Huyền thoại Cao Sơn Độc Cước, thần Độc Cước hay sự tích đền Độc Cước

0
204

Huyền thoại Cao Sơn Độc Cước, thần Độc Cước hay sự tích đền Độc Cước

Từ Thuở xưa, ngoài biển khơi có loài Quỷ mũi đỏ đến vùng biển Thành phố Sầm Sơn, chúng rất thích ăn thịt người; dân chúng kể rằng: Loài Quỷ này mình tròn trùng trục, mõm dài vêu vao, răng nhọn hoắt, miệng đỏ lòm; dân chài ra khơi đánh cá thường bị chúng ăn tươi nuốt sống… Không đi biển thì cả nhà đói khát, mà đi thì khó thoát khỏi nanh vuốt loài Quỷ hung ác, họ đành phải mò ngao, bắt con tôm, con ốc nơi cửa sông, ven bờ để sống cho qua ngày đoạn tháng.

Nhưng lũ Quỷ nào chịu để yên, chúng khát mồi, mò vào tận đất liền, tàn sát hàng loạt người dân vô tội. Không kể đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ… tóm được người nào chúng ăn thịt ngay người đó. Xóm làng dần dần tan hoang nên vắng ngắt, ruộng vường, nhà của xơ xác, tiêu điều.

Hồi bấy giờ, một chú bé, Tôn Uý là Chu Văn Khoan, vừa chui ra khỏi bụng mẹ đã biết chạy nhảy và lớn nhanh như thổi (theo truyền thuyết thì đây là con của Mẹ núi); “Hột lúa lớn bằng người ôm, chấy cà to bằng người gánh” vẫn không đủ để nuôi chú bé. Nhưng đất trời phù hộ, chẳng bao lâu chú đã trở thành một chàng trai cao lớn lạ thường. Chàng trai đứng trên ngọn núi cất tiếng hú vang, dân làng lâu nay phiêu bạt tận đầu sông cuối rừng đều lục đục kéo nhau về. Họ cất lại nhà cửa, sửa sang vườn tược; đàn ông theo chàng khổng lồ ra khơi đánh cá, đàn bà ở nhà chăn nuôi, trồng trọt cuộc sống của họ chẳng mấy chốc lại no đủ, bình yên.

Từ ngày có chàng trai cùng dân làng ra khơi đánh cá loài Quỷ đó không làm gì được, hễ con nào lăm le thì lập tức bị băm vằm, xương tan thịt nát dưới lưỡi búa sắc như nước và sáng loáng của chàng.

… Nhưng loài Quỷ biển tinh quái, thừa cơ hội chàng khổng lồ cùng thanh niên trai tráng trong lành ra khơi đánh cá, chúng lẻn vào bò cướp phá, nhiều người già, phụ nữ, trẻ em, bị chúng ăn thịt. Ngày hôm sau chàng khổng ở lại nhà với những người sống sót, thì ngoài khơi các bạn chài lại bị chúng lật thuyền vây bắt. Căm giận loài Quỷ biển đến mức tím ruột bầm gan, yêu xóm chài, thương dân lành vô tội. Chàng quyết chí phải diệt hết loài Quỷ để dân chúng được bình yên khi đi biển, lúc trên bờ. Chàng cầu xin Mẹ Núi cho sức mạnh để tiêu diệt loài Quỷ quái rồi dùng búa tự sẻ đôi thân mình. Lưỡi búa chia chàng làm đôi nhưng lạ kỳ thay hai nửa chân của chàng vẫn khỏe mạnh, quắt thước, dũng khí lạ thường, một nửa thân chàng chèo theo dân chài ngày ngày ra khơi đánh cá, còn một nửa đứng trên mỏm đá mà sau này gọi là hòn Cổ Giải để canh giữ canh giữ cho xóm làng lúc nào cũng được bình yên. Nơi chàng lưu lại để canh gác, dấu chân in hằn vào tảng đá

Từ đó vùng biển Sầm thôn sóng lặng, gió yên, dân lành vui cảnh “Chồng chài, vợ lưới, con câu”, không còn phải lo nạn Quỷ đỏ tàn hại nữa. Nửa thân chàng Khổng Lồ đứng mãi trên đầu núi, bàn chân hằn sâu vào đá, lưu lại dấu tích muôn đời. Về sau Ngọc Hoàng hay tin hạ giới có chàng trai dũng cảm xẻ đôi thân mình bảo vệ xóm làng cho dân chúng được hạnh phúc bình an. Vào một ngày trời quang mây tạnh, Ngọc Hoàng phái Thiên Sứ cưỡi mây xuống núi đòi chàng trai về trời.

Tin rằng đó là thiên binh, thần tướng được cử xuống để giúp trừ tai ương, dân làng Sầm Sơn bấy giờ đã lập đền thờ ngay tại nơi có vết chân vị thần để lại, tên gọi là đền Độc Cước để ghi nhớ công lao. Thần còn được người dân phong thần cho chàng với tên gọi là “Thần Độc Cước” và suy tôn làm Thành Hoàng, thờ ở đình làng, bảo trợ cho cuộc sống ấm no và yên bình của dân chúng.

