Các vương quốc và xứ sở trong The Witcher

0
1950

Khái quát lịch sử

Thuở sơ khai của Lục Địa, tộc Elf là những kẻ di cư đầu tiên đặt chân lên vùng đất này (không tính tộc Người Lùn đã sinh sống ở đây từ đầu). Những người Elf đến trên những con thuyền trắng đẹp đẽ và họ tự xưng là Aen Seidhe.

Mãi sau đó khoảng 2000 năm, con người mới đặt chân lên Đại Lục. Không có sử sách nào ghi chép lại rõ ràng họ đến từ đâu. Các Elf cho rằng con người là một giống loài đến từ thế giới khác – cái thế giới mà chính họ đã hủy hoại nó.

Nhờ một sự kiện mà sử sách gọi là Tinh Cầu Tụ Hội, các vũ trụ song song đột nhiên kết nối với nhau và mở ra các cánh cổng, con người và các loài quái vật đã tìm đường đến được Lục Địa.

Ban đầu, họ định cư ở vùng đồng bằng sông Pontar và khu vực cửa sông Yaruga về phía Bắc. Lúc đó, tộc Elf và những giống loài cổ xưa khác không mấy bận tâm tới con người, thậm chí còn muốn giữ một mối quan hệ hòa bình với họ.

Thế rồi, chỉ sau vài thế kỷ, bằng tham vọng và sự hiếu chiến của mình, con người từ một giống loài lưu vong đã trở thành những “chủ nhân” của Lục Địa rộng lớn. Họ sinh sôi nảy nở, lập ra những vương quốc và những đội quân, đánh chiếm và đốt phá lãnh thổ của nhau, xây dựng những thành trì và lâu đài… chẳng mấy chốc, những giống loài xưa cũ đã trở nên lép vế và dần tuyệt chủng hoặc phải chấp nhận bị đồng hóa trước sự bành trướng của con người.

Ba vương quốc đầu tiên của con người được thành lập bao gồm: Temeria – dưới sự trị vì của vua Dezmod, Redania – dưới sự trị vì của vua Radovid I và thành phố Novigrad của vua Sambuk.
Cũng trong khoảng thời gian này, Liên minh Novigradian được thành lập. Đây có thể coi là một bản cam kết không xâm phạm lẫn nhau được ký kết bởi các vị vua, các pháp sư và Druid.

Thế nhưng, bản chất của con người luôn là lòng tham và sự ích kỷ. Chẳng mấy chốc, họ bắt đầu phá vỡ các hiệp ước. Các vị vua bắt đầu thù hằn và tìm cách thôn tính nhau, dẫn đến việc nổ ra Cuộc chiến 6 năm.

Trong cuộc chiến này, vua của Temeria lúc bấy giờ là Abdank, cùng với các chư hầu của mình giao tranh với vương quốc Cintra để giành quyền kiểm soát khu vực sông Yaruga – một trong những con sông lớn nhất Lục Địa, phân đôi hai miền Nam-Bắc. Cuộc chiến đẫm máu này rốt cục chẳng đi đến đâu. Cuối cùng sau 6 năm, một vị pháp sư tài ba là Raffard Trắng đã đứng ra dàn xếp và giúp hai phe ký hiệp ước hòa bình. Sau sự kiện này, vị thế của Raffard trở nên vô cùng quan trọng trong triều đình của vua Abdank. Trên thực tế, nhiều người đã nói rằng đức vua giờ chỉ còn là bù nhìn, mọi quyền lực triều chính đều đã phụ thuộc vào Raffard.

Những vương quốc hùng mạnh trong The Witcher

Temeria

Temeria-the-witcher

Nằm ở phía Nam bờ sông Pontar, Temeria được coi là vương quốc giàu có và hùng mạnh nhất ở phương Bắc, gánh trọng trách quan trọng trong các cuộc chiến chống lại sự xâm lược của đế chế Nilfgaard ở phương Nam.

Temeria là một trong ba vương quốc loài người lâu đời nhất ở Lục Địa. Vị vua đầu tiên gây dựng nên vương quốc là Dezmod. Đến đời vua thứ hai là Abdank thì Temeria và một số nước chư hầu bị cuốn vào cuộc chiến dai dẳng suốt 6 năm với Cintra vì tranh chấp lãnh thổ. Cuộc chiến kết thúc với một hòa ước đình chiến do pháp sư Raffard Trắng đứng ra tổ chức.
Kể từ sau sự kiện đó, Raffard dần nắm các quyền hành trong triều đình Temeria, trong khi đó vua Abdank thì trở thành bù nhìn vì mải mê vào những thuật giả kim viển vông.

