Tứ Kỵ sĩ Khải huyền

0
2128

Tứ Kỵ sĩ Khải huyền đã quen thuộc với đại chúng như một biểu tượng của ngày tận thế, nhưng thực tế họ chỉ xuất hiện trong vỏn vẹn vài dòng ngắn ngủi trong sách Khải Huyền – cuốn sách cuối cùng của Kinh Thánh Tân Ước. Khải huyền là những thị kiến của thánh John về Ngày Phán Xét, được mặc khải từ Đức Jesus Christ như một thông điệp từ Thiên Chúa. Trong cuốn sách này, thánh John đã mô tả những hình ảnh tương lai về Ngày Phán Xét, ngày tận diệt của thế giới, để rồi từ đó mở ra một tương lai tươi sáng lạc quan nơi vinh quang của Thiên Chúa tiếp tục dẫn lối cho nhân loại.

Tứ Kỵ sĩ Khải huyền được mô tả trong chương 6 của cuốn sách. Theo đó, trên tay phải của Thiên Chúa có một cuốn sách được niêm phong bởi bảy dấu ấn. Khi Con Chiên (biểu tượng cho Đức Jesus Christ) mở bốn chiếc ấn đầu tiên, lần lượt Tứ Kỵ sĩ Khải huyền xuất hiện, gieo rắc những tai ương cho thế giới. Các kỵ sĩ của Chinh phạt, Chiến tranh, Nạn đói, và Chết chóc xuất hiện nối tiếp nhau, là đội quân tiền trạm, là tiếng hiệu mở màn cho những tai ương kế tiếp sẽ xảy ra với nhân gian trong Ngày Phán Xét.

1. CON NGỰA TRẮNG – CHINH PHẠT/DỊCH HẠCH (CONQUEST/PESTILENCE):

“Tôi lại thấy: khi Con Chiên mở ấn thứ nhất trong bảy ấn, thì tôi nghe một trong bốn Con Vật(*) hô lên, tiếng vang như sấm : “Hãy đến!”. Tôi thấy: kìa một con ngựa trắng, và người cưỡi ngựa mang cung. Người ấy được tặng một triều thiên và ra đi như người thắng trận, để chiến thắng.” (Khải huyền 6:1-2)

Hình ảnh con ngựa trắng đầu tiên và gã kỵ sĩ mang cung, đeo mão miện được giải nghĩa biểu tượng cho sự Chinh phạt, những vua chúa tham vọng. Một cách giải nghĩa khác cho rằng đó là biểu tượng của Dịch hạch, những bệnh tật ôn dịch sẽ càn quét nhân loại trước thềm cuộc chiến tranh.

2. CON NGỰA ĐỎ – CHIẾN TRANH (WAR):

“Khi Con Chiên mở ấn thứ hai, thì tôi nghe Con Vật thứ hai hô: “Hãy đến!”. Một con ngựa khác đi ra, đỏ như lửa, người cưỡi ngựa nhận được quyền tước hoà bình khỏi mặt đất, để cho người ta giết nhau; người ấy được ban một thanh gươm lớn.” (Khải huyền 6:3-4)

Hình ảnh gã kỵ sĩ thứ hai, mang gươm cưỡi con ngựa đỏ như lửa được giải nghĩa là biểu tượng cho Chiến tranh. Những kẻ chinh phạt kéo theo chiến tranh, và con người giết lẫn nhau. 

3. CON NGỰA ĐEN – NẠN ĐÓI (FAMINE)

“Khi Con Chiên mở ấn thứ ba, thì tôi nghe Con Vật thứ ba hô: “Hãy đến!”. Tôi thấy: kìa một con ngựa ô, và người cưỡi ngựa cầm cân trong tay. Tôi lại nghe như có tiếng nói từ giữa bốn Con Vật vang lên: “Một cân lúa mì, một quan tiền! Ba cân lúa mạch, một quan tiền! Còn dầu và rượu, thì chớ đụng đến!” (Khải huyền 6:5-6)

Gã kỵ sĩ thứ ba, kẻ mang cán cân và cưỡi con ngựa ô được cho là biểu tượng của Nạn đói. Tiếng kêu vang cho thấy giá lương thực đã tăng gấp mười lần bình thường. Đói kém, mất mùa. Lúa mì, lúa mạch là những mặt hàng thiết yếu cho sự sống mà con người còn chẳng đủ ăn, nhu cầu dầu và rượu trở nên xa xỉ. Nạn đói là điều tất yếu xảy ra sau khi bị Chiến tranh tàn phá.

4. CON NGỰA XÁM XANH – CÁI CHẾT (DEATH)

“Khi Con Chiên mở ấn thứ bốn, thì tôi nghe tiếng Con Vật thứ bốn hô: “Hãy đến!”. Tôi thấy: kìa một con ngựa xanh nhạt, và người cỡi ngựa mang tên là Tử thần, có Âm phủ theo sau. Chúng nhận được quyền hành trên một phần tư mặt đất, để giết bằng gươm giáo, đói kém, ôn dịch và thú dữ sống trên đất.” (Khải huyền 6:7-8)

Kỵ sĩ cuối cùng cưỡi trên con ngựa xanh nhạt hoặc xám nhạt (pale) tái như màu xác chết, được gọi tên là Tử thần (Thanatos), đi theo là Âm phủ (Hades) đại diện cho cõi chết. Hắn không mang theo một vật gì, chỉ có Âm phủ đi cùng (trong các tranh vẽ minh họa thường cho hắn mang theo lưỡi hái tử thần). Việc của hắn là thu thập những xác chết bị bỏ lại khi Chinh phạt/Dịch hạch, Chiến tranh và Nạn đói đã đi qua. Tất cả theo hắn dẫn đường về Âm phủ.

TÓM TẮT CÁC SỰ KIỆN XẢY RA SAU KHI TỨ KỴ SĨ ĐI QUA:

Con Chiên tiếp tục mở ấn thứ năm, xuất hiện linh hồn của những linh mục và môn đồ từng bị giết hại trên con đường truyền đạo. Mở ấn thứ sáu, động đất, nhật thực, nguyệt thực, những vì sao biến mất, bầu trời như tách đôi, núi và đảo dịch chuyển khiến vua chúa hoảng sợ phải trốn lủi trong lâu đài. Mở ấn thứ bảy, vạn vật im lặng trong nửa giờ, rồi một thiên thần đến dâng hương, xong ném bình hương xuống mặt đất gây ra sấm chớp và động đất.

Rồi sáu thiên thần lần lượt thổi kèn, mỗi tiếng kèn vang lên, một phần của thiên nhiên lại bị tàn phá, từ đất đai, nước biển, cỏ cây, động vật và loài người. Hai nhân chứng dưới hình dạng hai cây đèn hoặc hai cây oliu chứng kiến tất cả trong suốt 1,260 ngày. Họ bị con quái thú thừ vực thẳm giết hại, sau được Thiên Chúa hồi sinh và đón lên thiên đàng. Rồi thiên thần thứ bảy thổi kèn, vang lên tiếng chúc tụng quyền năng Thiên Chúa. 

Và rồi, Chiến tranh Thiên đàng (War in Heaven) diễn ra… Diễn biến tiếp theo thế nào, xin hẹn một bài viết khác.

Ghi chú: (*) Bốn Con Vật: là bốn linh thú đầu con sư tử, con bò mộng, con đại bàng và con người đứng bên Thiên Chúa, cũng xin để dành giới thiệu trong một bài viết khác.