Tình hình Arnor và Gondor kỷ Đệ Tam

0
618

1. Vương quốc Arnor

Sau cái chết của Ilsidur bởi cuộc tập kích của lũ Orc ở Gladden Fields, người con út của Ilsidur là Valandil, hoàng tử duy nhất sống sót, trở thành người kế vị ở Arnor. Tình hình vương quốc không có gì biến động hơn 800 năm. Tuy nhiên, sau khi vị vua thứ 10 của Arnor là Earendur qua đời, 3 người con trai của ông tranh giành ngôi vua, dẫn đến nội chiến và khiến Arnor vị xé lẻ ra thành 3 tiểu vương quốc (giống Tam quốc phân tranh). Bao gồm: 

– Vương quốc Arthedain do người con trai cả là Amlaith thành lập. Đây được coi là vùng lãnh thổ có người dân Numenorean thuần chủng nhất còn sót lại ở Trung Địa. Arthedain tồn tại lâu nhất trong cả 3 vương quốc, kéo dài hơn 1000 năm thì bị vương quốc Angmar ở phương Bắc tiêu diệt, trở thành vùng đất hoang tàn. Những con dân còn lại của Arthedain, sống lang thang lay lắt, trở thành một nhóm người gọi chung là “Người bảo vệ phương Bắc” (Ranger of the North).

– Vương quốc Cardolan: được lập nên bởi 1 trong 2 hoàng tử còn lại, Cardolan tồn tại hơn 700 năm. Trước mối đe dọa của Angmar ở phương Bắc, Cardolan phải liên kết với Arthedain, tiếc thay vẫn không thể trụ vững được, bị tiêu diệt và trở thành vùng đất hoang vu cho đến tận cuối kỷ Đệ Tam.

– Vương quốc Rhudaur do hoàng tử còn lại của Arnor lập nên. Vương quốc này thường gây chiến với 2 vương quốc trên để tranh giành đất đai. Vì là vương quốc có thành phần dân cư tạp nham nhất, chẳng mấy chốc, những người kế vị sau của Rhudaur không còn là dòng chính thống hoàng gia nữa. Vương quốc này đầu hàng Angmar và nhanh chóng bị sát nhập sau hơn 500 năm tồn tại.

Vậy là từ đây, vương quốc Arnor hùng mạnh một thời của người Numenorean thần thánh năm xưa chính thức sụp đổ, trở thành những vùng đất hoang vu, còn người dân trở thành những kẻ lang thang không chốn dung thân.

2. Vương quốc Gondor:

Ngược lại với Arnor ở phương Bắc, Gondor trong thời kỳ đầu của kỷ Đệ Tam phát triển rất hưng thịnh với chỉ số tăng trưởng ổn định qua các năm, ngoại trừ một thời gian ngắn phải chống lại sự xâm lược hung hãn của người Easterling ở phương Đông.

Gondor từ năm 830 đến năm 1149 của kỷ Đệ Tam là hơn 300 năm cực thịnh, được gọi là thời kỳ vàng son của Gondor, do 4 đời vua cai trị. Đặc biệt là ở triều đại của vua Hyarmendacil (1015-1149), lãnh thổ Gondor được mở rộng nhất, chiếm gần 1/2 lục địa. Thời kỳ này Gondor giàu có đến nỗi người ta nói rằng đá quý ở xứ này, trẻ con còn mang ra chơi như đá cuội. 

Tuy nhiên “Không ai giàu ba họ”, Gondor hùng mạnh lẫy lừng như Numenor năm xưa cũng đến lúc suy tàn do phải trải qua 3 biến cố lớn, bao gồm:

– Nội chiến. Vâng, lại là nội chiến tranh giành quyền lực. Nguyên do là vua lúc bấy giờ của Gondor là Eldacar mang dòng máu lai vì có mẹ là người phương Bắc, dẫn đến vụ binh biến của đô đốc hải quân Castamir – vốn là người thuộc dòng máu thuần chủng Gondor. Eldacar đâu có để yên, cũng chạy về phương Bắc gọi đồng minh đến viện trợ để đòi lại ngai vàng. Phe của Castamir thua chạy phải dạt tít về phía Nam.

– Sau khoảng 200 năm kể từ cuộc nội chiến, Gondor lại phải hứng chịu một dịch bệnh hoành hành.Giống như “Cái chết Đen” trong lịch sử châu Âu, dịch bệnh này lây lan khắp cả phía Nam Trung Địa, và nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là thủ đô Osgiliath, rất nhiều người đã chết, đến nỗi chính quyền phải rời kinh đô về Minas Anor. Dịch bệnh sau đó còn lan lên phương Bắc, gây nhiều thiệt hại ở Rhudaur và Cardolan. Chính trong khoảng thời gian này, vì dịch bênh khiến Gondor suy yếu nên quân đội của Sauron ở Mordor bắt đầu manh nha trỗi dậy mà không bị phát hiện.

– Đến nửa sau của Kỷ Đệ Tam, trong những năm 1800, Gondor vừa hồi phục sau trận đại dịch thì lại tiếp tục phải chịu tổn thất bởi sự xâm lăng của người Easterling – cựu thù đến từ phương Đông. Các bộ lạc Easterling liên kết lại với nhau, tạo thành một đội quân toàn chiến xa và kỵ binh tên là Wainriders. Quân Wainriders đánh phá Gondor ác liệt, vương quốc này gần như bị thôn tính. Sau gần 100 năm tranh đấu, cuối cùng Gondor cũng đánh bại được quân thù, dưới sự lãnh đạo của tướng Earnil. Do quốc vương và các hoàng tử đều chết trong chiến tranh, Gondor phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người kế vị. Cuối cùng tướng Earnil – vì có công giành lại độc lập cho Gondor, được suy tôn làm vua mặc dù chỉ là cháu bên đằng ngoại của tiên vương.