Ma Cà Rồng Việt Nam có thật không?

0
1168

Trong truyền thuyết dân gian Việt Nam, có loài “ma cà rồng”, hoặc “ma cà rằng”, “ma càn sùng”, được cho là phiên âm bắt nguồn từ ký âm “krung” trong ngữ hệ Tai-Kadai (ngữ hệ của người Thái-Lào). Từ này được dùng để mô tả một loài ma quỷ, được Lê Quý Đôn chép lại trong “Kiến Văn Tiểu Lục”.

Theo Lê Quý Đôn, loài ma cà rồng sống ở trấn Hưng Hóa xưa. Vào ban ngày thì hắn đi lại, sinh hoạt như người thường. Đến đêm thì thường xỏ hai ngón chân cái vào lỗ mũi, bay lơ lửng trên không trung, thường vào nhà đàn bà đẻ để hút máu. Hắn tàng hình bay vào nhà, lập tức ánh đèn lập lòe, có bóng kì lạ. Thế nên người dân thường bố trí lưới vây để ngăn chúng đột nhập; hoặc đánh gậy tứ tung trong không trung, nhỡ may vô tình đập trúng ma thì nghe tiếng ngã cái bịch rồi hắn lại bay đi, tiếng bay nghe như tiếng bọ hung. Đến trống canh năm, hắn bay trở về nhà, ngâm chân vào thùng nước tô mộc, tháo chân ở mũi ra. Hắn trở lại làm người, sáng hôm sau có hỏi đêm qua làm gì thì không nhớ đã đi đâu cả. Hơi mất vệ sinh chút, trước khi nhét ngón chân vào mũi thì không rửa, nhưng bỏ chân ra thì phải ngâm chân vào thùng nước cho sạch mới được đi xuống đất, hehe.

Ma cà rồng cũng được một số tác giả thời phong kiến khác ghi chép lại. Trương Quốc Dụng cho rằng chúng không khác gì người, chỉ có trán đỏ, mắt nhiều lòng trắng là khác biệt, thích ở một mình, ban đêm lấy hai ngón chân cái đút vào mũi, tay xách tai bay đi, thích ăn máu mủ, mụn nhọt và máu bà đẻ. Phạm Thận Duật thì kể rằng chúng có gia đình, vợ con, nhưng buổi đêm thường bí mật lẻn vào nhà người khác hút tinh huyết, người không biết phần nhiều bị chết.

Có lẽ hình tượng loài ma quỷ hút máu người này không xa lạ gì trong những truyền thuyết linh dị khắp thế giới, như Strzyga trong thần thoại Slavic, Vetala trong thần thoại Hindu,… Đặc biệt hình tượng “vampire” này trở thành kinh điển sau tiểu thuyết Dracula của nhà văn Bram Stoker và quen thuộc với văn hóa đại chúng ngày nay. Du nhập vào văn hóa Việt Nam, từ “vampire” được chuyển ngữ là “ma cà rồng” cũng vì đặc điểm tương tự như vậy.