LEVIATHAN – Một trong 7 hoàng tử địa ngục

0
3655

Đến với nhân vật tiếp theo trong bảy hoàng tử địa ngục là Leviathan, một con thủy quái trong kinh thánh Do Thái (Job, Psalms và Isaiah.) Trong kinh Job, Leviathan là một sinh vật gần giống với Lotan, con thủy quái cổ xưa bị đánh bại bởi vị thần Ba’al.

Một điển tích khác cũng được cho có liên quan tới con quái vật này là về câu chuyện thần bão Marduk giết chết mẹ mình, nữ thần Tiamat – một con quái vật biển khổng lồ, và sau đó tạo ra bầu trời cùng mặt đất bằng xác của bà. So sánh giữa các truyền thuyết về loài quái vật biển với nhau, hầu hết những sinh vật này có hình dạng giống rồng hoặc rắn biển, chẳng hạn quái vật Vrtra bị giết bởi Indra, hay Thor đã giết chết con quái vật Jormungandr. Những loài thủy quái như thế xuất hiện nhiều và trở nên gần gũi trong những nền văn minh cổ đại gắn liền với sông hoặc biển. Trong thời kỳ La Mã và Hy Lạp xưa, đại dương và những gì sống bên dưới vẫn còn là bí ẩn với con người. Nhiều loài cá voi khổng lồ cũng có thể khiến những người sống ở thời đại này liên tưởng tới quái vật, thêu dệt nên các câu chuyện về thủy quái.

Trong kinh Job, cả Leviathan và Behemoth đều được liệt kê cùng những loài vật có thật như dê, đại bàng, diều hâu, dẫn đến việc một vài học giả Cơ Đốc giáo cho rằng hai cái tên này ám chỉ loài vật nào đó có thật. Với Leviathan, đó có thể là cá sấu hoặc cá voi. Tuy nhiên ở vùng Cận Đông, khó mà có các loài cá voi thông thường xuất hiện trong điều kiện khí hậu ấm như vậy. Trong Thời đại Vàng ở Châu Âu, những thủy thủ trông thấy Leviathan dưới hình dạng na ná cá voi, thường là rắn biển, có thể đánh chìm cả một con thuyền.

Cũng đôi khi, Leviathan là một từ nhằm ám chỉ biển, Behemoth và Ziz là đất và không khí. Một số học giả giải nghĩa Leviathan là phép ẩn dụ cho những kẻ thù hùng mạnh của người Israel. Số khác cho rằng đó là một cách gọi những loài thủy quái biển hay liên quan đến các sinh vật này trong truyền thuyết, Tiamat là một ví dụ.

1. Từ nguyên học.
Cái tên לִוְיָתָן có nguồn gốc từ thuật ngữ לוה lvh, có nghĩa là “xoắn vặn”, “nối lại”, “quấn quanh cái gì đó”. Cả hai từ này nều nằm trong thần thoại và ám chỉ con thủy quái Lotan trong thần thoại Semitic, một trong những con quái thú mạnh nhất của thần biển Yammu, sau đó bị đánh bại bởi thần Hadad Ba’al (theo Baal Cycle – những câu chuyện về vị thần Ba’al trong văn hóa Canaanite bằng tiếng Ugaritic.) Tuy nhiên, ngôn ngữ Ugaritic có rất nhiều kẽ hở, khiến người ta không biết những đoạn văn miêu tả con quái vật này là về Lotan hay một con thủy quái khác cũng thuộc về thần Yammu, tên là Tunanu.

Hình ảnh con rắn biển rất phổ biến trong thần thoại vùng Cận Đông cổ. Chúng bắt đầu xuất hiện vào thời kỳ vàng của thế kỷ 3 TCN vùng Sumerian qua những biểu tượng miêu tả vị thần Ninurta chiến thắng con thủy quái bảy đầu. Ngoài ra còn phải nhắc đến trận chiến Chaoskrampf, một trận đánh nổi tiếng giữa con thủy quái đại diện cho thế lực hỗn mang với những vị thần và anh hùng trong thần thoại.

