Thanh Long

0
875

Thanh Long

Nhắc đến Thanh Long, hẳn nhiều người trong số các bạn đều biết qua chút ít, bởi lẽ đây là một trong số Tứ Thánh Thú trấn giữ bốn vùng trời trong thần thoại Trung Quốc xưa. Thanh Long hay còn có tên khác là “Thương Long”. “Thanh” 青 là chỉ màu xanh nảy mầm của cỏ cây hoa lá, “Long” 龙 là Rồng, tóm lại “Thanh Long” là chỉ con rồng màu xanh. Theo truyền thuyết Thanh Long có thân tựa như Rắn dài, đầu của Kỳ Lân, đuôi của Cá chép, trên đầu có sừng Hươu, có Ngũ Trảo, mặt có râu, tướng mạo uy vũ. Trong phong thủy, Thanh Long tượng trưng cho Hành Mộc, đại diện cho mùa Xuân, cây cối tốt tươi. Cộng thêm với việc các vị vua hồi xưa thường ví mình với Rồng nên không tránh khỏi việc có nhiều triều đại các vị vua lấy cho mình Niên Hiệu là Thanh Long (ví như Ngụy Minh Đế thời Tam Quốc có lấy Thanh Long làm Niên Hiệu cho mình).
Lại nhắc đến cai quản vùng trời, Thanh Long được coi là coi vùng trời phía Đông, Đông Phương Thanh Long 东方青龙.

Trong Sơn Hải Kinh có nói trong thần linh bốn phương: “Phương Nam Chúc Dung 祝融, thân thú mặt người, cưỡi hai rồng, Phương Tây Nhục Thu 蓐收, tai trái có rắn, cưỡi hai rồng, Phương Đông có Câu Mang, thân chim mặt người, cưỡi hai rồng, Phương Bắc Ngu Cương 禺疆, thân đen có tay chân, cưỡi hai rồng”. Từ đây ta có thể thấy Rồng trong Sơn Hải Kinh thường ví như vật dùng để cưỡi. Ngoài ra về Thiên văn, đại biểu cho Thanh Long còn là 7 chòm sao: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ. Trong đó chòm sao Giác là sừng rồng, chòm sao Cang là cổ rồng, chòm sao Đê là thân rồng, đến chòm sao là vị trí phần cổ rồng, chòm sao Phòng là vai rồng, chòm sao Tâm là tim rồng, chòm sao Vĩ là đuôi rồng, chòm sao Cơ chính là điểm cuối cùng của đuôi rồng.