Đức Thánh Trần

0
1291

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là vị danh tướng nhà Trần, lập nhiều chiến công hiển hách qua hai lần tiêu diệt quân Mông Nguyên xâm lược Đại Việt. Ngài mất vào năm 1300, dân kính ngưỡng tôn thờ gọi là Đức Thánh Trần. Ngài là hình tượng trung tâm của dòng tín ngưỡng Đức Thánh Trần rất phổ biến trong tâm thức người Việt; dân gian kể về Ngài qua những thần tích truyền thuyết kì ảo lạ thường.

Người ta thường nhắc tới truyền thuyết về Đức Thánh Trần diệt giặc Phạm Nhan. Kể rằng thời xưa ở Đông Triều (Quảng Ninh), Tản Viên Sơn Thánh thấy luồng khói trắng bay từ núi Tây hóa thành tinh thuồng luồng xuống nhà người đàn bà nọ tư thông, nghĩ bụng ắt hẳn kẻ đó là ác quỷ đầu thai sẽ gây họa nhân gian. Bèn đem chuyện lên tâu với Ngọc Hoàng, Ngọc Đế hỏi văn võ bá quan thì có Thanh Tiên Đồng Tử tình nguyện hạ phàm giúp dân giúp nước. Ngọc Đế ưng thuận sai ban thần kiếm, cờ ấn, tam tài của Lão Tử, ngũ bảo của Thái Công rồi truyền Kim Đồng Ngọc Nữ hộ giá xe mây xuống nước Nam hạ phàm.

Đời nhà Trần bấy giờ, có An Sinh Vương phu nhân, chồng là Trần Liễu anh ruột vua Trần Thái Tông, đêm đến nằm mộng thấy vị thiên thần tinh vàng tướng ngọc, tự xưng là Thanh Tiên Đồng Tử, theo lệnh Ngọc Hoàng xuống đầu thai. Vương Mẫu cấn thai, đến lúc lâm bồn có hào quang toả sáng rực cả nhà, hương thơm ngào ngạt, hạ sinh một cậu bé khôi ngô tuấn tú đặt tên là Trần Quốc Tuấn. Mới một tuổi Quốc Tuấn đã biết nói, sáu tuổi học hết kinh thư, biết nghĩ ra thế trận khôn lường. Cha ông là Trần Liễu biết con có tài thiên bẩm nên luôn rèn đúc để sau này con hay văn, giỏi võ.

Nhiều năm sau, đứa trẻ con của thuồng luồng tinh năm nào đã lớn. Hắn chính là Phạm Nhan, tên húy Bá Linh, người cha đổ vỏ là khách buôn tỉnh Quảng Đông, mẹ là người làng An Bài, Quảng Ninh. Hắn đậu tiến sĩ triều Nguyên, giỏi thuật phù thuỷ, thường lén vào hậu cung làm sự bất chính, bị bắt được, sắp đem đi chém nhưng vừa gặp lúc nhà Nguyên qua xâm lược nước ta nên Bá Linh tình nguyện xin theo dẫn đường để chuộc tội. Nhà Nguyên thuận cho, tha bổng. Hưng Đạo Vương giúp vua Trần hai lần đánh bại giặc Nguyên. Trong lần thứ ba, Hưng Đạo Vương đụng độ Bá Linh. Hắn dùng âm binh, hô mưa gọi gió khiến quân ta thất thủ. Ngài lại sai Yết Kiêu đi đục thuyền để bắt hắn, nhưng cứ bắt được thì nó lại biến mất, xuất quỷ nhập thần không ai đánh nổi. Tàn trận, hắn vào quán cơm nghỉ ngơi, thì gặp bà hàng cơm, vốn là mật thám của Hưng Đạo Vương cài ở ven đường. Bà ta chuốc hắn say rồi gạ hắn khoe khoang: “Ta có năm phép thần thông, muốn bắt được ta phải dùng chỉ ngũ sắc, muốn chém được ta phải lấy phan gà, vôi tôi và bồ hóng bôi lên lưỡi kiếm”. Bà bèn cấp tốc báo tin cho Hưng Đạo Vương để Ngài ban cho Yết Kiêu chỉ ngũ sắc bắt trói hắn lại ngay trong thủy trận Bạch Đằng, rồi sai quân đem chém đầu ở làng An Bài. Lạ thay, quân sĩ chém đầu này, hắn lại mọc đầu khác, phải đến Hưng Đạo Vương mang Phi Thần Kiếm bôi phân gà, vôi tôi, bồ hóng ra chém mới đứt hẳn. Trước khi chém hắn bỗng thèm ăn, có hỏi Vương rằng:

– Bây giờ Vương cho tôi ăn gì?

