Stan Lee – Cha đẻ của vũ trụ Marvel

0
1608

TIỂU SỬ STAN LEE

Stan Lee (sinh ngày 28/12/1922) có tên khai sinh Stanley Martin Lieber, vừa là nhà văn, họa sĩ, chủ bút, chỉ đạo sản xuất, dẫn chương trình, diễn viên và cũng đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị của Marvel Comics.

Ông đã từng cộng tác với rất nhiều họa sĩ, đáng chú ý phải kể đến Jack Kirby và Steve Ditko, ông còn là người đồng sáng tạo ra các nhân vật truyện tranh nổi tiếng như Người Nhện, Hulk, nhóm Fantastic Four, Người Sắt, Thor, X-men và rất rất nhiều nhân vật giả tưởng khác, tạo ra một vũ trụ riêng biệt của các siêu anh hùng trong truyện tranh với một hệ thống nhân vật phong phú và phức tạp. Lee đã góp công rất lớn trong việc đưa Marvel Comics từ một công ty nhỏ trở thành một tập đoàn đa phương tiện khổng lồ.

Với những đóng góp của mình, Lee đã vinh dự được nhận giải thưởng Will Eisner Award vào năm 1994 và Harvey Award vào năm 1995. Ông cũng được trao Huân chương nghệ thuật Quốc gia (National Medal of Arts) vào năm 2005.

Stanley Martin Lieber sinh ra tại thành phố New York  trong 1 gia đình gốc Do Thái nhập cư từ Romania, là con trai của Jack Lieber và Celia. Bố ông là thợ may quần áo, công việc không được ổn định cho lắm sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, và gia đình phải chuyển lên sống tại khu Washington Avenue, Washington Heights, Manhattan. Năm Lee gần 9 tuổi, mẹ ông sinh em trai là Larry Lieber. Ông nói vào năm 2006 rằng khi là 1 đứa trẻ ông đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi phim ảnh và sách truyện, đặc biệt là diễn viên Ẻrrol Flynn với nhưng vai diễn anh hùng.

Lee theo học tại trường trung học DeWitt Clinton. Thời trẻ, ông rất thích viết và ông có ước mơ một ngày nào đó được viết ra những tác phẩm tuyệt vời. Ông từng làm thêm những công việc là viết cáo phó cho một tờ báo; giao bánh sandwich; làm việc cho nhà máy may; chỉ chỗ ngồi tại nhà hát kịch… Ông tốt nghiệp trung học khá sớm, vào năm 16 tuổi.

SỰ NGHIỆP BAN ĐẦU

Với sự giúp đỡ của người chú Robbie Solomon, Stan Lee được nhận làm phụ tá tại tờ Timely Comics – 1 chi nhánh trong công ty Atlas Comics của Martin Goodman – công ty vào năm 1960 trở thành Marvel Comics. Là cháu của vợ Goodman, ông được chính thức nhận vào tờ Timely bởi chủ bút Joe Simon.

Công việc của ông lúc đầu khá nhàm chán. “Hồi đó các họa sĩ trước khi vẽ phải bơm mực, tôi có nhiệm vụ giữ cho lọ mực không bị cạn” – Lee hồi tưởng lại (2009). “Tôi còn phải đi lấy đồ ăn cho mọi người; đóng dấu biên tập; tẩy những nét bút chì trên truyện tranh giúp họ”. Đi theo khát vọng thời thơ ấu được trở thành 1 nhà văn, Stanley Lieber đã làm tác phẩm truyện tranh đầu tiên trong sự nghiệp: “Captain America- Cuộc trả thù những kẻ phản bội” trong tập truyện Captain America Comics #3 (5/1941) và sử dụng bút danh “Stan Lee” – cái tên mà vài năm sau đã trở thành tên chính thức của ông. Trong tập truyện này đã xuất hiện chiếc khiên của Captain America, mà về sau nó cũng trở thành biểu tượng của siêu anh hùng này.

