Tứ hải Long Vương

0
2302

Tứ hải Long Vương

Long Vương chính là Rồng. Rồng trong truyền thuyết Trung Hoa cho rằng rồng có đủ loại lớn nhỏ, với nhiều hình dạng khác nhau, có thể bay vọt lên trời cao hay lặn xuống biển sâu. Hình ảnh rồng thường đi cùng với phượng hoàng và ngọc trai. Rồng là biểu tượng của trí huệ, của hoàng đế và những cảnh giới vượt khỏi cõi phàm.

Thần long ôn hòa là sinh vật mang theo đặc tính của 9 loài. Chúng cũng có một loạt khả năng siêu nhiên như điều khiển nước, lửa, gió và băng, sống cả trên cạn, dưới nước và trên không. Ngoài ra chúng còn có khả năng biến hình, tạo mây và nhiều thần thông khác.

Long Vương hay Tứ hải Long Vương là các vị thần có dạng đầu rồng, mình người, cai quản bốn đại dương rộng lớn theo Thần thoại Trung Hoa. Hình tượng các Long vương vốn có xuất xứ từ Phật giáo, là hiện thân của rắn thần Nāga được Trung Quốc du nhập và Hán hóa. Long Vương là tổng quản của thủy tộc. Dân gian cho rằng phàm chỗ nào có nước như sông, hồ, biển, ao, đầm…. đều có Long Vương. Long Vương có thể hô mưa gọi gió, tạo nên sấm sét, nên người ta thờ Long Vương làm thần mưa gió. Nếu hạn hán lâu ngày, dân chúng sẽ đền miếu Long Vương cầu mưa. Vẫn chưa thấy hiển linh, họ sẽ mang tượng thần Long Vương ra phơi ngoài nắng cho đến khi có mưa mới thôi.

Và như chúng ta sắp tìm hiểu, những vị Long Vương đều sở hữu đoàn quân có lính tôm, tướng cua, rùa và cá chép.

Mỗi vùng nước, từ đại dương bao la đến dòng suối, thác nước hay thậm chí mỗi giếng nước đều nằm dưới sự cai quản của rồng. Truyền thuyết kể rằng Nữ Oa đã giao nhiệm vụ cho Tứ Hải Long Vương cai quản 4 vùng biển xung quanh Đông Thắng Thần Châu. Kể từ đó, Long Vương sống trong những Thủy Cung nguy nga dưới đáy đại dương. Bốn vị Long Vương cai quản 4 vùng biển bao gồm:

  1. Đông Hải Long vương – Ngao Quảng;
  2. Tây Hải Long vương – Ngao Nhuận;
  3. Nam Hải Long vương – Ngao Khâm;
  4. Bắc Hải Long vương – Ngao Thuận.
  5. Ngoài ra còn có Ngũ Phương Long Vương, Chư Thiên Long Vương, Giang Hà Long Vương…

Thủy Cung được thiết kế tương tự như cung điện của vua trên mặt đất nhưng có những đặc điểm khác biệt ở dưới nước: Cổng chính được làm từ mã não để lộ ra những tinh thể trong suốt phức tạp, ngói lợp mái được làm từ vỏ sò cầu vòng, và có những con rồng phù điêu cuộn xung quanh cột trụ khảm ngọc. Long vương ngồi trên một ngai ngọc khảm đủ loại đá quý lấp lánh. Trong cung điện, lối đi dát vỏ bào ngư dẫn tới vườn ngự uyển đầy san hô và các loại rong biển phong phú, uốn lượn theo dòng nước.

Long Vương của bốn vùng Đông, Nam, Tây và Bắc Hải thường xuất hiện dưới nhân dạng có hình rồng mặc long bào, chuyên bảo vệ các vùng biển tương ứng và thần dân dưới đáy đại dương của họ. Theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng Đế trên thiên thượng, bốn vị Long Vương này quản việc tụ mây làm mưa cho những vùng đất liền kề với vương quốc của họ.

Trong chùa Việt ở cả trong Nam ngoài Bắc, chánh điện đều có thờ tượng Long Vương dưới dạng tượng mình người, đầu rồng, thường đặt ở một góc trong 4 góc của chánh điện. Hai bên tượng Long Vương có hai lính hầu dưới dạng loài thủy tộc.

Việc thờ Long Vương trong chùa Việt vừa phản ánh sự giao lưu văn hóa Đạo giáo (Trung Quốc), vừa phản ánh tâm thức của người Việt cổ: vũ trụ có Trời do Ngọc Hoàng cai quản, Đất do Thiên tử (vua) cai quản; Địa Ngục (dưới đất) do Thập điện Diêm vương cai quản; Sông Biển (dưới nước) do Long Vương cai quản.