Thần Kim Quy

0
910

Thần Kim Quy, tức rùa vàng, là một biểu tượng thiêng liêng của người Việt khi đã hai lần hiển linh phò trợ vua và dân ta giữ nước. Ngài là sứ giả của Lạc Long Quân phái đem bảo khí tới giúp dân ta, như thể hàng ngàn năm qua Long Quân vẫn dõi theo bảo hộ cho dân Việt.

Lần đầu tiên, khi An Dương Vương xây thành, hễ xây lại đổ, thần đã hiện lên từ phương đông, tự xưng là sứ Thanh Giang tới giúp nhà vua. Kim Quy cho biết do con Bạch kê tinh và đám u hồn ở núi Thất Diệu mỗi đêm tới phá đổ thành. Bằng phép thần thông thiên biến vạn hóa, Kim Quy diệt Bạch kê tinh, từ đó thành xây nửa tháng là xong, rộng hơn ngàn trượng, xoáy trôn ốc, gọi là Loa thành. Trước khi về biển, thần Kim Quy trao cho An Dương Vương chiếc móng của thần và căn dặn: “Đem vật này làm lẫy nỏ, nhằm quân giặc mà bắn thì không lo gì nữa”. Vua sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt làm lẫy tạo ra Linh quang thần kim cơ, còn gọi là nỏ liên châu. Về sau Triệu Đà dẫn binh xâm lược, vua lấy nỏ thần ra bắn, một phát phóng ra hàng ngàn mũi tên, hết sức lợi hại. Triệu Đà thua lớn phải xin cầu hòa, rồi dùng “mỹ nam kế” xin gả con trai là Trọng Thủy cho con gái Mị Châu của An Dương Vương. Mặc cho quần thần can ngăn, An Dương Vương vẫn cả tin mà chấp thuận hôn ước.

Trọng Thủy dỗ Mị Châu cho xem nỏ thần, rồi ngầm lấy lẫy nỏ khác thay vuốt rùa vàng, âu cũng là chiêu thức đánh cắp bí mật quân sự của nước Âu Lạc. Đặng hắn nói dối là về thăm cha, còn hỏi Mị Châu nếu hai nước thất hòa, bắc nam ly biệt, ta lại tìm nàng thì lấy gì làm dấu. Mị Chau đáp rằng sẽ dứt lông áo lông ngỗng làm dấu mỗi ngã ba đường, có vậy mới cứu được nhau. 

Triệu Đà có được bí mật quân sự nước nam, liền sai chế nỏ thần rồi cử binh sang đánh. An Dương Vương cậy có nỏ thần chủ quan khinh địch, đợi quân Đà đến sát mới giương nỏ ra bắn. Bấy giờ mới biết lẫy nỏ bị đánh cắp, bèn đặt Mị Châu lên ngựa sau lưng rồi bỏ chạy. Trọng Thủy đuổi theo dấu lông ngỗng, vua chạy tới biển tại Diễn Châu thấy đường cùng bèn kêu lên: “Trời hại ta, sứ Thanh Giang ở đâu mau mau lại cứu”. Thần Kim Quy nổi lên hét lớn: “Kẻ ngồi sau lưng ngươi chính là giặc đó”. Vua bèn tuốt kiếm, Mị Châu khấn rằng: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối chết đi sẽ biến thành châu ngọc để tẩy sạch mối nhục thù”. Vua chém chết Mị Châu, máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu. Vua cầm sừng tê bảy tấc, cùng rùa vàng rẽ nước mà xuống bể. Trọng Thủy ôm xác vợ mà ân hận, đem về táng tại Loa thành, xác biến thành ngọc thạch. Thương tiếc khôn cùng, Trọng Thủy đi tắm tưởng thấy bóng dáng Mị Châu liền lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò ngọc biển Đông lấy nước giếng này mà rửa thì thấy trong sáng bội phần.

Lại kể tiếp, lần thứ hai thần Kim Quy hiển linh dưới thời Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn chống lại ách đô hộ của nhà Minh. Thuở đầu dấy binh non yếu, nghĩa quân nhiều lần bị thua. Thấy vậy, đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để đánh giặc.

Ở Thanh Hóa có chàng đánh cá Lê Thận quăng lưới bắt được một thanh sắt. Chàng quẳng nó đi, nhưng hai lần sau vẫn thanh sắt đó mắc vào lưới. Nhìn kĩ hóa ra là một lưỡi gươm, bèn nhặt mang về nhà. Lê Thận về sau gia nhập hàng ngũ quân khởi nghĩa Lam Sơn, vì hăng hái dũng cảm mà được chủ tướng Lê Lợi tín nhiệm. Một hôm Lê Lợi tới nhà Thận chơi, thấy thanh sắt lạ sáng rực, cầm lên xem thấy hai chữ “Thuận Thiên”. Song không biết là báu vật đành bỏ qua.

Một hôm bị giặc đuổi, Lê Lợi và các tướng rút chạy mỗi người một ngả. Bỗng thấy ánh sáng la trên cây đa, Lê Lợi trèo lên thấy cái chuôi gươm nạm ngọc. Trở về đem ráp với lưỡi gươm của Lê Thận thì vừa như in. Nhờ “Thuận Thiên Kiếm”, tức thanh gươm thuận ý trời, đoàn quân của Lê Lợi tung hoành đánh đuổi giặc Minh khỏi bờ cõi.

Một năm sau khi đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi bấy giờ đã làm vua cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng. Bỗng thần Kim Quy hiện lên từ mặt nước và nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân”. Vua nâng gươm về phía rùa vàng, nhanh như cắt thần há miệng đớp lấy thanh gươm và lặn xuống. Từ ấy hồ Tả Vọng được gọi tên là hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.

Rùa cũng là một trong Tứ linh (Long Ly Quy Phụng), âu cũng không lạ khi vị thần rùa vàng lại mang ý nghĩa quan trọng như thế trong huyền sử của nước Việt. Do truyền thuyết trả gươm mà cụ rùa cũng là biểu tượng của Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội – tại đây cũng từng có một nhóm cá thể rùa lớn sinh sống. Tiếc thay, “cụ rùa” cuối cùng đã qua đời vào năm 2016.