Câu chuyện thần Độc Cước phản ánh sức mạnh vĩ đại của tổ tiên ta, nói lên ước mơ kỳ diệu của người xưa trong công cuộc đấu tranh chống thiên tai ác liệt, đồng thời ca ngợi một tấm gương chói lọi xả thân bảo vệ nhân dân, bảo vệ quê hương đất nước, biển trời. Đền Độc Cước ngày nay, do nhiều thế hệ cha ông chúng ta xây nên để thờ Thần Độc Cước và để nhân dân Sầm Sơn cùng du khách bốn phương quanh năm được khói hương, phụng thờ.

Độc Cước còn được ghi trong lịch sử với đền thờ chính đặt tại đền Độc Cước ở Thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa. Theo đạo sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 14 (1783), thì thần Độc Cước tên là Chu Văn Khoan, có tài đức, giúp các đời vua dẹp yên giặc giã, giữ gìn bờ cõi, thần có hiệu là Đại pháp sư, có 7 phép màu để trị ma quỷ gian ác… và được vua phong bốn chữ: Độc Cước sơn triều.

Đền Độc Cước.

Di tích đền Độc Cước là ngôi Đền cổ có kiến trúc theo kiểu chuôi vồ, hiên quay hướng Tây. Theo quan niệm của người xưa hướng Tây là hướng vững chắc nhất, bởi hướng Tây là hướng hợp với tính âm dương. Tượng Thần Độc Cước cũng được đặt theo hướng của Đền, cầu mong thần thánh yên vị để đem sức mạnh thần linh ban phát cho dân lành. Bên phải của đền có một tòa Phương đình hay được gọ là Tháp Nghinh Phong, được kết cấu theo lối 2 tầng 8 mái. Bằng nghệ thuật còn tồn tại trên các bẩy và cốn ta có thể tin rằng kiến trúc này được làm vào cuối thế kỷ XIX (thời Tự Đức) và được sửa chữa nhiều ở các thời sau. Dạng di tích này la kiểu kiến trúc đẹp của người Việt Nam có từ thế kỷ XVI tồn tại cho đến thời gian gần đây, nó được biểu hiện về một mặt vũ trụ quan của người Việt có sự tác động của Nho giáo.

Đền Độc Cước thờ vị Thần gắn với mặt trăng. Trong quan niệm của dân biển, mặt trăng đóng vai trò rất quan trọng (chủ yếu là mặt trăng khuyết). Từ những hình thức gắn với nghệ thuật dưới dạng này hay dạng khác của linh vật mà cơ thể thiếu thốn là biểu tương của mặt trăng.

Ở trên đất nước ta, Thần Độc Cước được thờ ở Đền Chùa suốt từ Quảng Ninh đến Nghệ Tĩnh nhất là trên hải đảo và các vùng ven biển, ven sông hoặc trên các trục đường quốc lộ giao thông chính ở đồng bằng Bắc Bộ. Do mang tính chất như vậy, nhân dân thờ Thần Độc Cước là sự cầu mong cho sự đi xa của những con thuyền đánh cá.

Từ bãi biển qua 43 bậc đá, chúng ta gặp ngay kiến trúc của một ngôi đền cổ. Tuy có sự gán ghép của thời kỳ này, thời khác xong nó có sự kế tiếp nhất là đề tài trang trí.

Đền Độc Cước Sầm Sơn đã nổi tiếng trong lịch sử từ rất lâu đời nên tượng thờ đề các vị Thần ở đây đã được thể hiện 2 bộ gồm có đôi Tướng canh bằng đá dưới dạng Võ tướng nghiêm chỉnh đại đao đứng chầu hầu. Ở sát cửa điện phía trong là đôi Phổng quỳ lớn bằng đá được làm từ cuối thế kỷ XVIII. Đó là những phong tượng ngộ nghĩnh có giá trị nghệ thuật cao. Nhưng đồng thời nó cũng biểu hiện những mặt của lịch sử vào đầu thế kỉ XVIII xã hội đầy những nhiễu nhương, hệ tư tưởng nho giáo khủng hoảng đến trầm trọng. Con người không thể trông cậy vào tư tưởng chính thống được nữa và họ đặt lòng tin vào nhiều hơn vào cửa Đền, cửa Phủ. Các Tượng như đã phản ánh lịch sử là sự tôn vinh vị Thần.

Tòa điện trong được kết cấu theo kiểu chữ đinh gồm 3 gian tường lồi bít đốc, kiến trúc theo kiểu chồng giường. Mặc dù được tu sửa nhiều lần nhưng kiến trúc này vẫn giữ được nhiều dấu ấn về nghệ thuật quý hiếm của nửa thế kỷ XVII.

Đền Độc Cước có kiến trúc chuôi vồ hiện được coi là cách có niên đại sớm nhất tìm thấy ở nước ta. Đặc điểm đó càng được nâng lên khi nó xuất hiện ở ngôi đền thờ một Thần linh dân dã “Thần Độc Cước”. Hình tượng nhân cách của Thần được thể hiện dưới dạng các tượng nhỏ (thường cao từ 15cm đến 30cm) với hình thức bán thân bổ dọc mặc áo Võ tướng mặt nhẵn mạnh nét gồ ghề để tạo sự hung dữ, nửa thân kia không có, được thay bằng mây cuộn. Suy cho cùng Thần Độc Cước là hiện tượng nhân cách hóa của mặt trăng, là linh hồn của mặt trăng. Thần gắn liền với các con nước cường, nước rặc gắn với nghề biển, nghề cá tôm… Đó là Thần hạnh phúc.