Truyền thuyết Tam Hoàng – Ngũ Đế

0
2534

Truyền thuyết Tam Hoàng - Ngũ Đế

Thiên đình do một vị Ngọc hoàng cai quản, ở trên ông là 3 vị Tam Thanh, cai quản mặt đất ban đầu là thời kỳ Tam Hoàng – Ngũ Đế.

Vậy Tam Hoàng Ngũ Đế vốn là thời kỳ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc, và là các vị quân chủ huyền thoại của Trung Quốc trong thời kỳ từ năm 2852 TCN tới 2205 TCN, thời kỳ ngay trước thời nhà Hạ.

Cái gọi là Tam Hoàng (三皇), dùng để chỉ đến ba vị quân chủ đầu tiên mang tính chất huyền huyễn và thần thánh. Theo truyền thuyết, ba vị này được cho là thần tiên hoặc bán thần, những người đã sử dụng các phép màu để giúp dân. Do phẩm chất cao quý nên họ sống lâu và thời kỳ cai trị của họ hòa bình thịnh vượng. Còn Ngũ Đế (五帝), là năm vị quân chủ nối tiếp theo Tam Hoàng, có công khai hóa dân tộc Trung Hoa, đưa dân tộc này thoát khỏi tình trạng sơ khai. Trong thời kỳ này, người Trung Quốc đã biết chế ra lửa để nấu chín thức ăn, biết cất nhà, làm quần áo, trồng ngũ cốc, chài lưới, thực hiện lễ nghi, và bắt đầu tạo ra chữ viết.

Đó là thời kỳ sơ khai tối cổ của Trung Quốc. Văn minh chưa có hay mới bắt đầu có nhưng rất thô sơ và dân chúng rất thưa thớt, sống từng nhóm nhỏ theo lối du mục, không có dấu tích gì còn sót lại. Điều này khiến việc nghiên cứu để biết rõ các triều đại tối cổ này khá khó khăn.

Các học giả Trung Hoa không nhất trí với nhau về Tam Hoàng cụ thể là ai, phần lớn chịu ảnh hưởng nhiều bởi các truyền thuyết dân gian.

Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Tam Hoàng là:

  1. Thiên Hoàng – trị vì 18.000 năm.
  2. Địa Hoàng – trị vì 11.000 năm.
  3. Nhân Hoàng – trị vì 45.600 năm.

Theo Vận Đẩu Xu (運斗樞) và Nguyên Mệnh Bao (元命苞), Tam Hoàng là:

  1. Phục Hy
  2. Nữ Oa
  3. Thần Nông

Đây là thuyết thường thấy nhất của Tam Hoàng, được ngầm công nhận là một danh sách chuẩn. Trong đó, Phục Hi và Nữ Oa là hai anh em, và cũng là thần chồng và thần vợ, hai người được coi là tổ tiên của loài người sau một trận đại hồng thủy. Cũng như Thần Nông là người đã phát minh ra nghề nông và là người đầu tiên dùng cây cỏ làm thuốc chữa bệnh.

Các sách Thượng thư đại truyện (尚書大傳) và Bạch hổ thông nghĩa (白虎通義) thay thế Nữ Oa bằng Toại Nhân, người mà theo truyền thuyết đã phát minh ra lửa. Sách Đế vương thế kỉ (帝王世紀) thay thế Nữ Oa bằng Hoàng Đế, người được coi là tổ tiên của người Hán. Sách Thông Giám Ngoại Kỷ lại thay thế Nữ Oa bằng Cộng Công, tức là vị thần của nước. Sách Bạch Hổ Thông Nghĩa còn có 1 thuyết khác thay thế Nữ Oa bằng Chúc Dung, tức là Hỏa thần.

Việc thay thế Nữ Oa – một nữ thần – bằng một vị nam thần được cho là kết quả của việc chuyển từ chế độ mẫu hệ thời cổ xưa sang chế độ phụ hệ.