Sau cái chết của Raffard, vua Abdank quay trở lại nắm quyền được vài năm thì qua đời mà không có người thừa kế, bỏ ngỏ một ngai vàng với biết bao con mắt thèm khát. Hai phe phái mạnh nhất là bá tước xứ Ellander và bá tước xứ Maribor đều nhăm nhe vương vị dẫn đến cuộc nội chiến đẫm máu vẫn được người ta nhắc bằng cái tên “Cuộc chiến Dao Găm” (có lẽ để ám chỉ một cuộc chiến không chính thức, với những vụ ám sát và trừ khử bí mật trong bóng tối). Đến cuối cùng, vương tử Aldabert của Maribor chiến thắng và lên ngôi vua. Ông phong quyền tự trị cho Ellander nhằm xoa dịu vùng đất đối địch này.

Kinh đô của Temeria là thành phố Vizima sầm uất. Nền kinh tế của Temeria phát triển đồng đều trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và thương mại. Tuy Mahakam là vùng đất tự trị của các tộc người lùn nhưng vẫn trực thuộc lãnh thổ của Temeria, chính vì vậy, vương quốc này cũng được hưởng một nguồn lợi to lớn về giao thương, khai thác tài nguyên khoáng sản, sản xuất vũ khí từ Mahakam. Đồng Oren – đơn vị tiền tệ của Temeria cũng được sử dụng rộng rãi trên lục địa.
Một số địa danh nổi tiếng khác của Temeria bao gồm: Maribor và Velen Gors – những thành phố sầm uất, đảo Thanedd – nơi có học viện pháp thuật Aretuza dành riêng cho nữ giới… Đa phần những thành phố lớn của Temeria đều được xây dựng lại trên nền móng và di sản cũ của người Elf.
Người dân Temerian có thành phần rất đa dạng, bao gồm cả con người, Elf, Người Lùn, Gnome, Halfling… cùng chung sống lẫn lộn với nhau. Tuy nhiên, những giống loài không phải con người vẫn bị kỳ thị ở nơi đây, bị xếp là công dân hạng hai và không có vị trí trong chính quyền, cũng như thường phải đóng nhiều khoản thuế hơn con người,

Người cai trị hiện tại của Temeria là đức vua Foltest – một con người khôn ngoan, mưu lược và cứng rắn. Ông đánh giá cao các pháp sư và thường dành cho họ vị trí cố vấn trong triều đình của mình. Một vụ bê bối nổi tiếng liên quan đến đức vua Foltest đó là mối quan hệ loạn luân giữa ông và em gái mà kết quả là cô con gái Adda bị dính lời nguyền trở thành quái vật Striga. “Cô công chúa” với đầy răng nanh và móng vuốt ngủ trong hầm mộ của gia đình, tỉnh dậy lúc nửa đêm và sẵn sàng làm thịt bất cứ kẻ nào xấu số bắt gặp. Nhà vua đã phải chuyển sang một cung điện mới để tránh thiệt hại và mời đến một Witcher (ai thì biết rồi đấy) để giải quyết vụ việc êm đẹp (phá lời nguyền chứ không phải là giết người thừa kế của ông ta).

Kaedwen

Kaedwen-the-witcherĐây là vương quốc có diện tích lớn nhất ở phương Bắc, kinh đô là Ard Carraigh. Thành phố nổi tiếng nhất của Kaedwen là Ban Ard – nơi có một học viện chuyên đào tạo các pháp sư.

Như đã nói ở các bài trước, ba vương quốc của con người được thành lập sớm nhất ở Lục Địa bao gồm Temeria, Redania và thành phố tự trị Novigrad. Tổ tiên của Kaedwen là Viduka ban đầu cũng thuộc Novigrad. Ông đã đưa người của mình tiến về phía Đông để khai phá. Theo sử sách ghi lại, Viduka đã đi theo một con Kỳ Lân (Unicorn). Sinh vật huyền thoại này đã dẫn Viduka đến một vùng đất bằng phẳng rộng lớn, nói theo kiểu chúng ta thì là “có phong thủy tốt”. Vậy là ông quyết định dừng chân nơi đây và xây dựng thành phố Ard Carraigh, tự xưng làm vua và lập ra vương quốc Kaedwen từ đó. Điều này lý giải cho việc người ta gọi triều đại các vua của Kaedwen là “Triều đại Kỳ Lân” như để xác nhận huyền sử trên.

Lúc bấy giờ, vương quốc Redania ở phía Tây tuyên bố quyền lực của mình trên cả thành phố Novigrad và vương quốc Kaedwen mới nổi. Để bảo vệ chủ quyền của mình, vua Viduka phải liên minh với một vương quốc non trẻ khác là Aedirn ở phía Nam. Liên minh mới này đã giúp cả hai không bị Redania thâu tóm. Theo thỏa thuận, Kaedwen phải nhường vùng đất Lormark ở phía Nam cho Aedirn. Từ đó, vùng này được đổi tên là vùng Aedirn Thượng. Tuy vậy, có vẻ vua Viduka không mấy vui vẻ gì khi phải cắt đất cho đồng minh và vì thế những đời vua tiếp theo, hai vương quốc Kaedwen và Aedirn dần trở nên mâu thuẫn và bắt đầu xảy ra tranh chấp lãnh thổ biên giới.

