Thần Thành Hoàng

0
680


Thần Thành Hoàng là tên gọi chung của những vị thần cai quản đình làng và cả một khu vực làng xã, hoặc thành lũy có đường biên, tức là quyền lực lớn hơn thần Đất. Mỗi làng, mỗi thành đều chọn thờ một Thần Thành Hoàng để thần bảo vệ và ban phúc lành cho dân, có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị.

Xét theo công trạng mà các thần đã phò giúp nhà vua đánh giặc, giúp dân trừ thiên tai địch họa, bệnh dịch, tai ách và giúp dân lập ấp, mở nghề mà triều đình ra sắc phong cho các thần Thành hoàng thành theo các cấp độ như sau:

Thượng đẳng thần bao gồm các vị thần có công lớn với dân, với nước, được nhà vua sắc phong và lập đền thờ như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão,… và các thiên thần được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian như Tản Viên Sơn Thần, Thánh Gióng, Liễu Hạnh công chúa, Chử Đồng Tử… Tất cả các vị thần này đều có công trạng hiển hách và được vua sắc phong làm Thượng đẳng thần. Ví dụ cụ thể như thành Thăng Long (Hà Nội) thờ Thành Hoàng là thần Long Đỗ tại đền Bạch Mã.

Trung đẳng thần là các vị thần hoặc các quan địa phương có công khai điền lập ấp, có ơn với dân, có khi là các vị thần mà dân làng thờ đã lâu, có tên họ mà không rõ công trạng, hoặc có quan tước mà không rõ tên họ, hoặc những vị thần có chút linh dị, cho tới khi vua cầu đảo, có ứng nghiệm thì triều đình phong làm Trung đẳng thần.

Hạ đẳng thần là những vị thần được dân làng thờ cúng tuy không rõ thần tích, nhưng cũng thuộc bậc chính thần. Triều đình theo dân làng mà sắc phong làm hạ đẳng thần.

Ngoài ba vị phúc thần trên, nhiều làng còn thờ cúng cả những vị thần kỳ dị như: thần ăn mày ở làng Thư Lan – Nam Hà; thần ăn trộm ở làng Lông Khê – Thái Bình; thần gắp phân ở làng Cổ Nhuế – Hà Nội; thần trẻ con, thần tà dâm… Theo cách giải thích của dân gian thì những vị thần này ngoài những khả năng khác thường, họ còn được thờ cúng bởi chết vào các giờ thiêng. Lúc đầu do sợ hãi mà dân làng thờ cúng sau lâu dần họ được thờ phụng rộng rãi hơn nhằm giúp dân làng xua đi rủi ro, bảo trợ cho sự tồn tại và phát triển của cộng đồng làng.