Hình ảnh Stan Lee trong văn phòng của Marvel vào năm 1968

Lee cũng đã thoát ra khỏi việc là chân sai vặt để trở thành 1 họa sĩ truyện tranh thực thụ với truyện “‘Headline’ Hunter, Foreign Correspondent”. Siêu anh hùng đầu tiên mà ông sáng tạo ra là Destroyer trong Mystic Comics #6 (8/1941) 2 nhân vật nữa ông cũng tạo ra trong khoảng thời gian này là Jack Frost trong USA Comics #1 (8/1941) và Father Time trong Captain America Comics #6 (8/1941).

Sau khi Simon cùng Jack Kirby rời công ty, Goodman đã đưa Lee lên làm chủ bút tạm thời. Lee đã rất cố gắng và điều đó đã giúp ông giữ được vị trí chủ bút, đồng thời kiêm luôn chức vụ phụ trách về mỹ thuật.

Ông lấy Joan Clayton Boocock vào năm 1947, và đến năm 1949 họ chuyển đến 1 ngôi nhà 2 tầng, 3 phòng ngủ tại 1084 West Broadway, New York, sống ở đó đến năm 1952. Trong khoảng thời gian này, họ có với nhau 1 cô con gái tên là Joan Celia “J.C.” Lee (1950) và 1 người con nữa (1953) nhưng đáng tiếc người con thứ 2 bị chết yểu 3 ngày sau khi sinh. Lee sau đó mua một ngôi nhà ở 226 Richards Lane, New York, và sống ở đó từ 1953 đến 1980.

Giữa những năm 1950, Lee viết rất nhiều truyện đủ thể loại như hành động, lãng mạn, miền Tây, khoa học viễn tưởng, kinh dị… Trong thời gian này, ông thành lập nhóm Dan DeCarlo để cung cấp các thông tin cho tờ báo My Friend Irma. Cuối thập kỉ, Lee cảm thấy mất cảm hứng làm công việc này và có ý định từ bỏ sự nghiệp.

CUỘC CÁCH MẠNG MARVEL

Trong những năm cuối của thập kỉ 50, biên tập của DC Comics là Julius Schwartz đã làm hồi sinh lại những hình tượng những siêu anh hùng và đạt được những thành công lớn với phiên bản truyện về nhân vật Flash, sau đó là đến cả nhóm Liên Minh Công Lí của Mĩ (Justice League of America). Để đáp trả, Martin Goodman đã yêu cầu Lee tạo ra 1 nhóm siêu anh hùng mới. Vợ Lee khuyên rằng ông nên thử sáng tạo theo cách mà ông muốn vì lúc này ông đã đang muốn từ bỏ sự nghiệp và không có gì để mất cả.

Lee đã làm theo lời khuyên đó của vợ, tạo nên những nhân vật siêu anh hùng không quá hoàn mỹ như trước, giống con người hơn, thay đổi quan niệm rằng siêu anh hùng là dành cho lứa tuổi trẻ em. Trước đó, những siêu anh hùng trong truyện tranh đều là những nhân vật hoàn hảo, không có khuyết điểm nào. Lee đã hình thành 1 hệ thống những nhân vật siêu anh hùng phức tạp như con người, họ cũng có thể đôi khi xấu tính, hay u sầu, tự cao tự đại, họ phải vật lộn với chính bản thân mình, lo lắng cho những hóa đơn hàng tháng, gây ấn tượng với các cô bạn gái, thấy chán nản hoặc thậm chí bị ốm đau, bênh tật.

