Mẫu Đệ Tứ Địa Phủ

0
880

Mẫu Địa Tiên hay còn gọi là Quảng Cung Công Chúa là vị Mẫu Đệ Tứ trong văn hóa thờ Mẫu. Bà vốn là con của Vua Cha trên Thiên Cung được giáng xuống miền đất để làm chúa, nhân sinh dưới quyền của Phong Đô Đại Đế (vua Địa Phủ), tại đây bà được sắc phong Quảng Cung Công Chúa.

Truyền thuyết nói rằng dù là hàng tiên thánh nhưng bà sinh ra trong một hình hài bị phân hủy, bốc mùi khiến cho ai cũng tránh xa. Buồn tủi phận mình, bà rời khỏi Thiên Cung. Khi hạ phàm, bà đào một chốn sâu cùng trong lòng đất và đặt tên nơi này là Địa Phủ. Bà sống trong bóng tối như thế để không ai nhìn thấy mình nữa thế nhưng tháng ngày u buồn quá chán nản, bà tự cắt chiếc bóng của mình ra và hóa phép để chúng làm những người bạn tâm sự cùng mình. Vì chúng được tạo ra từ tâm trạng u uất của bà nên hình dáng cũng chẳng mấy xinh đẹp, lại chẳng có bóng của riêng mình vì chính bản thân chúng đã là chiếc bóng, dân gian về sau gọi đó là “ma” và “quỷ”. Thế nên mới có câu: “Xấu như ma chê quỷ hờn”. 

Lúc bấy giờ những lớp người sinh sôi rồi lại chết đi, linh hồn của họ không chấp nhận sự ra đi về bóng tối của mình nên quanh quẩn trần thế, không ít những hồn ma bóng quế làm việc hại đến con người. Ngọc Hoàng thấy vậy lệnh cho Mẫu Địa thu nhận những âm hồn ấy về chốn Địa Phủ. Quảng Cung Công chúa vâng lệnh, bà nhìn thấy tuy những linh hồn kia đã mất đi xác thân nhưng bản tính vẫn còn, trăm nghiệp lúc sống vương vấn quanh mình nên cũng muốn chúng được đối xử bình đẳng. Thế là bà lập ra nơi phân xử công tội của con người sau khi chết, những chiếc bóng của bà thì trở thành quỷ sai hành tội hoặc dẫn hồn đi đầu thai. Trong tín ngưỡng dân gian ta, Mẫu Địa Phủ ngồi trên một cỗ xe ngựa, cầm thòng lọng đi thu gom linh hồn người đã khuất. Hồn nào bị thòng lọng của bà tròng qua đầu thì phải hồi quy Địa Phủ nghe lệnh. Về sau do ảnh hưởng của Phật Giáo và Đạo Giáo nên nhiệm vụ này thuộc về Ngưu Đầu Mã Diện hoặc Hắc Bạch Nhị Vị Song Án. 

Thiên tai, loạn lạc, con người giết hại lẫn nhau khiến cho số hồn ma bóng quỷ đếm không xuể, một mình Mẫu không thể giải quyết nên bà chọn ra linh hồn của chín người đã tạo đủ phước đức lúc sinh thời và phong họ là Cửu Điện Diêm Vương, Địa Phủ từ đó mà chia ra chín cửa ngục để phán xét các âm hồn. 

Lại nói, các hồn ma sau khi chịu tội thì vẫn cay hận trong lòng vì lũ quỷ đã hành tội chúng, chúng quyết ở lại Địa Phủ rồi hợp sức cùng bọn “tân ma” mà phá phách, làm loạn. Thánh Mẫu lại phiền lòng, đúng lúc này quỷ dẫn đến hai linh hồn. Một người nam thì kể ra cuộc đời của tất cả nhân sinh cho tới thượng cầm hạ thú như thể anh ta sống cuộc đời của tất cả chúng sinh vậy, còn người nữ thì không nhớ bất kỳ thứ gì kể cả mình là ai cũng chẳng nhớ. Biết ngay đây là người của nhà Trời phái xuống giúp việc, bà phong người nam làm Chuyển Luân Vương cai quản luân xa, ngự trên bánh xe luân hồi mà lo việc đầu thai chuyển thế cho âm hồn. Người nữ kia là Mạnh Bà nấu ra thứ cháo lú cho nguyên hồn ăn xong thì không thể nhớ việc tiền kiếp, đầu óc ngây thơ, sẵn sàng làm đứa trẻ sơ sinh mà sống cuộc đời mới.