Bà Chúa Xứ hay Nguyên Nhung Thánh Mẫu

0
348

Bà Chúa Xứ hay Nguyên Nhung Thánh Mẫu

Bà Chúa Xứ còn được gọi là Thánh Mẫu nương nương, có một sự tích rất là huyền bí và mầu nhiệm. Theo đồng bào địa phương, tượng Bà trước kia ngự trên đỉnh núi Sam, gần Pháo Đài, nơi đây ngày nay chỉ còn hai Vết lõm lớn trên bệ đá xanh. Vùng này trước thuộc Thủy Chân Lạp, những năm 1820 – 1825, quân Xiêm thường xuyên quấy nhiễu nước ta. Lên đến đỉnh núi Sam thì gặp tượng Bà, họ định tâm ăn cắp nên cùng nhau cạy ra muốn khiêng xuống núi, nhưng họ khiêng không nổi vì bỗng nhiên tượng Bà trở nên nặng vô cùng. Khiêng đi không được. Một tên trong đó tức giận làm gãy cánh tay trái của Bà, ngay lập tức hắn bị Bà trừng phạt. Từ đó, Bà thường hiện về tự xưng là Bà Chúa Xứ dạy dân cách lập miếu thờ để Bà phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp, thoát khỏi dịch bệnh.

Sau này khi người Việt Nam tới làm chủ vùng này, dân cư lập thôn xóm ở rải rác chung quanh chân núi. Một ngày kia dân làng gặp thấy tượng Bà ở giữa rừng, bèn họp nhau định khiêng về lập miếu thờ cúng, nhưng bao nhiều người cũng không sao xê dịch nơi. Dân làng bèn cầu khấn, được Bà nhập đồng vào một người đàn bà tu hành, tự xưng là Bà chúa của xứ này và phong cho dân làng dùng bốn chục nữ đồng trinh tắm rửa sạch sẽ, Bà sẽ cho phép khiêng tượng Bà về thờ (có tích nói là 9 cô gái đồng trinh).

Dân làng làm đúng theo lời Bà phong, quả nhiên bốn mươi nữ đồng trinh khênh được tượng Bà từ triền núi xuống tới chân núi, nơi hiện nay có miếu Bà. Tượng Bà khiêng tới đây bỗng nhiên trì xuống không xê dịch nữa. Các quan viên kỳ lão cho rằng Bà Chúa Xứ đã chọn nơi đây để an ngự, do đó miếu Bà được đựng nên tại chỗ.

Theo lời các cụ phong lại, dưới thời vua Minh Mạng, khi Thoại Ngọc Hầu đến trấn giữ vùng này, gặp lúc quân Miên kéo sang quấy rối không ngớt, Thoại Ngọc Hầu phu nhân thường đến khấn lễ Bà Chúa Xứ để xin phù hộ cho chồng bà dẹp được giặc, tái lập cảnh an cư cho dân làng, và lời cầu nguyện của phu nhân đã thực hiện, Bà Chúa Xứ đã giúp Thoại Ngọc Hầu phá tan giặc Miên.

Để tạ ơn Bà, Thoại Ngọc Hầu phu nhân đã cho xây cất lại miếu, và nhân dịp này mở đại lễ linh đình trong ba ngày liền 24, 25 và 26 tháng Tư âm lịch. Từ đó về sau thành lệ, hàng năm dân làng cúng lễ Vía Bà từ 23 đến 27 tháng Tư.

Sự Linh Ứng:
Theo lời các bô lão địa phương thuật lại, Bà Chúa Xứ đã hiển linh nhiều lần. Một lần quân Xiêm sang quấy phá vùng Cháu Phú, một tên giặc đã làm gãy cánh tay Bà, liền bị bẻ cổ hộc máu chết tươi. Lại có một lần, một tên kẻ trộm lên vào miếu Bà gỡ sợi dây chuyền vàng nơi cổ Bà, Đà liền bẻ tay và hành tội đi trồng cây chuối kêu la thất thanh.

