Ông Lộc Cộc Bà Tồ Cô và bầy con gái

0
1216

Giống như những huyền thoại về ông Đùng bà Đà, ông Tứ Tượng bà Nữ Oa, ở vùng Bắc Ninh cũng có câu chuyện về cặp thần nam nữ khổng lồ thuở khởi nguyên, gọi là ông Lộc Cộc bà Tồ Cô. Hai ông bà cao lớn, đầu đội trời chân lún thủng cả đất, để lại những dấu chân khổng lồ khắp nơi khắp chốn. Họ là một cặp vợ chồng mẫu mực, hạnh phúc chan hòa tạo ra mưa gió tưới tắm cho cây cối. Cũng có khi cãi vã, hai ông bà chớp mắt sáng lóe, tiếng nói ầm ầm như trống dội, hắt hơi thành giông gió, thổi mạnh thành bão táp ập xuống nhân gian. Những lúc hòa thuận, ông bà lại cùng nhau tạo hình núi non, sông suối bằng những bàn tay, bàn chân khổng lồ. Rồi bà Tồ Cô có mang, đẻ ra một bọc trứng bên bờ sông Đuống. Từ bọc trứng nở ra 12 người con gái xinh đẹp. Các cô gái chia nhau chu du khắp bốn phương dạy dân chúng nghề nghiệp, nhiều cô được tôn làm các vua bà, tổ nghề của một vùng. Còn bà Tồ Cô, tương truyền đẻ xong bà trút hết quần áo nằm khỏa thân và hóa thành núi Nguyệt Hằng ở Tiên Du, Bắc Ninh ngày nay.

 Vua Bà Nhữ Nương – Tổ nghề Quan họ

Trong những người con gái của ông Lộc Cộc bà Tồ Cô có nàng Nhữ Nương, không xinh đẹp như các chị em mà lại nhỏ thó, đen đúa. Bù lại, nàng được trời phú cho một giọng hát ấm áp mê đắm lòng người. Đi đến vùng Viêm Xá, bà cùng những người nông dân múa hát vui vẻ khiến phe nhà giàu ghen tức, đòi tổ chức cuộc thi hát. Thế là bà hát đối đáp với một thiên kim tiểu thư, lời hát châm chọc ngoa ngoắt khiến nàng ta đực mặt. Đêm sau, bà cùng các bạn gái hát giao duyên với ba anh con trai bí ẩn bên bờ sông. Phe “liền chị” hát thi với phe “liền anh” chín đêm liền. Đến cuối đêm thứ chín những người đi theo đã mệt nhoài. Chỉ còn Nhữ Nương và một trong ba chàng trai. Cuối cùng, Nhữ Nương chủ động dừng hát, và chàng trai thổ lộ rằng chàng chính là con út vua Thủy tề, vì nghe tiếng hát của nàng si mê mà lên bờ xin được kết duyên. Nhữ Nương đồng ý kết đôi với con vua Thủy tề. Bà được dân chúng tôn làm Vua Bà, thủy tổ làng Quan họ.

(Có thần tích khác lại kể Nhữ Nương vốn là con gái Hùng Vương thứ 6, không ưng chàng rể nào nên xin vua cha cho đi chu du thiên hạ. Bà tới Viêm Xá dạy người dân hát đối đáp giao duyên và cũng được tôn làm Vua Bà).

Bà Chóa – Tổ nghề Dâu tằm

Tương truyền, bà cũng là con của Lộc Cộc Tồ Cô, bà đi đến vùng sông Cầu thì dừng lại, có ý dạy dân chúng trồng dâu tằm làm ăn, nhưng bị người dân chế nhạo, xua đuổi. Một lần đi dọc triền sông, vô tình bà ướm phải vết chân lạ. Đột nhiên nước dềnh lên, cuốn bà tới thủy cung gặp con cả vua Thủy tề. Chàng ngỏ lời nhớ thương bà và xin được kết duyên. Bà đồng ý và sống cùng chàng nhiều tháng trời. Nhưng rồi nhớ nhân gian, bà xin chồng cho trở lại thăm quê. Vừa trở về mặt đất bà lại mang thai, đẻ ra hai quả trứng, trứng nở ra hai con rắn, khiến dân làng ngày một miệt thị ba mẹ con. Bà thương yêu hai rắn con mặc cho những lời đàm tiếu, hàng ngày cùng chúng trồng dâu phủ kín bãi hoang rồi nuôi tằm kéo tơ đặt lên khung cửi. Một lần bà vô tình dẫm phải đuôi một đứa rắn con khiến nó quẫy mạnh đứt rời cả đuôi. Rắn Cộc dâng đuôi mình lên mẹ, để mẹ làm con thoi xe sợi. Vậy là bà dệt nên những tấm lụa óng ả như ánh mặt trời, khiến dân làng ngỡ ngàng thán phục, đến tạ lỗi với bà. Hai đứa con Dài và Cộc cũng hóa thành hai chàng thanh niên tuấn tú, còn bà Chóa được tôn làm Bà Chúa Dâu Tằm, thờ ở đền Chóa, Yên Phong, Bắc Ninh ngày nay.

 Bà Chúa Vĩnh

Một người con gái khác là Bà Chúa Vĩnh. Các chị em rời đi xa, riêng bà quanh quẩn ở Phật Tích cho gần mẹ. Bà dạy dân chúng cách cày cấy, bón phân, lại có tài chữa bệnh bằng lá thuốc, nên rất được nhân dân trọng vọng. Có lần một con Hổ xông cả vào nhà bà, ra hiệu nhờ bà đến đỡ đẻ cho vợ nó. Bà Vĩnh đỡ đẻ cho Hổ, nên được Hổ biết ơn, dăm bữa nửa tháng lại mang lợn đến biếu bà, rồi bà lại chia cho cả làng cùng ăn. Lần khác, Hổ cho bà Vĩnh cưỡi lên mình lên núi Nguyệt Hằng. Khi trở về, bà chúa Vĩnh ngồi trên lưng Hổ, tay mang theo hai dải yếm đào thần diệu, thả bay đến đâu thì rừng rậm, đầm lầy u tối biến mất, thay bằng đồng ruộng tốt tươi cho dân tha hồ canh tác. Không ai biết hai dải yếm đào ấy từ đâu ra, có người nói bà chúa được tiên ban cho. Có người lại nói đó là món quà của bà Tồ Cô – người mẹ đã hóa thành núi Nguyệt Hằng tặng cho người con hiếu thảo.