2. Do Thái giáo.
Theo một bản midrash (có thể hiểu là bản giải thích, chú giải kinh thánh bằng tiếng Do Thái; vì đây là một thuật ngữ nên mình sẽ giữ nguyên không dịch), Leviathan được Chúa tạo ra vào ngày thứ năm. Leviathan trong kinh Psalm không phải là một sinh vật độc ác, chỉ là một trong những tạo vật của Chúa thuộc về biển. Các cuộc chiến giữa thánh thần và thủy quái trong truyền thuyết cùng cái tên Leviathan là để mô tả sự hùng mạnh của kẻ thù của người Israel, tuy nhiên lại gây ảnh hưởng lớn tới thần thoại vùng Lưỡng Hà và Canaanite, hay thậm chí là thần thoại Ai Cập (cuộc chiến giữa Apep và thần mặt trời Horus). Có vẻ như những dị bản truyền thuyết ây đã ảnh hưởng không ít tới Leviathan, biến nó từ một vị thần thành quái vật biển tới quỷ.

Người Do Thái từng mô tả Leviathan là một con rồng sống sâu dưới đáy biển, cùng với một con quái vật trên cạn là Behemoth. Kinh Enoch miêu tả Leviathan là một con quái vật cái sống dưới vực sâu (tương tự Tiamat), trong khi đó, Behemoth sống trong một sa mạc tại Dunaydin (phía Đông vườn địa đàng). Khi những bản midrash của kinh Tanakh được soạn thảo lại, trong đó có viết rằng, ban đầu Chúa đã tạo ra một Leviathan đực và một Leviathan cái, nhưng vì lo sợ rằng những sinh vật này sẽ hủy diệt thế giới, Ngài giết con cái, mang da thịt của nó để dùng trong bữa tiệc giáng thế của đấng Messiah.

Một truyền thuyết khác về Leviathan được ghi chép lại trong các văn bản midrash kể lại rằng, “con cá khổng lồ” đã nuốt chửng nhà tiên tri Jonah (một nhà tiên tri người Bắc Isreal thế kỷ thứ 8 TCN) là để ông không bị thủy quái Leviathan ăn thịt mất. (Các bạn có thể tham khảo thêm về điển tích này để hiểu rõ hơn.) Cơ thể của Leviathan mang sức mạnh hủy diệt rất lớn, đặc biệt là đôi mắt – theo giáo sĩ Eliezer, người đã từng có chuyến đi xa qua đại dương với giáo sĩ Joshua. Sau này, ông kể lại trong sợ hãi rằng mình đã chứng kiến một luồng sáng đột ngột xuất hiện khi trên thuyền, có thể do thủy quái Leviathan gây ra. Điều này cũng đã được nhắc đến trong kinh Job 18.

3. Cơ Đốc giáo.
Dù cái tên Leviathan và Behemoth không được trực tiếp nhắc tới trong Tân Ước, nó vẫn xuất hiện ở kinh Revelation 13, mô tả hai con quái thú trỗi dậy từ đại dương và lòng đất. Leviathan có thể là một hình ảnh khác của Satan, đều đe dọa tới những tạo vật của Chúa bằng cách ăn thịt chúng và mong muốn phá hủy thế giới bằng sức mạnh của hỗn mang, bóng tối. Thomas Aquinas miêu tả Leviathan là con quái vật tương ứng với tội Ghen Tỵ trong bảy mối tội đầu, và cũng là một trong bảy hoàng tử địa ngục. Leviathan dường như có liên quan tới cả Hellmouth, một con quái vật đáng sợ có cái miệng là cổng vào địa ngục, được tìm thấy ở những tác phẩm hội họa của Anglo-Saxon năm 800.

Một số phiên bản khác trong kinh thánh cho rằng Leviathan có thể là tên của một loài cá sấu, Behemoth là tên của hà mã. Mặt khác, theo những giả thuyết về khởi nguồn của trái đất, Leviathan và Behemoth lại được coi là tên một giống khủng long đã tuyệt chủng từ lâu.