Vương cả giận bảo rằng:

– Cho ngươi ăn sản huyết của đàn bà.

Vương thấy thần gươm nhơ bẩn bởi máu giặc giã và cả máu quỷ thần, bèn tiếc nuối vứt gươm xuống sông Lục Đầu để gột rửa vết nhơ, tại nơi đó hiện ra một bãi bồi hình thanh kiếm. Bà chủ quán hàng cơm được vua Trần phong là Thiên Hương Ngọc Trịnh công chúa, sau dân lập nghè thờ ngay tại quán cơm cũ của bà. Còn Bá Linh chết hồn phách về thủy phủ khóc lóc với cha đẻ là Long Vương (chính là thuồng luồng tinh năm nào). Long Vương thương tình dùng phép biến hắn thành ba con quỷ Nguyễn Ngông, Nguyễn Nghênh và Nguyễn Bá Linh, gọi chung là quỷ Phạm Nhan thường trêu ghẹo đàn bà, giở trò quỷ quái. Phạm Nhan còn có sở thích hút máu sản phụ. Hắn thường bám theo sản phụ và hút máu họ khiến sản phụ mê man bất tỉnh, thuốc men không thể chữa được. Người nhà phải đến cầu đảo Đức Thánh Trần xin Ngài giáng hiện ban phép trừ tà ma trị bệnh. Có giai thoại còn kể Bá Linh xin Vương hãy chém thây hắn thành ba mảnh vứt ba nơi. Mảnh vứt xuống sông hóa thành con đỉa, mảnh vứt lên bờ hóa thành muỗi, mảnh vứt lên rừng hóa thành vắt, chung chung cũng chính là quỷ Phạm Nhan hút máu dân lành.

Hậu thế của Hưng Đạo Vương có bốn người con trai (Tứ Vị Vương Tử) và hai người con gái (Nhị Vị Vương Cô) đều góp công lao đánh giặc Nguyên. Gia quyến Hưng Đạo Vương còn có những vị tướng tài, trong đó có vương tế Phạm Ngũ Lão (Đức Thánh Phạm Điện Súy hay Phù Ủng Đại Vương) cùng hai vị gia tướng rất mực trung thành Dã Tượng và Yết Kiêu. Đức Ông là người một lòng vì nước vì dân, vì nghĩa lớn mà quên đi mối thù nhà, không nghe lời cha giành lại ngai vàng từ tay vua Trần, vậy nên được vua Trần nể trọng, tin tưởng, thường hỏi ý kiến ông những việc quốc gia đại sự. Ngài lui về Kiếp Bạc rồi mất ngày 20 tháng 8 âm lịch, thác hóa về trời được Thiên đình sắc phong Cửu Thiên Vũ Đế, mang sứ mệnh tiêu diệt yêu ma tà đạo trong tam giới. Hai vị Dã Tượng, Yết Kiêu cũng được suy tôn là Nam Tào, Bắc Đẩu tiếp tục hầu cận bên Ngài. Dân gian rất mực tôn thờ đức anh linh của Ngài cùng gia quyến, dựng đền thờ khắp nơi chiêm bái cầu đảo, trở thành dòng tín ngưỡng Đức Thánh Trần phổ biến khắp nước ta.

Đức Ông Trần Triều hiếm khi về ngự đồng vì bóng Đức Ông khá nặng, không phải thanh đồng nào cũng có khả năng đội lệnh, chỉ khi có đại sự, chứng đàn mới hầu giá Đức Ông. Khi ngự đồng, ông mặc áo đỏ, thêu rồng và hổ phù, làm phép sát quỷ trừ tà. Ngày giỗ Ông chính là tục “tháng Tám giỗ Cha” của dân tộc Việt.

Cre: Fanpage Epic