Bàn Cổ – Vị thần khai thiên của thần thoại Trung Hoa

0
1825
Trước khi có Trời đất, vũ trụ chỉ là một khối khí hỗn độn, trong đó không có ánh sáng và âm thanh. Tại trung tâm có một cục đá lớn đã thọ khí Âm Dương chiếu diệu rất lâu đời, nên đã thâu được các tính linh thông của vũ trụ mà tạo thành thai người. Sau 10 tháng 16 ngày (có tích là qua 18.000 năm thai nghén), đúng giờ Dần, một tiếng nổ vang, khối đá linh ấy nứt ra, một vị Linh Chân hy hữu ra đời, là Thần mang hình hài như con người được gọi là Bàn Cổ.Ngài cảm thấy không gian này vô cùng chật chội, liền dùng một cái rìu phá tan khối hỗn độn. Khối hỗn độn ấy mở ra, chia làm hai phần: phần nhẹ mà trong mỗi ngày đều bay lên cao, vì thế hình thành bầu trời; phần nặng mà đục mỗi ngày đều rơi xuống thấp, vì thế hình thành mặt đất. Giữa Trời và Đất, Bàn Cổ cũng mỗi ngày lớn lên một trượng. Ngài càng lớn càng cao, trở thành đầu đội trời, chân đạp đất, một người cao lớn không ai sánh nổi.

Vừa sinh ra thì vị ấy tập đi, tập chạy, tập nhảy, hớp gió nuốt sương, ăn hoa quả, dần dần lớn lên, mình cao trăm thước, đầu như rồng, có lông đầy mình, sức mạnh vô cùng. Một ngày kia, Bàn Cổ chạy qua hướng Tây, bắt gặp một cái búa và một cái dùi ước nặng ngàn cân. Bàn Cổ, tay phải cầm búa, tay trái cầm dùi, ra sức mở mang cõi trần.

Thuở đó Trời Ðất còn mờ mịt. Ngài ước cho phân biệt Trời Ðất thì nhân vật mới hóa sinh được. Ngài ao ước vừa dứt tiếng thì sấm nổ vang, Thiên thanh, Ðịa minh, vạn vật sinh ra đều có đủ cả.

Ngài liền chỉ Trời là Cha, chỉ Ðất là Mẹ, muôn dân là con. Ngài chính là tôn chủ sáng lập thế gian, nên cũng gọi Ngài là Thái Thượng Ðạo Quân. Ngài tự xưng là Thiên tử, tức là con Trời, cai trị muôn dân. Ngài là vị vua đầu tiên của cõi thế gian nên gọi Ngài là Hỗn Độn thị.

Tương truyền, Bàn Cổ có ba người con là Phục Hy, Nữ Oa, và Hoa Tư

Bàn Cổ thọ được 18.000 tuổi rồi quy tiên. Khi Ngài chết. mắt trái biến thành mặt trời, mắt phải biến thành mặt trăng, máu biến thành sông, mỡ biến thành biển, râu tóc biến thành thảo mộc, thịt biến thành đất đai, tóc biến thành tinh tú, da biến thành cây cỏ, xương cốt và răng biến thành vàng đá, tinh túy biến thành châu ngọc, mồ hôi biến thành mưa. Đầu Ngài biến thành Đông Nhạc Thái Sơn, hai chân biến thành Tây Nhạc Hoa Sơn, ngực và bụng biến thành Trung Nhạc Tùng Sơn, vai trái biến thành Nam Nhạc Hoành Sơn, tay phải biến thành Bắc Nhạc Hằng Sơn.

Sau khi Bàn Cổ chết, giữa Trời và Đất hoàn toàn trống trải. Về sau không biết bao nhiêu năm, lại xuất hiện Nữ Oa. Nữ Oa là một người sống giữa Trời Đất, cảm thấy quá vắng vẻ mới nghĩ tới việc tạo ra một số người để sống cùng với Bà. Bà dùng nước và đất sét vàng nặn thành người. Bà nặn một người đàn ông, rồi nặn một người đàn bà. Thật là kỳ lạ, bà nặn xong một người, thổi một hơi vào người đất, người đất đã biến thành một người biết nói biết cười. Những người này thành từng bầy sống quanh Nữ Oa, nhảy múa, gào thét. Gọi Nữ Oa là mẹ. Đây chính là thần thoại “Nữ Oa tạo người”.

Những thần thoại này rất hoang đường, nhưng chúng ta cũng đọc được  một số thông tin. Thần thoại Bàn Cổ khai thiên lập địa nói rõ tổ tiên chúng ta tin rằng sức mạnh của con người là vĩ đại, con người có thể dùng lao động để cải tạo tự nhiên. Thần thoại Nữ Oa tạo người đã phản ánh cuộc sống của con người buổi đầu. Hiện tại chúng ta biết, lịch sử loài người còn tồn tại thời đại thị tộc mẫu hệ, lúc ấy, người phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống, con cái chỉ có thể nhận được mẹ của mình, không biết ai là cha. Thần thoại Nữ Oa có phải ảnh hưởng của xã hội mẫu hệ?

Tiếp theo thì có Thiên Hoàng, Ðịa Hoàng, rồi Nhân Hoàng nối nhau cai trị thiên hạ thay Bàn Cổ.