Tương tự như Tam Hoàng, các vị trong Ngũ Đế cũng có nhiều giả thuyết. Theo thần thoại viễn cổ thì toàn cõi vũ trụ do 5 vị Thiên đế cai quản, vốn là 5 vị đế vương, nhân dân sùng bá nên cho rằng sau khi chết họ trở thành thần thống trị vũ trụ. 5 vị đó là:

1. Thiên đế phương Đông – Phục Hy:

Tương truyền xưa kia có nàng Hoa Tư Thị, một lần đi chơi ở đầm Lôi Trạch, nhìn thấy một vết chân khổng lồ, tò mò ướm chân mình vào thử vết chân đó, về nhà bỗng dưng mang thai. Nguyên vết chân đó là của thần Lôi Trạch – một vị thần nửa người nửa rồng, cai quản đầm nước đó.

Nàng Hoa Tư Thị sinh ra Phục Hy, cũng mang thân hình nửa người nửa thú, sở hữu sức mạnh thần thánh của cha. Các truyền thuyết về Phục Hy và Nữ Oa thì rất nhiều phiên bản khác nhau. Ở đây không tiện nhắc đến chi tiết. Tuy nhiên phải biết khi Phục Hy làm vua thì đã tạo ra rất nhiều thành tựu, phát minh giúp cuộc sống của con người đỡ khó khăn vất vả hơn, như việc nghĩ ra lưới để bắt cá, tạo ra lửa – một dấu mốc quan trọng giúp loài người thống trị thiên nhiên, và sáng tạo ra bát quái – công cụ dự đoán tương lai của người Trung Quốc cổ, tiền thân của pho sách Kinh dịch sau này.

Với những công lao to lớn đóng góp cho nhân loại, sau khi chết, Phục Hy trở thành vị Thiên đế cai quản phương Đông và mùa xuân, có thần cây Cú Mang đi theo phò trợ.

2. Thiên đế Phương Nam – Thần Nông

Thời xưa có vị quốc vương tên Thiếu Điền. Phi tử của ông là Nữ Đăng, có cơ duyên gặp rồng thần mà mang thai, sinh ra đứa bé có sừng trâu, đó chính là Viêm Đế Thần Nông sau này.

Tương truyền, lúc Viêm Đế sinh ra, mặt đất bên cạnh ông tự nhiên xuất hiện 9 cái giếng. 9 cái thông nhau, nếu hút nước từ 1 giếng thì 8 cái còn lại đều nổi sóng. Trâu để kéo cày, nước giếng thì để tưới đồng ruộng, chính những điềm báo này đã cho thấy Viêm Đế sẽ giúp con người phát minh ra nông nghiệp.

Lúc bấy giờ con người chưa biết canh tác, trồng cây gì, nuôi con gì, chỉ biết ăn sâu bọ, sò ốc, rau quả dại, không đủ dinh dưỡng mà dễ sinh bệnh. Các vị thần thương cảm mới tạo ra một cơn mưa ngũ cốc. Viêm Đế thu nhặt số hạt giống đó đem gieo trồng, từ đó con người mới có lương thực dồi dào. Ông lại phát minh ra kỹ thuật rèn để tạo ra những nông cụ như rìu, cuốc… giúp con người khai nương, làm rẫy.

Không những thế, Viêm Đế còn chịu khó đi khắp thế gian, tự lấy thân mình thử các loại thảo dược, cây cỏ để tìm ra dược tính, đặng làm thuốc chữa bệnh cho con người, ông thử nhiều thuốc đến nỗi một ngày trúng độc cả trăm lần, nhưng do cơ thể có thần tính nên không chết. Nhờ đó, Viêm Đế soạn ra được Bản Thảo – bộ sách thuốc đầu tiên của người Trung Quốc.

