Xá Tội Vong Nhân

0
401

Vào thời Đức Phật còn tại thế, vua Bình Sa Vương đã có một lần nằm mộng thấy một đám người rách rưới đeo đám vào cổng thành mà kêu khóc rất thảm thiết. Ông đem chuyện này trình bày với Đức Phật và Ngài đã dùng túc mạng thông nhìn rõ vạn sự ở tiền kiếp. Phật nói rằng những chúng sinh đó đều là thân bằng quyến thuộc của ông ở những kiếp trước, do lúc sống không gieo trồng thiện duyên lại còn tạo nhiều ác nghiệp vì vậy đã ở cảnh giới Ngạ Quỷ mà thọ trăm nghìn điều khổ. Nay Phật khuyên ông nên đi làm những việc phước thiện rồi khi làm những điều ấy xong thì hồi hướng công đức này cho họ để họ nhờ đó mà thoát dòng khổ ải.

Lại nói, một lần khác A Nan (một trong những tôn giả đệ tử của Phật) đang ngồi thiền ở tinh xá thì có một con Khẩu Diệm Quỷ tìm đến và cảnh cáo rằng nghiệp quả đời trước của ông sắp đến, nếu không mau cúng tế cho nó thì ba ngày sau ông cũng sẽ trở thành quỷ miệng lửa như nó. A Nan tìm nhờ Đức Phật chỉ cách, Phật bảo ông thành lập đàn tràng và truyền cho bài chú “Cứu bạt Diệm Khẩu Ngạ quỷ Đà La Ni”. A Nan nhờ đó mà thoát được ách nạn.

Khi Phật Giáo du nhập vào Trung Hoa, với tín ngưỡng Đạo Giáo bản địa, người ta tin rằng tháng Bảy âm lịch là khoảng thời gian Diêm Vương cho mở cửa Quỷ Môn Quan để các âm hồn về thăm gia quyến, mỗi gia đình sẽ lập đàn tế lễ cho người thân quá cố nhận được phẩm vật. Với sự phát triển của Phật Giáo, người ta thấy rằng những vong hồn vất vưởng không nơi nương tựa, không có gia quyến phụng thờ thì sẽ đi về đâu? Từ đó, các gia đình thường làm buổi tế lễ cho các vong hồn này để chúng không quấy phá cuộc sống của họ. Còn những nơi cửa Thiền môn với tấm lòng từ bi, người ta tổ chức lễ kỳ siêu bạt độ để mong những vong linh kia sẽ bỏ đi chấp nhất ở trần thế mà thuận ý đi lên cầu Nại Hà đầu thai.

Đối với người Việt Nam, chúng ta không những ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa mà còn chịu tác động của tác phẩm “Văn tế thập loại chúng sinh” của đại thi hào Nguyễn Du:

“Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô,
[…]
Có khôn thiêng phảng phất u minh,
Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen.
[…]
Cô hồn nhờ gửi tha phương,
Gió trăng hiu hắt, lửa hương lạnh lùng.
[…]
Lập lòe ngọn lửa ma trơi,
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương.”

Từ quan niệm này, người Việt tổ chức lễ kỳ siêu cho các vong hồn phiêu bạt không nơi nương tựa, nhà nước tưởng nhớ anh linh các chiến sĩ vị quốc vong thân. Kèm theo đó, người ta cúng tế cho ông bà tổ tiên quá vãn đồng thời “hối lộ” cho các quan lại địa phủ để họ “giơ cao đánh khẽ” với người thân của mình.

“Kìa những kẻ mũ cao áo rộng,
Ngọn bút son thác sống ở tay,
Kinh luân găm một túi đầy,
Đã đêm Quản Cát lại ngày Y Chu.”

Văn hóa về Đầu Trâu Mặt Ngựa và Quỷ Vô Thường cũng tác động không ít đến tâm linh người Việt. Lễ kỳ siêu vong linh còn được gọi là “Trai đàn chẩn tế” tổ chức theo truyền thống Phật giáo Bắc tông, hy vọng chư Phật, Bồ tát rủ lòng từ bi tế độ những vong hồn giác ngộ nghĩa lý, siêu sinh tịnh độ_quan niệm này cũng một phần ảnh hưởng bởi tác phẩm của Nguyễn Du:

“Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tịnh bình rưới hạt dương chi
Muôn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan, cứu khổ, hồn về tây phương.
[…]
Nhờ đức Phật thần thông quảng đại,
Chuyển pháp luân tam giới thập phương,
Nhơn nhơn Tiêu Diện đại vương,
Linh kỳ một lá dẫn đường chúng sinh.”

Vì vậy vào dịp này, mọi người mong muốn cả người thân của mình và những cô hồn vất vưởng đều được xóa bỏ tội trạng lúc sống mà lên đường đầu thai chuyển kiếp, từ đó trong văn hóa tâm linh gọi tháng Bảy âm lịch là tháng “xá tội vong nhân”.