Kaedwen có khí hậu lạnh giá, khắc nghiệt, với nhiều cánh rừng lớn. Với sự thay đổi của thời tiết, trời ngày càng lạnh hơn, một số loại cây trồng và ngành nghề đang bị ảnh hưởng ở Kaedwen và các vương quốc lân cận, điển hình là nghề trồng nho và ngành sản xuất rượu vang.

Người cai trị Kaedwen ở thời điểm hiện tại là vua Henselt. Henselt có diện mạo trông giống một tên cướp biển hơn là một vị vua. Với bản tính kiêu ngạo, nóng nảy, vua Henselt thường xuyên gây hiềm khích và tranh chấp lãnh thổ với Aedirn.
Đừng để diện mạo thô thiển của Henselt đánh lừa. Ông ta có thể là một kẻ vụng về thô lỗ trên bàn tiệc nhưng lại vô cùng linh hoạt trên sa trường. Người ta nói, vua Henselt có thể biết được tên cùng từng người lính trong quân đội của ông ta, đọc được phạm vi công phá của từng chiếc máy bắn đá chính xác đến từng inch. Ông ta luôn yêu quý những cỗ máy chiến tranh và ve vuốt tự hào về chúng như một người cha tự hào về những đứa con.
Cũng giống như hầu hết các nhà cầm quyền phương Bắc, vua Henselt thực hiện chính sách kì thị và đàn áp những chủng tộc “không-phải-người”.

Aedirn

Aedirn-the-witcher

Đây là một quốc gia nông nghiệp với nhiều cánh đồng và đồi núi. Với khí hậu ôn hòa, Aedirn có sản lượng lương thực dồi dào, đặc biệt là khu vực thung lũng Dol Blathanna ở phía Đông, được coi là vựa lúa của cả lục địa.
Không những thế, các ngành nghề sản xuất của Aedirn cũng rất phát triển. Kinh đô Vengerberg nổi tiếng với ngành sản xuất len, thuốc nhuộm và dệt may, thành phố Gulet nổi tiếng với các lò rèn và lò luyện kim. Biên giới phía Tây sát với dãy núi Mahakam cũng giúp vương quốc này có nguồn khai thác khoáng sản dồi dào. Có thể nói, Aedirn là một trong những lãnh thổ giàu có và trù phú nhất phương Bắc.

Tuy nhiên, Aedirn vẫn tồn tại những vấn đề riêng của nó. Tranh chấp chủ quyền vùng Aedirn Thượng khiến tình bang giao của nước này với người hàng xóm phía Bắc là Kaedwen có phần căng thẳng. Thêm nữa, do chính sách kì thị chủng tộc, những người Elf không có địa vị và tiếng nói ở vương quốc này, họ bị dồn đến sống chui nhủi trong những cánh rừng ở Dol Blathanna, chính vì thế mà Aedirn cũng thường xuyên phải hứng chịu sự chống phá của một nhóm du kích người Elf tên là Scoia’tael.

Người cai trị của Aedirn là đức vua Demavend. Ông ta là một nhân vật điềm tĩnh và là một chính trị gia sắc sảo. Nhưng có vẻ Demavend có một mối căm ghét đặc biệt với những giống loài “không-phải-người”, trong thời gian tại vị của mình, ông vua này đã tổ chức hàng loạt các vụ thảm sát tộc Elf và sẵn sàng treo thưởng cao cho mỗi cái đầu của Scoia’tael mặc dù ngân khố quốc gia đang thâm hụt.

Trong cuộc chiến tranh phương Bắc lần 2 (sự kiện này sẽ được viết chi tiết ở các bài sau), vương quốc Aedirn gần như bị quân Nilfgaard xóa sổ. Thủ đô Vengerberg bị vây hãm và thất thủ nhanh chóng. Demavend phải xin tị nạn tại vương quốc đồng minh Redania.
Kết thúc chiến tranh, một hiệp ước hòa bình được thỏa thuận, Demavend lấy lại quyền cai trị Aedirn, đổi lại, nhà vua phải công nhận quyền tự trị của Dol Blathanna như một lãnh thổ riêng của người Elf.

Redania

Redania-the-witcher

Vương quốc cuối cùng trong nhóm 4 vương quốc hùng mạnh nhất phương Bắc là Redania. Trong quá khứ, Redania từng xảy ra tranh chấp lãnh thổ với Temeria và một vài vương quốc khác, dẫn đến sự kiện Cuộc chiến 7 năm mà kết quả là Redania thua trận, thành phố Novigrad và vùng đồng bằng sông Pontar bị Temeria chiếm đóng cùng hàng loạt đồng bằng màu mỡ phải đền bù cho các bên thắng trận. Đến đời vua Radovid III, bằng những phương pháp ngoại giao, Redania cũng đòi lại được một số lãnh thổ. Riêng với thành phố lớn Novigrad, cả Redania và Temeria đi đến thỏa thuận coi nơi này là một thành phố tự trị, không thuộc về bên nào cả.