Cuối triều đại của Viêm Đế, đạo đức xã hội suy đồi, bạo loạn nổ ra khắp nơi, Hoàng Đế lật đổ Viêm Đế. Có người nói Viêm Đế thua trận bị giết, có người nói ông chạy được về phương Nam, sau đó trở thành Thiên Đế cai quản vùng trời phương Nam và mùa hạ, có thần lửa Chúc Dung đi theo phò trợ.

3. Thiên đế phương Tây – Thiếu Hạo

Dưới thời Hoàng Đế, có một ngôi sao lớn kéo theo một dải đuôi rực rỡ như cầu vồng quét qua bầu trời rồi rơi xuống đảo Hoa Chữ. Có một cô gái tên Nữ Tiết nằm mộng thấy một người đàn ông ăn nằm với mình, tỉnh dậy thì đã..hai vạch, sau đó sinh ra Thiếu Hạo.
Tương truyền khi Thiếu Hạo sinh ra, có chim phượng hoàng bay đến chúc phúc.

Sau này Thiếu Hạo làm vua một nước, rồi lại trở thành thần núi Trường Lưu ở phương tây. Trên núi này nhiều kì trân dị thú, phong cảnh tươi đẹp, ông cho xây một cung điện trên đỉnh núi.

Thiếu Hạo tìm thấy một khe nứt khổng lồ ở Đông Hải, bèn lập ra nước Thiếu Hạo ở đấy, lại bổ nhiệm các loài chim làm quan cai quản đất nước. Phượng hoàng phục trách pháp luật, chim yến , chim sẻ… cai quản các mùa, chim kền kền nắm giữ binh quyền… Nói tóm lại là lập ra một vương quốc loài chim.

Sau khi chết thì Thiếu Hạo trở thành Thiên đế phương Tây, cai quản mùa thu, có thần Kim loại Nhục Thu là con trai, đi theo phò tá.

4. Thiên đế phương Bắc – Chuyên Húc

Chuyên Húc là con trai của Xương Ý, cháu trai của Thiên Đế Thiếu Hạo. Vào cuối đời Thiếu Hạo, trên trời xuất hiện dị tượng, sao Dao Quang (nằm trong Bắc Đẩu Thất Tinh) đột nhiên bay xuyên qua Mặt Trăng, nàng Cảnh Bộc là phi tử của Xương Y, đang ở trong cung, bỗng nhiên thụ thai, sinh ra Chuyên Húc sinh ra đã đội khiên và mâu trên đầu, dự báo sau này sẽ lớn lên cùng chiến trận.

Chuyên Húc bản tính thông minh. Mới 10 tuổi đã có thể giúp ông nội Thiếu Hạo cai quản triều chính, 20 tuổi đã lên ngôi vua.

Thuở bấy giờ, trời và đất tuy tách rời nhau nhưng vẫn có những con đường nối liền giữa hai giới, gọi là cột trời và thang trời. Dựa vào những con đường này mà thần linh và con người có thể giao tiếp với nhau dễ dàng. Tuy nhiên, cũng có những ác thần ở trên thiên giới tận dụng con đường này để xuống trần tác oai tác quái. Chính vì thế, Chuyên Húc cho rằng việc kết nối này ẩn chứa nhiều hiểm họa. Ông sai hai vị thần dưới trướng là Trọng và Lê làm nhiệm vụ tách trời và đất. Trọng dùng hai tay nâng bầu trời lên, Lê dùng tay đè mạnh đất xuống, khiến khoảng cách của hai giới tăng lên, các thần linh và con người không thể dễ dàng đi đến thế giới của bên kia được nữa. Qua việc cắt đứt con đường giao thông giữa trời và đất, Chuyên Húc đã thiết lập một trật tự vũ trụ mới vô cùng chuyên chế.

Tuy nhiên, cảm thấy đắc ý về thành tựu của mình, Chuyên Húc dần coi thường thần linh, nổi lên ý muốn có thể cai quản cả vũ trụ và chư thần. Ông thậm chí còn bắt Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao phải cố định ở phương Bắc của ông, không được di chuyển đi đâu, khiến vũ trụ bị xáo động. Chính sự chuyên quyền bạo ngược của Chuyên Húc mà dẫn đến sự nổi dậy của thần nước Cộng Công.

