Hanuman

0
1015

Đây có lẽ là một trong những nhân vật yêu thích nhất của nhân dân khi nghe kể về thần thoại Hindu. Thật vậy, Hanuman là một người anh hùng được ngưỡng mộ không kém gì Heracles trong thần thoại Hy Lạp hay thần Thor trong thần thoại Bắc Âu.

Có nhiều phiên bản khác nhau kể về nguồn gốc của Hanuman, nhưng nhìn chung đều có liên quan ít nhiều đến thần Shiva và thần gió Vayu. Có chuyện kể rằng, thần Shiva và nữ thần Parvati, trong một lần “đổi gió”, quyết định làm tình với nhau dưới hình dạng 2 con khỉ (2 thần thật là biết hưởng thụ mà). Nữ thần Parvati thụ thai, đương nhiên cái thai sẽ mang hình hài loài khỉ vì bố mẹ nó thụ thai trong lốt khỉ. Vậy là thần Shiva ra lệnh cho thần gió Vayu mang bào thai đó cấy vào một con khỉ cái dưới trần thế đang cầu nguyện có được một đứa con. Một chuyện khác thì kể rằng thần Shiva, không kìm chế được dục vọng trước nhan sắc tuyệt trần của nàng Mohini (vốn là một hóa thân của thần Vishnu), vì thế mà…mộng tinh. Thần gió Vayu, không để phí tinh trùng quý báu của thần Shiva, đem cấy vào dạ con của khỉ cái Anjana. Cho dù các câu chuyện có khác nhau về quá trình, nhưng nhìn chung kết quả vẫn là Anjana đã đẻ ra một đứa con đặc biệt, một á thần mang trong mình dòng máu của thần Shiva cao quý và được thần gió Vayu bảo trợ.

Hanuman – sinh vật mặt khỉ nhưng mang vóc dáng lực lưỡng như một người đàn ông, ngay từ lúc chưa sinh đã thể hiện sức mạnh tiềm ẩn của mình. Khi Anjana mang thai Hanuman, vua của loài khỉ là Vali đã tiên tri trước được rằng sẽ có một con khỉ sinh ra có thể trở thành đối thủ của hắn. Vậy là hắn âm mưu dùng một loại ám khí được tạo thành từ 5 kim loại (vàng, bạc, đồng, sắt, thiếc) để đâm vào dạ con Anjana, thế nhưng ám khí không thể làm tổn hại đến giọt máu của thần Shiva mà tan chảy ra và trở thành một chiếc khuyên đeo bên tai của Hanuman.

Ở tuổi thiếu niên, Hanuman là một đứa trẻ tinh nghịch, thích bày trò chọc phá mọi người. Một lần ông nhìn thấy Mặt Trời trên cao và tưởng rằng đó là một trái quả chín mọng. Vậy là Hanuman nhảy lên trời, định bụng sẽ nuốt luôn “trái quả” đó. Lo sợ sinh vật này sẽ gây ra nhật thực, thần Indra xuất hiện, ném cho Hanuman một tia sét vào mặt. Nổi giận vì đứa con nuôi yêu quý của mình bị đánh, thần gió Vayu quyết định biến mất, khiến cho thế giới không còn những cơn gió, không có sự chuyển động của không khí và mọi sinh vật đều chết ngạt. Nhận thấy tình thế nghiêm trọng, các vị thần đành đến tạ lỗi và cầu xin thần gió Vayu quay trở lại. Họ lần lượt chúc phúc và ban tặng những món quà cho Hanuman như một lời xin lỗi. Thần Indra tặng Hanuman một cơ thể kim cương bất hoại, thần lửa Agni và thần nước Varuna tặng cho khả năng kháng lửa và kháng nước, thần Mặt trời Surya ban tặng khả năng phóng to thu nhỏ, thần Yama tặng sự bất tử… và cuối cùng thần Brahma ban tặng cho Hanuman sức mạnh vô địch và không thể bị thương bởi bất cứ vũ khí tầm thường nào.(Nói chung bài học ở đây là trước khi đánh đứa nào, phải tìm hiểu kỹ bố nó là ai đã).

Sau đó, Hanuman lại được thần Mặt trời Surya nhận làm học trò. Nhờ sự dạy dỗ của thần Surya, Hanuman thành thạo 4 pho sách kiến thức (kinh Vệ Đà), 6 hệ triết học Ấn Độ, 64 loại hình nghệ thuật và 108 phép thuật huyền bí, vũ khí mà Hanuman thường sử dụng là một cây chùy Gada. Để đền ơn thầy, Hanuman trở thành người bạn tri kỷ của Sugriva – con trai thần Surya và cũng là vua khỉ trong tương lai.

Trong sử thi Ramayana, Hanuman trở thành một nhân vật quan trọng, một chiến tướng mạnh mẽ và tâm phúc của hoàng tử Rama, trợ giúp cho Rama rất nhiều trong công cuộc giải cứu người vợ Sita, đối đầu với quỷ vương Ravana và giúp Rama đòi lại ngai vàng (sẽ kể rõ hơn trong bài viết về sử thi Ramayana). Chính vì những công lao đó, thần khỉ Hanuman được tôn thờ như một biểu tượng của người anh hùng, trái tim dũng cảm, đức hi sinh và lòng trung thành tận tụy.

Thờ thần Hanuman giúp người ta đối diện với cái xấu của chính bản thân mình, trao cho con người sức mạnh, lòng dũng cảm để chịu đựng những thử thách trong cả cuộc đời.
Yêu mến trước những phẩm chất của Hanuman, nữ thần Kali đã phong ông làm vị thần gác cửa cho đền thờ của bà, vì vậy khi đến các ngôi đền thờ thần Kali, người ta thường thấy tượng thần khỉ ở ngoài cổng đền.