Đẻ Đất Đẻ Nước

0
1969

Đẻ đất đẻ nước là một bộ sử thi đồ sộ hơn 8000 câu của dân tộc Mường kể về huyền thoại khởi thủy của đất Mường và người Mường. Hiện nay đã khôi phục được bản mo của người Mường ở Hòa Bình và Thanh Hóa, cơ bản cũng có đôi chút điểm khác biệt. Ở đây, Epic xin chọn bản Thanh Hóa để kể lại.

Thuở sơ khai, đất còn xơ xác, nước còn bùng nhùng, trời còn mung lung, bỗng mưa dầm mưa dãi ngập hết đất trời, năm mươi ngày nước rút, bảy mươi ngày nước xuôi. Tự nhiên mọc lên một cây khổng lồ có chín mươi cành, chọc lên đến tận trời xanh, sinh ra ông Thu Tha, bà Thu Thiên. Hai vị thần khởi thủy ấy mới truyền ra lệnh làm ra đất trời và vạn vật.

Rồi trời lại hạn hán suốt 12 năm ròng. Ông Pồng Pêu, vị thần nước ước cho một trận mưa lớn. Nhưng mưa lớn quá chín đêm liền ngập lụt khắp nơi, bốn tháng sau nước rút, bảy tháng sau nước mới xuôi. Nhờ đó mà tạo ra sông ra suối, ra bể ra hồ.

Sau trận lụt lại mọc lên một cây si có 1919 cành. Trời sai con sâu gang khoét rỗng ruột cây si, từ gỗ mục và lá si sinh ra đủ thứ thú hiền thú dữ. Cây si đổ, mỗi cành hóa ra một bản mường.

“Một cành đổ về đất Sạp
Nên mường Sạp,
Một cành đổ về đất Giạp
Nên mường Giạp,
Một cành đổ về đất Bi, đất Lỗ
Nên mường Bi, mường Lỗ,
Một cành đổ về đất Ống, đất Sà
Nên mường Ống, mường Sà…”

Lại có mấy cành si hóa ra mụ Dạ Dần, mụ đẻ ra hai quả trứng, nở ra cun Bướm Bạc và cun Bướm Bờ. Hai chàng ăn nhanh chóng lớn, cao hơn đụn chín, đụn mười, đi săn thì gặp mười nàng tiên con gái nhà trời xuống trần gian du ngoạn. Hai nàng lớn được tán tỉnh đến say mê liền nán lại, quên cả đường về nhà trời. Họ ở lại trần gian mà nên vợ nên chồng với cun Bướm Bạc, cun Bướm Bờ. 12 năm liền, họ sinh ra 12 người con, trong đó hai người con út, con yêu là đôi chim thần, trống chim Tùng, mái chim Tót.

Chim trống Tùng, chim mái Tót vì nhà đông quá không có chỗ ở, mà muốn ăn lá ngón chết đi cho đỡ khổ. Mụ Dạ Dần thấy thương, khuyên hai cháu ra Hang Trống, Hang Hao mà làm tổ, sinh con đẻ cái. Chim Tùng và chim Tót đẻ ra 1919 chiếc trứng, liệng đi khắp nơi, sinh ra thần Chớp, thần Mây và đủ giống vật.

“Thả một trứng lên trời
Nở ra ông thần Chớp
Ném một trứng dập dập lên trời
Nở ra ông thần Mây
Ném một trứng dài dài
Nở ra loài chuột co ro
Ném một trứng to to
Nở ra loài con lợn…”

Hai chim lại vào hang đẻ tiếp ra một quả trứng đen đen bốn khúc, bầu dục bốn khuông, mặt vuông mặt tròn chín cạnh. Này là trứng giống, trứng dòng nở ra loài người, hai chim ấp đến 99 ngày không nở, đem trả lại cho mụ Dạ Dần. Mụ Dạ Dần phải nhờ đôi chim chiền chiện ấp đến xơ xác cả thân mình mới nở ra một bầy con nói đủ thứ tiếng: tiếng Lào, tiếng Kinh, tiếng Mọn, tiếng Mường, tiếng Thái… tất thảy đủ các dân tộc anh em. Trong đó có những anh em nhà lang người Mường, có ông Dịt Dàng, ông Lang Tà Cái, ông Lang Cun Cần, bố Bướm Sang, ông Sang Sí, nàng Vạ Hai Kịp… Bộ tộc Mường đẻ ra từ đấy.

Thần Cuông Minh Vàng Rậm, nàng Ả Sấm Trời đúc chín mặt trời, đúc được mười hai mặt trăng. Đất trời chói chang, gay gắt. Họ nhà Ngao dùng cung tên bắn rụng hết, phải nhờ trống gà Ải mái vịt Êm gọi một mặt trời, một mặt trăng lên cho mường nước. Rồi ông Thu Tha, bà Thu Thiên làm ra năm tháng, ngày đêm, bốn mùa cho con người theo đó làm ăn sinh sống.

Vậy là Epic đã kể xong 7 chương đầu tiên của thiên sử thi xoay quanh những tích khởi thủy, đẻ đất, đẻ nước, đẻ mường, đẻ người. Còn tới 21 chương nữa, nội dung xoay quanh nhân vật Lang Cun Cần, vị lang đầu tiên đứng ra giữ mường và các con, xin hẹn độc giả vào dịp khác (nếu page kiếm được tranh minh họa, tranh về đồng bào bản làng khó kiếm quá).