Kinh đô của Redania là Tretogor, được xây dựng từ nền móng của một thành phố của người Elf xa xưa. Tuy là kinh đô nhưng Tretogor có quy mô nhỏ và buồn tẻ, chẳng có gì đặc biệt ngoại trừ là nơi ở của hoàng gia và là nơi tổ chức một giải đua ngựa nổi tiếng là Grand Tretorian.

Thành phố nổi tiếng nhất của Redania có lẽ là Oxenfurt, nằm bên bờ Bắc sông Pontar, cách kinh đô 300 dặm. Oxenfurt là thành phố lớn nhất của vương quốc với học viện Oxenfurt trứ danh, nơi học tập của hàng ngàn học giả, sinh viên, điểm đến của những nghệ sĩ và những khách bộ hành, nơi chốn sầm uất với hàng trăm cửa hàng cửa hiệu vui vẻ đầy màu sắc.

Tuy không sở hữu Novigrad nhưng việc thành phố tự trị này nằm trong lãnh thổ Redania cũng giúp cho nền kinh tế của vương quốc được phát triển mạnh nhờ lưu lượng hàng hóa giao thương lớn nhất phương Bắc.

Người cai trị của Redania là vua Vizimir đã bị một sát thủ lai Elf ám sát ngay trước khi diễn ra cuộc chiến phương Bắc lần 2. Con trai của nhà vua, hoàng tử Radovid V vẫn còn là một đứa trẻ 12 tuổi không có tiếng nói, vì vậy, mọi quyền hành và quyết sách chính trị đều được quyết định bởi một hội đồng nhiếp chính do bá tước Sigismund Dijkstra – trưởng bộ phận mật vụ hoàng gia đứng đầu. Nhưng sớm thôi, hoàng tử Radovid V sẽ đủ trưởng thành để đòi lại quyền lực thật sự, thanh trừng những kẻ đã coi khinh ông cũng như trả thù những kẻ phải chịu trách nhiệm trước cái chết của cha mình. Và ông đã đi vào lịch sử với biệt danh vua Radovid Cứng Rắn.

Đế chế Nilfgaard

Nilfgaard-the-witcher

Được coi là vương quốc hùng mạnh bậc nhất nằm ở phía Nam Lục Địa và đóng vai trò như một quốc gia phản diện xuyên suốt bộ truyện, Nilfgaard luôn xuất hiện trong vai trò những kẻ xâm lăng hiếu chiến, với dã tâm không ngừng nghỉ trong việc thôn tính các vương quốc phương Bắc.

Không có nhiều thông tin chi tiết đề cập đến lịch sử hình thành và phát triển của Nilfgaard ngoại trừ việc những nhà khai quốc đã đặt nền móng cho vương quốc này tại lưu vực sông Alba ở phương Nam, sống lẫn với những tộc Elf nơi đây và dần dần đã hòa trộn văn hóa cũng như ngôn ngữ của họ.

Đã từng có thời, Nilfgaard xóa bỏ chế độ quân chủ. Vương quốc được lãnh đạo bởi một Hội đồng Thượng viện do các nguyên lão điều hành, có lẽ là quốc gia duy nhất ở Lục Địa trở thành một nước Cộng hòa. Tuy vậy, thể chế chính trị này cũng không tồn tại được lâu, gia tộc Emreis đã lật đổ Thượng viện, hoàng đế Torress var Emreis lên ngôi và đưa Nilfgaard trở lại chế độ quân chủ chuyên chế.

Là một quốc gia phương Nam với khí hậu ấm áp, Nilfgaard lấy hình ảnh Mặt Trời làm biểu trưng cho đế chế. Tôn giáo Mặt Trời Vĩ Đại cũng trở thành quốc giáo của đế chế này.
Nếu so sánh, có lẽ Nilfgaard có rất nhiều nét tương đồng với đế chế La Mã trong lịch sử. Nilfgaard có một thủ đô xa hoa được biết đến với cái tên Thành phố Tháp Vàng (mặc dù trên thực tế không phải tòa nhà nào ở đây cũng được xây bằng vàng như người ta đồn đại). Ở Nilfgaard, kinh tế và khoa học đều rất phát triển. Người dân có lối sống văn minh và tôn trọng bình đẳng giới hơn các quốc gia phương Bắc (mà người Nilfgaard vẫn luôn coi họ là lũ mọi rợ phương Bắc).

Nhờ kinh tế phát triển Nilfgaard cũng tập trung nâng cao sức mạnh quân sự. Được chỉ huy và huấn luyện bởi những vị nguyên soái tài năng, các lữ đoàn áo đen của Nilfgaard ( số quân chính quy trong giai đoạn cao điểm lên đến hơn 40.000 quân) đã gây ra nỗi ám ảnh kinh hoàng với phương Bắc. Đế chế Nilfgaard đã nhiều lần đem quân mở rộng lãnh thổ lên phía Bắc, thôn tính, sát nhập và biến hàng loạt các vương quốc trở thành chư hầu cũng như thuộc địa của mình như Nazair, Eibbing, Attre và Cintra… Thế nhưng, hoàng đế Nilfgaard vẫn chưa bao giờ thỏa mãn với dã tâm mở rộng lãnh thổ của mình, dẫn đến hai cuộc chiến phương Bắc nổi tiếng trong lịch sử của Lục Địa mà sẽ được nói kĩ hơn ở những bài viết sau.

