Cô Bé

0
682

 Cô Bé Thượng Ngàn

Trong hàng Tứ Phủ Thánh Cô thì Cô Bé Thượng Ngàn ngự ở vị trí thứ mười một. Cô theo hầu Mẫu Thượng Ngàn, rất hay về ngự đồng. Khi ngự đồng Cô thường mặc quần áo thổ cẩm, chân quấn xà cạp, đeo kiềng bạc, tay cầm ô, vai đeo gùi.

Cô Bé Bản Đền

Ở các địa phương lại có nhiều vị Cô Bé khác không thuộc hàng Tứ Phủ Thánh Cô thường được hầu sau giá Cô Bé Thượng, nhưng cũng có quan niệm cho rằng đó là các hoá thân khác nhau của Cô Bé Thượng Ngàn. Các Cô Bản Đền theo hầu các vị Chầu Bà, Chúa Bà cai quản bản đền bản cảnh, và được gọi theo tên riêng của bản đền Cô về ngự, chẳng hạn như Cô Bé Suối Ngang (Lạng Sơn), Cô Bé Chí Mìu, Cô Bé Nguyệt Hồ, Cô Bé Cây Xanh (Bắc Giang), Cô Bé Sapa, Cô Bé Tân An, Đôi Cô Cam Đường (Lào Cai), Cô Bé Minh Lương, Cô Bé Mỏ Than (Tuyên Quang), Cô Bé Thác Bờ (Hòa Bình), Cô Bé Xương Rồng (Thái Nguyên), Cô Bé Sóc (Miền Nam). Các Cô Bản Đền Bản Cảnh ở mỗi nơi lại có một thân thế khác nhau, sau đây xin tóm lược một vài thần tích tiêu biểu.

Cô Bé Minh Lương

Cô Bé giáng sinh dưới đời nhà Trần, là con của gia đình cặp vợ chồng già, vợ người Mường, chồng người Dao. Hai vợ chồng bấy giờ tuổi đã cao mà chưa có mụn con nào. Vô tình một hôm đi xúc tép bà vợ bắt được hai quả trứng, đem về nhà bỏ vào chum nước. Ít lâu sau bà cụ cấn thai, sinh hạ được cô bé đặt tên là Minh Lương, còn hai quả trứng trong chum nở ra hai con rắn. Đôi rắn và cô bé lớn lên chơi quấn quýt làm bạn với nhau, nhưng rồi một buổi chiều nọ đôi rắn quấn chết cô bé. Ông bà đi làm về liền rút dao ra chém đứt đuôi một con rắn. Chúng bỏ chạy lên núi, bỏ lại cô bé trong niềm thương tiếc vô ngần của đôi vợ chồng già. Ông bà không nỡ chôn, đặt cô nằm trên sàn, hôm sau thấy mối đùn lên đắp mộ. Dân làng thấy thiêng bèn lập miếu thờ. Cô rất linh thiêng, thường hiển linh giúp quan quân đánh giặc, giúp dân chữa bệnh hiểm nghèo.

Cô Bé Xương Rồng

Cô Bé là con Mẫu Thượng Ngàn giáng trần, đầu thai vào gia đình cặp vợ chồng già làm nghề bốc thuốc nam chữa bệnh cứu người. Cha mẹ bị giặc giết, cô bé tiếp quản công việc ông bà để lại, hái thuốc chữa bệnh nên được người đời tôn là nữ thần y. Danh tiếng đồn tới tai quân giặc, chúng bắt cô đến chữa chạy cho tướng quân, nhưng vì tiết nghĩa mà cô tuẫn tiết xuống dòng sông chảy xiết. Người dân biết ơn mà lập đền thờ Cô Bé cùng Thái Ông, Thái Bà tại đền Xương Rồng, Thái Nguyên.

Đôi Cô Cam Đường

Đôi Cô, thường đọc chệch thành Cô Đôi Cam Đường, là hai vị Thánh Cô tuổi đôi mươi vốn quê gốc ở Đình Bảng, Bắc Ninh, sau được triều đình phái lên vùng Lào Cai để dò la tình hình giặc Thanh. Hai cô giả làm người buôn vải vóc để che mắt giặc, thường buôn bán, trao đổi hàng hóa với người dân nên được dân làng Chiềng rất mực yêu thương. Một ngày nọ hai cô bị giặc phát hiện và ném xác xuống sông. Xác hai cô trôi dạt về Cam Đường được dân làng Chiềng với lên, thương tiếc khôn nguôi, bèn lập đền thờ đời đời nhang khói. Đôi Cô giáng đồng sau giá Cô Bé, khi về ngự thường mặc áo tứ thân, đội nón quai thao, ban lộc cho người dân có cuộc sống yên bình, hạnh phúc.

Cô Bé Thoải

Cuối cùng, vị trí thứ mười hai trong hàng Thập Nhị Thánh Cô là Cô Bé Thoải, thường hầu cận tại các đền thuộc Thoải Phủ. Thần tích về Cô không được biết đến nhiều, chỉ biết rằng cô rất xinh đẹp, lại quyền phép, biết hô mưa gọi gió, hay chèo thuyền dạo chơi khắp chốn non sông. Cô về ngự đồng mặc áo trắng, tượng trưng cho Thoải Cung.

Cre: Fanpage Epic