Theo dân chúng quanh vùng núi Sam, tượng Bà mỗi ngày một lớn dần. Trước kia, tượng Bà nhìn thẳng ra đường, nhưng vì dân chúng qua lại miếu Bà, nhiều người vô ý không ngả nón chào, Bà cho là Vô lễ. Bà nhập đồng báo cho dân làng và yêu cầu dân làng hướng tượng Bà về phía trong, lưng xoay ra ngoài. Tượng bà đã đổi hướng. Nhiều lần Bà nhập đồng chữa bệnh, và bệnh nhân mắc các chứng nan y đã được Bà chữa khỏi.

Lễ hội:
Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được công nhận là lễ hội cấp quốc gia, sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận “Ngôi miếu lớn nhất Việt Nam” và “Tượng bà bằng đá sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam. Tương truyền lúc đầu miếu bà làm bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng, quay lưng về núi Sam. Về sau miếu dần được sửa chữa và mở rộng quy mô. Đây là một di tích nổi tiếng ở khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm thu hút gần 2 triệu lượt người đến cúng bái, số tiền khách thập phương hỷ cúng tại miếu mỗi năm lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhiều dự án giao thông, trường học, trạm cấp nước phục vụ cho dân làng Vĩnh Tế đã được xây dựng từ nguồn tiền này. Ngày nay, cứ đến dịp lễ người ta phục dựng lại cảnh rước bà từ nơi đỉnh núi Sam ngay đúng nơi bà ngự ngày xưa về miếu bà, những cô gái đồng trinh cũng được chọn lựa để thực hiện nghi lễ, ngoài ra còn có nghi lễ tắm bà, phát lộc, lễ thinh sắc, các trò diễn, hát bội, múa võ, nhạc ngũ âm,…

Nguồn gốc:

Có tích cho rằng: Hoàng tử Ấn Độ khi đi tìm lãnh địa mới, lập ra đế chế Phù Nam, đã dùng thuyền cập vào Núi Sam, khi núi này còn là hòn đảo đá ngập phần chân ở dưới nước biển, đưa pho tượng đem từ Ấn Độ sang đặt trên núi để đánh dấu chủ quyền. Núi Sam cao 284m, dài 2 Km, chu vi 5.200m. Tượng được đặt vững vàng trên một bệ đá này với chiều ngang 1,62m, dày 0,30m, kích thướt vừa khít khao với pho tượng.

Như vậy thực chất, tượng Bà vốn là một pho tượng đá, thể hiện dáng hình một người đàn ông trong tư thế ngồi, chân trái của tượng xếp bằng tròn, mũi bàn chân giáp với chân phải; chân phải để gập, co gối, chống thẳng bàn chân xuống mặt bệ đá. Tay trái của tượng ở tư thế chống nạnh, bàn tay xoải xuống mặt bệ đá, phía sau đùi trái. Tay phải tượng thả tự nhiên, bàn tay úp trên đầu gối phải. Tóc tượng uốn thành những búp xoăn, thả về phía sau. Trên mặt tượng có một vành ngấn, là nơi đặt mão lên đầu tượng. Trên cánh tay để trần của tượng có một vành đai, giống như cái vòng đeo tay. Toàn bộ dáng hình của pho tượng là dáng hình một người đàn ông tràn đầy sức sống, với bộ ngực căng nở và chiếc bụng phệ. Trên ngực của tượng có một vành đai như vòng kiềng, trước ngực là hình mảnh trăng lưỡi liềm khá rộng. Toàn bộ pho tượng cao chừng 1,25 m, được tạc liền một thớt đá cùng loại, với bệ tượng dày chừng 10 cm. Về trang phục, tượng được tạc trong tư thế đang vận một chiếc khố. Ở bắp cánh tay, gần bả vai của tượng, sát nách, nổi cộm một vòng đai có hình dạng như một chiếc vòng đeo tay. Ở cổ tượng nổi cộm một vòng đai hình vòng kiềng, chỗ vòng nằm ngay ngực khá to, hình lưỡi liềm, có lẽ là một thứ vòng đeo cổ xưa. Người ta cho rằng đây chính là pho tượng thần Shiva của người Chăm bỏ lại trong quá trình di dân, về sau người Việt điểm tô lại gương mặt theo hướng nữ tính gọi là “Bà”, phần thân được giấu trong lớp áo bào của bà là một tảng đá thoạt nhìn không rõ hình dáng.