Tuy Chuyên Húc đánh bại được Cộng Công, nhưng Cộng Công lại húc đầu làm đổ một cây trụ chống trời (núi Bất Chu), khiến bầu trời phía Tây Bắc nghiêng về phía ấy, Mặt Trời và Mặt Trăng bị Chuyên Húc giam cầm ở phương Bắc nhờ đó thoát ra được, khôi phục lại quỹ đạo từ Đông sang Tây. Vì mất một cột trụ, khiến thế gian bị nghiêng, trật tự vũ trụ mà Chuyên Húc bỏ công sắp đặt giờ không còn.

Sau khi chết, Chuyên Húc trở thành vị Thiên Đế cai quản phương Bắc và mùa đông, có thần biển Huyền Minh theo phò tá.

5. Thiên đế trung tâm – Hiên Viên Hoàng Đế

Có thể coi là vị Thiên Đế tối cao, Hoàng Đế ngự trên thần điện cao nhất trên đỉnh Côn Luân. Tương truyền ông có 4 khuôn mặt, cùng lúc có thể quan sát cả 4 phương hướng, và nắm trong tay nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất vũ trụ – sấm sét.

Thuở xưa, có một cô gái tên Phụ Bảo đang đi trên cánh đồng thì gặp phải sấm chớp. Lúc đó đang là nửa đêm, ánh chớp chói mắt xoáy cuộn quanh sao Thiên Quyền – ngôi sao sáng nhất trong nhóm Bắc Đẩu. Từ đó mà nàng có thai, mang thai 25 tháng thì hạ sinh một đứa bé, chính là Hoàng Đế. Bởi vì Hoàng Đế do sấm chớp cảm ứng mà sinh ra, vì thế điều khiển được sấm sét, là vị thần cai quản mưa giông.

Cuối thời Viêm Đế Thần Nông, thiên hạ bạo loạn, Hoàng Đế tự tổ chức quân đội, điều khiển được cả lũ dã thú hổ báo sài lang tham gia quân đội, đại chiến với Viêm Đế ở Phàn Tuyền. Lửa của Viêm Đế không thắng được sấm sét của Hoàng Đế. Hoàng Đế thắng trận, tự xưng làm vua, lập ra nước Hữu Hùng.

Về sau, Hoàng Đế còn lần lượt đánh bại Xi Vưu và Hình Thiên, bình định thiên hạ. Chuyện này dài, xin được kể ở một bài viết riêng. Lúc bấy giờ, Hoàng Đế (hay còn gọi là Hiên Viên) đã là người có quyền lực cao nhất trời đất. Ông ngự ở tòa điện trên núi Côn Luân, giao trọng trách cai quản 4 phương cho 4 Thiên Đế, đồng thời làm người phán xử tối cao cho các chư thần.

Với trọng trách cai trị trần gian, Hoàng Đế và các thuộc hạ cũng đã đóng góp nhiều công lao trong việc giúp loài người phát triển. Ông là người đã nghĩ ra cách cất nhà trên mặt đất để con người cư trú (trước đó loài người làm nhà trên cây như chim), sáng tạo ra hố bẫy để săn thú dữ, phát minh ra nồi để nấu cơm, xe cộ để đi lại nhanh hơn…

Các bề tôi của Hoàng Đế như Thương Hiệt thì sáng tạo ra chữ viết, Luy Tổ – vợ của Hoàng Đế thì nghĩ ra việc nuôi tằm để lấy tơ dệt vải, vì thế có thể nói, trong các Thiên đế, thì Hoàng Đế vẫn là vị có nhiều phát minh quan trọng nhất, do đó ông được coi là thủy tổ của nền văn minh Trung Hoa và là vị Thiên đế tối cao.