Vùng Thanh Hóa có khá nhiều câu chuyện về những hình tượng thần khổng lồ, được lưu truyền trong dân gian: thần Đồng Cổ, thần Độc Cước, thần Vồm, thần Nưa… Hình tượng những người khổng lồ đó, có thể đại diện cho nhận thức về vũ trụ, vừa là mẫu hình lí tưởng, là ước mơ vĩ đại thay quyền tạo hóa của người dân xứ Thanh thời Thượng cổ.
Thần Đồng Cổ ngự ở vùng núi Khả Lao. Có tich kể là thần từng hiển linh từ thời Hùng Vương đánh giặc, nên được vua cho đúc trống đồng tạ ơn thần và phong làm Đồng Cổ Đại Vương.
Nhưng thần tích quan trọng nhất về ngài nằm được chép lại trong “Việt điện u linh tập”, rằng khi xưa Thái tử Lý Phật Mã (chính là vua Lý Thái Tông sau này) theo lệnh vua cha Lý Thái Tổ đi đánh quân Chiêm Thành. Đến Trường Châu nghỉ lại, giữa canh ba có vị thần cao lớn kỳ dị, thân dài tám thước, râu cứng, mặc giáp, tự xưng là thần Đồng Cổ tới báo mộng cho Thái tử: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin thái tử sang đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập chút công nhỏ”.
Thái tử tỉnh mộng, xung quanh không thấy ai. Quả nhiên lần đó được phù hộ cho thắng trận khải hoàn, Phật Mã trở lại Trường Châu làm lễ tạ ơn và xin được rước linh vị của thần Đồng Cổ về kinh đô thờ phụng để giữ nước hộ dân. Về đến Thăng Long, văn võ bá quan và các thầy phong thủy còn đang chọn đất lập đền thì ban đêm Thần lại báo mộng: “Xin lập đền ở bên hữu, trong Đại La thành, sau chùa Thánh Thọ”. Thái tử theo lời, cho hưng công xây dựng, nay là đền Đồng Cổ ở Thụy Khuê, Hà Nội.
Đến khi Thái Tổ mất, Thái Tông lên nối ngôi, đêm mộng thấy thần đến báo rằng: “Ba vị vương em vua mưu làm phản, định đem giáp binh đến, xin nhà vua nên kíp đề phòng!”. Vua thức dậy còn chưa tin, đến sáng mới thấy việc xảy ra đúng như lời thần báo. Vua bèn xuống chiếu phong thần làm “Thiên hạ minh chủ, gia tước đại vương”, trở thành một trong những vị thần hộ quốc triều Lý.