Sư tử cái Cintra

Sư tử cái Cintra

Thuộc nhóm các vương quốc phương Bắc, lãnh thổ Cintra được tính từ bờ Nam của dòng Yaruga, phía Tây sát biển, phía Nam chỉ cách tỉnh Nazair của đế chế Nilfgaard bởi sông Manadal và rặng núi Amell.

Dưới thời trị vì của nữ hoàng Calanthe, Cintra trở thành một trong những vương quốc rất mạnh về quân sự, tiếc rằng cả vương quốc đã bị tiêu diệt trong chiến tranh phương Bắc lần 1 bởi “người hàng xóm” Nilfgaard, sau đó trở thành chư hầu của đế chế. Với vị trí đặc biệt quan trọng, trấn giữ bờ sông Yaruga và là “cửa ngõ” để đánh lên phương Bắc, không lạ gì khi Cintra trở thành vùng lãnh thổ bị tranh chấp sau khi nữ hoàng Calanthe qua đời và người thừa kế – công chúa Cirilla mất tích. Một trong những nguyên do dẫn đến chiến tranh phương Bắc lần 2 cũng chính bởi các vua phương Bắc muốn chiếm lại Cintra từ tay đế chế.

Vị vua đầu tiên của Cintra là Cerbin, trải đến thế hệ thứ 8 trị vì vương quốc là nữ hoàng Calanthe. Được nuôi dạy theo cách truyền thống của Cintra, cho dù là nữ giới, Calanthe cũng được đào tạo chiến đấu, cưỡi ngựa và săn bắn từ khi còn bé, như bất kể cô bé cậu bé nào trong vương quốc.Calanthe lên ngôi năm 14 tuổi sau khi cha bà là vua Dagorad qua đời. Một năm sau, trong trận Hochebuz, Calanthe lần đầu ra trận và đánh bại quân láng giềng Nazair. Kể từ đó, người ta gọi bà bằng biệt danh đầy kiêu hãnh: “Sư tử cái của Cintra” (quốc huy của Cintra là hình 3 con sư tử vàng trên nền xanh).
Bởi tính cách cương cường và ngạo nghễ, rất khó để tìm cho nữ hoàng Calanthe một tấm chồng vừa ý. Nữ hoàng dường như thích cưỡi ngựa thật hơn là… Cho đến khi những lời đồn về việc bà có quan hệ đồng giới với cô em họ – nữ hoàng Meve của Lyria thì Calanthe buộc phải lấy chồng để dập tắt những dị nghị. Vậy là nữ hoàng kết hôn với công tước Roegner xứ Salm, người đã chinh phục “Sư tử cái của Cintra” ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi vẻ ngoài anh tuấn.

Ở tuổi 35, Roegner qua đời bởi bệnh nặng. Ngai vàng quay trở lại với Calanthe. Lại có những tin đồn rằng vua Roegner có ý định đầu độc Calanthe để lấy một người vợ khác có thể đẻ con trai, nhưng nữ hoàng đã ra tay trước để chiếm lại quyền thừa kế. Điều này có thể chỉ là sự đồn thổi, nhưng ham muốn quyền lực của Calanthe thì là sự thật.

Khi công chúa Pavetta 15 tuổi, nữ hoàng lập hội kén rể cho con gái. Đây là một đám cưới mang đặc tính chính trị bởi mục tiêu của Calanthe đơn giản là liên kết với một đồng minh mạnh, Và bà hướng mong muốn của mình đến với những ứng cử viên đến từ quần đảo Skellige – quê hương của đám chiến binh thiện chiến và hoang dại.Buổi cầu hôn không diễn ra đúng theo kế hoạch của Calanthe, bà buộc phải chấp nhận gã Duny vô danh làm con rể bởi sự ràng buộc từ luật Bất Ngờ mà chồng bà năm xưa đã giao kèo với gã.

Theo luật lệ của Cintra, ngai vàng phải thuộc về nam giới. Thế nhưng Duny tuy đã được cho phép lấy công chúa Pavetta vẫn không được làm vua bởi nữ hoàng Calanthe (nhanh chóng đến bất ngờ) đã tuyên bố nhận lời cầu hôn của Eist Tuiseach – hiệp sĩ từ đảo Skellige từ trước đó. Rõ ràng, đây là một nước đi đầy khôn khéo của Calanthe giúp bà thực hiện được kế hoạch ban đầu – liên kết với một đồng minh mạnh, và việc đưa Eist lên làm vua của Cintra cũng giúp bà bảo toàn được ngai vàng, gã hiệp sĩ cục mịch yêu Calanthe say đắm đương nhiên sẽ để mọi quyền lực về tay nữ hoàng ngự trị trái tim ông ta rồi.

