ngọn núi cao nhất xứ sở. Trên đó Doryeong và chàng trai bắt gặp một ngôi nhà nhờ ngự trên đỉnh núi mà thoát khỏi cơn lũ. Trong nhà có một bà cụ, con gái bà và người hầu gái. Thế gian chẳng còn một bóng người, do vậy bà cụ quyết định cho Doryeong và chàng trai thi tài, ai thắng cuộc sẽ được cưới con gái cụ. Bà lão thấy Doryeong có vẻ yếu ớt, mảnh khảnh nên vốn không ưa, ra toàn những thử thách chân tay. Đầu tiên là thử thách cày mảnh đất dưới chân núi, may thay cậu được con lợn rừng giúp đỡ. Sau đó là thử thách gieo hạt lúa, Doryeong lại được trợ giúp bởi con cò. Tiếp đó là thử thách lấy lại tất cả những hạt lúa vừa gieo, nhưng nhờ đàn kiến từng được cứu giúp, Doryeong đã hoàn thành nhiệm vụ.

Cuối cùng, bà lão ra thử thách phải tìm được con gái bà cụ ở một trong hai căn phòng. Con muỗi bay qua vai Doryeong, dẫn cậu sang phòng bên trái. Chàng trai kia trông thấy vậy, dẫm cả lên Doryeong mà lao tới căn phòng đó, nhưng bên trong trống không. Hóa ra đó là cú lừa, con muỗi bay sang trái rồi lượn sang phải. Doryeong bước vào căn phòng đó và gặp mặt cô gái xinh đẹp. Cô gái vốn đã cảm mến Doryeong, nên khi nghe thấy tiếng chân chàng trai kia đã vội lẻn qua tấm liếp giữa hai phòng. Bà lão hiểu rõ lòng con, nên cũng bằng lòng gả con gái cho Doryeong, còn chàng trai kia được cưới nàng hầu. Hai cặp vợ chồng sinh con đẻ cái, ươm mầm cho loài người sinh sôi trở lại sau cơn đại họa

Đại Hồng Thủy trong Thần thoại châu Úc

dai-hong-thuy-chau-ucThuở xa xưa, có một con ếch khổng lồ tên là Tiddalik. Một buổi sáng thức dậy, Tiddalik bỗng cảm thấy khát nước vô cùng. Thế là nó uống một phát hết sạch nguồn nước ngọt trên mặt đất, khiến sông hồ cạn khô. Đứng trước nguy cơ chết khát, các sinh vật lập ra kế hoạch chọc cười Tiddalik để nó nôn ra lượng nước đã uống. Sau nhiều thất bại, cuối cùng một con lươn đã chọc cười Tiddalik thành công bằng cách biến dạng thân hình một cách khôi hài, khiến con ếch nôn ra tất cả đống nước nó đã uống, gây ra một trận lũ khổng lồ, nhấn chìm rất nhiều sinh vật.