Nhóm siêu anh hùng đầu tiên mà đội ngũ của Lee và họa sĩ Jack Kirby tạo ra là Fantastic Four. Sự thành công của nhóm đã khiến Lee và các cộng sự ở Marvel giới thiệu hàng loạt những tập truyện mới. Ông cùng Jack Kirby sáng tạo ra nhân vật Thor, Hulk, Iron Man, và nhóm X-Men; cùng Bill Everett tạo ra Daredevil; cùng Steve Ditko tạo ra Doctor Strange và nhân vật thành công nhất trong lịch sử của hãng Marvel: Người Nhện. tất cả họ đều sống trong 1 vũ trụ của riêng Marvel. Lee và Kirby đã tập hợp nhiều trong số những nhân vật họ mới tạo ra vào 1 nhóm mang tên The Avengers và làm sống lại những nhân vật có từ thập kỉ 40 như Captain America. Sub-Mariner, Ka-zar.

Fantatic Four gây ra nhiều tranh cãi về bản quyền. Nhưng đó là viên gạch đầu tiên vững chắc cho truyện tranh Marvel

Năm 1972, Lee dừng việc viết truyện hàng tháng để nhận chức chủ bút. Sau đó, Stan Lee có thêm nhiều đột phá trong công việc khi đưa nhân vật của Marvel lên mặt báo, xuất bản sách về thuở đầu của Marvel, hợp tác với Kirby lần cuối để cho ra truyện về Silver Surfer… Dần dà, ông trở thành gương mặt đại diện cho toàn công ty, có sức ảnh hưởng sâu rộng trong ngành công nghiệp truyện tranh.

Thập niên 1980, Stan Lee chuyển tới Los Angeles. Lý do rất đơn giản: Hollywood. Ông muốn thấy những đứa con tinh thần do mình tạo ra có cơ hội đặt chân lên màn ảnh lớn, nhất là khi Batman hay Superman của DC đã sớm làm được điều đó.

Song, suốt hai thập kỷ sau đó, nỗ lực của Lee tỏ ra vô vọng, như bản phim đáng quên của Captain America hồi năm 1990 chỉ được phát sóng trên truyền hình, phiên bản phim 1994 của Fantastic Four bị dẹp bỏ vì nhiều lý do khác nhau…

Stan Lee va nhung buoc ngoat lam nen vu tru sieu anh hung Marvel hinh anh 4
Stan Lee là khách mời quen thuộc của nhiều tác phẩm điện ảnh siêu anh hùng dựa trên truyện tranh Marvel trong những năm qua

Câu chuyện bắt đầu khởi sắc vào năm 2000, khi Fox và đạo diễn Bryan Singer trình làng bom tấn X-Men. Trong phim, Stan Lee sắm vai khách mời là một người bán xúc xích, và thương hiệu phim dị nhân hiện vẫn còn kéo dài đến tận ngày hôm nay.

Bước ngoặt lớn hơn cả xảy ra vào năm 2008 khi hãng Marvel Studios giới thiệu Iron Man, mở đầu cho Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Dù mang đến nhiều nhân vật còn xa lạ với đại chúng khi trình làng, Marvel Studios đến nay đã tạo ra thương hiệu điện ảnh thành công nhất mọi thời đại.

Sau 10 năm, từ Iron Man tới Ant-Man and The Wasp mới đây, các bộ phim của MCU đã thu tổng cộng 17,6 tỷ USD tại phòng vé. Con số đó sẽ còn tăng cao nhờ Captain MarvelAvengers 4 hay Spider-Man: Far from Home trong năm sau.

Stan Lee hẳn vô cùng mãn nguyện khi giấc mơ điện ảnh từ thập niên 1980 đến nay đã đơm hoa kết trái. Ông vẫn thường xuyên góp mặt trong các tác phẩm với tư cách khách mời (cameo), gây hứng thú cho người hâm mộ.

Stan Lee qua đời tại bệnh viện Cadars-Sinai, Los Angeles (Mỹ) vào ngày 12/11 theo giờ địa phương. Giờ thì Stan Lee đã có thể đoàn tụ với Joan – người vợ hiền mà ông hết mực yêu thương suốt 69 năm dài đã qua đời hồi 2017.