Quần đảo Skellige

Quần đảo Skellige

Skellige là tên gọi chung của một nhóm 7 hòn đảo tại vùng biển phía Tây Lục Địa, cách không xa vùng biển vương quốc Cintra. Nơi đây nổi tiếng là nơi sản sinh ra những chiến binh hải tặc dũng mãnh và những đội thuyền thần tốc, đã dong thuyền đi mọi nơi trên thế giới.

Nếu được so sánh, thì dân đảo Skellige không khác gì những chiến binh Viking trong lịch sử. Họ to khỏe, dũng mãnh, thô lỗ, ồn ào… nhưng cũng cực kì thẳng thắn và biết trọng danh dự. Thuở xưa, quần đảo Skellige cũng là nơi cư ngụ của những người Elf và một tộc người khổng lồ băng. Theo thời gian, con người dần xuất hiện và chiếm các đảo này làm nơi định cư. Mỗi một hòn đảo lại do một thị tộc cai quản. Có 7 thị tộc, tương ứng với 7 hòn đảo. Người đứng đầu được gọi là các Chúa Đảo. Các Chúa Đảo đều có quyền lực giới hạn trên hòn đảo họ cai quản mà thôi.

Thế rồi, đứng trước những mối đe dọa từ kẻ thù bên ngoài khi các vương quốc phương Bắc trong đất liền đang bành trướng mạnh mẽ, 7 thị tộc quyết định phải đoàn kết lại. Họ thống nhất bầu ra một vị vua đứng đầu cả quần đảo. Những vị vua hoặc nữ hoàng của Skellige không được duy trì theo hình thức cha truyền con nối mà sẽ được các thị tộc bỏ phiếu lựa chọn. Những cá nhân đủ tự tin hoàn toàn có thể tự ứng cử vào vị trí cao nhất đó. Các ứng cử viên sẽ phải trải qua những thử thách để chứng minh rằng mình xứng đáng. Là một vương quốc coi trọng chiến binh, đôi khi những vị vua hay nữ hoàng lại không có thực quyền và tầm quan trọng bằng những vị tướng chỉ huy cả hạm đội Skellige.

Không giống như các vương quốc khác, lối sống và cung cách hoàng gia của Skellige khá xuề xòa và đơn giản. Người dân đảo được sống tự do và thoải mái, không có quá nhiều khoảng cách giữa dân thường và những người cai trị. Tuy nghề nghiệp chính đem lại của cải cho Skellige là đánh bắt hải sản và cướp bóc trên biển, dọc bờ biển nhưng ở nơi đây cũng có đầy đủ các ngành nghề như thương nhân, thợ kim hoàn, giả kim… thậm chí còn có chi nhánh một ngân hàng lớn của người lùn.

Vì xuất thân là hải tặc nên Skellige có mối quan hệ không hề tốt với các vương quốc phương Bắc ngoại trừ vương quốc Cintra bởi cuộc hôn nhân của Eist Tuirseach và nữ hoàng Calanthe. Eist là một chiến binh nổi tiếng của Skellige, em trai của đức vua Bran Tuirseach. Ông là con người mạnh mẽ và kiêu hãnh, ấy vậy nhưng lại gục ngã trước “Sư tử cái của Cintra”. Trên thực tế Eist đã nhiều lần cầu hôn Calanthe nhưng đều bị bà khước từ, cho đến sự kiện lễ kén rể của công chúa Pavetta.Kết hôn với Calanthe giúp Eist trở thành vua chính thức của Cintra (mặc dù không nắm thực quyền), khiến Cintra và Skellige trở thành hai đồng minh khăng khít. Vài năm sau, ông cũng trở thành vua của Skellige khi vua Bran qua đời.

Vua Eist Tuirseach tử trận trong trận đánh ở đèo Manardal nhằm ngăn quân Nilfgaard xâm lược Cintra. Sau cái chết của ông và nữ hoàng Calanthe, các chiến binh Skellige chấp nhận liên minh với các vương quốc phương Bắc khác để tiêu diệt kẻ thù chung – đế chế Nilfgaard. Để báo thù, các hạm đội hải tặc Skellige vẫn thường xuyên đánh phá các thành phố ven biển của đế chế.

Kovir và Poviss

Kovir và Poviss

Kovir và Poviss, hay vẫn được gọi tắt là Kovir, là một vương quốc ở tít vùng cực Bắc của Lục Địa. Tọa lạc tại vùng đất hẻo lánh, lạnh giá quanh năm, Kovir chẳng có gì nổi bật và thú vị đối với các vương quốc khác ở phía Nam. Vùng đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” toàn đồi núi này trong mắt người phương Bắc là một nơi nghèo nàn và thảm hại. Rất nhiều câu thành ngữ đã được sáng tạo, ví dụ như :”Nghèo hơn cả một con chuột ở Kovir”, hoặc khi muốn nguyền rủa ai “Cút xuống địa ngục đi”, thì người ta nói: “Biến lên Kovir đi” để chỉ sự thờ ơ của phương Bắc với vùng đất này.

Trong lịch sử, Kovir vốn thuộc về lãnh thổ vương quốc Redania. Đức vua Radovid I lúc bấy giờ có một ông em là bá tước Troyden. Hai người thuộc loại anh em cây khế, đức vua chỉ nghĩ đến việc phải ngày ngày nhìn mặt thằng em mình là đã chán lắm rồi. Vậy là vua Radovid quyết định giao cả vùng đất xa xôi Kovir cho Troyden. Theo tuyên bố của nhà vua, Kovir là chư hầu của Redania nhưng sẽ không bao giờ phải đóng thuế hay cống phẩm, không bao giờ phải sang triều kiến hay hỗ trợ Redania, cũng như Redania sẽ không bao giờ can thiệp vào vấn đề thừa kế hay chính trị ở Kovir, chỉ với một mong muốn duy nhất, ông em Troyden thân yêu đừng bao giờ quay về quê nhà nữa.

Người ta vẫn nói rằng, của cải của Kovir chẳng có gì ngoài cát và biển. Và thế là các nhà máy muối được thành lập và chẳng mấy chốc Kovir đã độc chiếm gần như hoàn toàn thị trường muối và thủy tinh ở phương Bắc. Các nhà địa chất thì tin rằng, thiên nhiên vốn dĩ cân bằng, nếu mặt đất mà nghèo nàn xơ xác, thì ắt hẳn dưới lòng đất phải vô cùng trù phú. Vậy là cánh thợ mỏ kéo lên Kovir, và hóa ra, khi đào dưới đất lên, họ phát hiện Kovir là một mỏ vàng khổng lồ. Tính ra, đây là vùng đất chứa hơn 80% lượng vàng của thế giới, cùng vô vàn các mỏ đá quý và kim loại khác. Ngành khai thác khoáng sản của Kovir nhanh chóng vượt mặt các vương quốc khác, ngay đến quê hương của Người Lùn nổi tiếng về luyện kim như Mahakam cũng phải nhập khẩu kim loại từ Kovir.

Tiếp sau cánh thợ mỏ là các thương nhân có tầm nhìn xa, những nhà khoa học và pháp sư bất mãn với xã hội, những nông dân mong mỏi tìm được miền đất hứa, những kẻ tìm kiếm một cuộc phiêu lưu… Vậy là dân phương Bắc rủ nhau lũ lượt di cư lên Kovir lập nghiệp. Chẳng mấy chốc, Kovir và Poviss đã trở thành một trung tâm giao thương với cả thế giới.

Đến lúc này, đức vua Radovid III, hậu duệ của Radovid I mới cảm thấy có gì không ổn. Tại sao Kovir làm ăn phát đạt như thế mà Redania lại không nhận được xu nào? Kovir là chư hầu của Redania cơ mà. Cơ hội đã đến, Redania (như mọi khi) lại có xung đột tranh chấp biên giới với Aedirn. Chiến tranh có thể xảy ratrong tương lai gần , vua Radovid III bắt các chư hầu phải đóng thuế chiến tranh, trong đó có cả Kovir. Đức vua lúc bấy giờ của Kovir là Gedovius thẳng thừng nói :”Đéo!”. Kovir từ trước đến nay vẫn luôn là một vương quốc độc lập, chẳng có chư hầu của bố con thằng nào.

Vậy là đến vua Radovid ra đòn bẩn. Ông đánh thuế cực nặng các mặt hàng đến từ Kovir, gây khó khăn cho lái buôn của xứ này. Xung đột trên tàu buôn ngoài biển, chiến hạm Kovir đánh chìm chiến hạm Redania. Nhà vua nghĩ thế là đã đến lúc phải dạy cho Kovir một bài học.

4.000 lính Redania vượt sông Braa đánh vào Kovir, trong khi đó quân viễn chinh của vương quốc Kaedwen cũng sẽ vượt núi, từ phía Đông đánh vào ăn hôi. Về quân lực, có lẽ Kovir không ăn lại được 2 nước lớn như Redania và Kaedwen, nhưng họ lại có nhiều tiền hơn. Kovir đã vung tiền một cách hào phóng cho 25.000 lính đánh thuê cực kì tinh nhuệ và chuyên nghiệp. Vậy là sau 1 tuần, chỉ còn khoảng 2.000 lính Redania sống sót chạy về. Vua Radovid III buộc phải ký một hiệp ước hòa bình với Kovir.

Hiệp ước Exeter được ký kết ngay tại thủ đô Lan Exeter của Kovir. Thành phố có hệ thống di chuyển trên kênh rạch không khác gì Venice của nước Ý vậy. Lần đầu đến nơi này, các đại sứ của Redania và Kaedwen đã phải ngỡ ngàng về độ phồn hoa của nó. Không ngoa khi nói rằng, đứng trước sự xa xỉ của Lan Exeter, các vị vua phương Bắc thấy mình không khác gì những kẻ quê mùa.

Cho đến ngày nay, khi quyền cai trị thuộc về gia tộc khác là Thyssen, Kovir vẫn giữ đúng tinh thần một quốc gia trung lập trong hiệp ước năm xưa. Họ chú trọng kinh doanh và không hỗ trợ người hay của cho bất cứ cuộc chiến nào. Tuy nhiên, trong chiến tranh phương Bắc lần 2, vua Esterad – một con người khôn ngoan, đã bí mật cho Redania vay tiền cũng như viện trợ cho nước này một đội quân gồm toàn… tội phạm tử hình, những kẻ đầu trộm đuôi cướp trong trại giam mà nhà vua muốn tống khứ đi từ lâu.

Hội Pháp sư, trong kế hoạch tương lai của mình, cũng muốn sắp đặt cho Ciri trở thành vợ của hoàng tử xứ Kovir. Có lẽ đối với họ, vương quốc này xứng đáng là nơi đứa trẻ mang dòng máu cổ xưa sinh ra đứa con cứu tinh của thế giới.

Toussaint

Toussaint

Nếu như có một nơi thực sự gọi là thiên đường ở Lục Địa, có lẽ đó là xứ Tousssaint – xứ sở của những chai rượu vang chất lượng tuyệt hảo được ưa chuộng từ Bắc đến Nam.

Toussaint là vùng lãnh thổ nằm ở phương Nam, nằm ở phía Đông Bắc của đế chế Nilfgaard. Tuy gần sát bên một Nilfgaard đầy tham vọng như thế nhưng Toussaint chưa bao giờ bị xâm phạm. Trên thực tế, trong suốt 2 cuộc chiến tranh lớn ở Lục Địa, ngoàii xứ Kovir xa xôi ở tít phương Bắc (do xa quá chiến tranh không lan tới), thì Toussaint là vùng lãnh thổ duy nhất không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.Nguyên do một phần bởi địa thế khép kín của mình, được bao bọc xung quanh bởi hàng loạt các dãy núi lớn mà chỉ có thể đi vào qua những đường đèo hiểm trở và một phần, bởi người trị vì xứ này là công nương Anna Henrietta em họ của hoàng đế Emhyr. Để chiều lòng cô em đỏng đảnh, hoàng đế Nilfgaard đã ra sắc lệnh cấm quân đội không được tự ý xâm phạm vào Toussaint.

Tuy Toussaint không có quân đội nhưng không có nghĩa là những kẻ tham lam có thể mặc sức đến cướp phá. Một đội ngũ đông đảo những hiệp sĩ và quý tộc dũng cảm của Toussaint vẫn tình nguyện lên ngựa, mặc giáp và bảo vệ vùng biên giới, tiêu diệt bất cứ thế lực nào muốn xâm phạm mảnh đất tươi đẹp này.

Bạn hãy nghĩ đến nước Pháp của thế kỷ 19 để có thể tưởng tượng ra xứ Toussaint và lý do tại sao nó lại là thiên đường ở Lục Địa. Bầu trời trong xanh, cây cỏ tươi tốt, những nông trại nho đem đến loại rượu vang cực phẩm, những lâu đài xa hoa, những dạ hội hào nhoáng, những quý công nương xinh đẹp yêu kiều bên cạnh những trang hiệp sĩ kiêu hãnh cùng những cuộc ngoại tình vụng trộm đầy thi vị… có lẽ chẳng một nơi nào có thể giúp con người hưởng thụ được như thế ở Lục Địa.
Nhóm bạn của Geralt cũng đã có một khoảng thời gian đáng nhớ ở xứ sở rượu nho này.
Thật may mắn làm sao, khi anh chàng nhạc công Dandelion lại từng có quan hệ tình cảm với nữ công tước Henrietta, và còn may mắn hơn, chồng của nàng – công tước Raymund – người rất khao khát được treo cổ Dandelion 100 lần, đã qua đời về bệnh tật và để lại quyền trị vì cho vợ mình. Dandelion ngay lập tức trở thành tử tước Julian, còn đám bạn của anh chàng thì được tiếp đãi như những ông hoàng. Geralt thì kiếm được cả đống hợp đồng giết quái vật ở đây bởi lẽ đơn giản các hiệp sĩ xứ này thấy việc đi giết quái không có gì vẻ vang và kiêu hãnh cho lắm. Witcher thậm chí đã kiếm được một khoản kha khá và phải lập một tài khoản ngân hàng ở đây.

Có lẽ, vấn đề duy nhất của thiên đường trong mơ này đó là tính nết mưa nắng thất thường của người cai trị – công nương Henrietta. Một lời nói bất cẩn hay một hành động không chiều theo ý muốn của nữ điện hạ cũng có thể khiến một người bị thất sủng và bị đem giam vào tòa tháp.
Anh chàng Dandelion trước đó còn là “con thú cưng” được rất mực nuông chiều của Henrietta, phút chốc suýt nữa đã bị đem ra treo cổ vì dám thả thính với người phụ nữ khác. Cho dù vậy, vẫn không thể không công nhận, dưới sự trị vì của Henrietta, Toussaint vẫn là vùng đất thanh bình và trù phú bậc nhất ở Lục Địa, trái ngược với thảm cảnh chiến tranh diễn ra xung quanh.