Rasputin – gã thầy tu bí ẩn nhất nước Nga

0
645

Xung quanh cuộc đời của Rasputin – gã thầy tu tâm phúc của hoàng gia Nga và người tình đồn thổi của hoàng hậu là những truyền thuyết bí ẩn, li kỳ, là kẻ làm lũng đoạn triều chính những năm cuối của thời kỳ Nga hoàng, cho đến ngày nay, y vẫn được mệnh danh là người đàn ông bí ẩn nhất nước Nga,

Grigori Rasputin sinh năm 1869 tại một miền quê Siberia. Ngoài 20 tuổi, Rasputin bắt đầu theo học tại một tu viện. Sau khi tốt nghiệp, y trở thành tu sĩ và bắt đầu đi truyền đạo, lang thang qua Jerrusalem và Hy Lạp, mặc dù không hề được công nhận chính thức trong hệ thống giáo hội chính thống của Nga. 

Sau thời gian lưu lạc, Rasputin về nước và đến thủ đô St.Peterburg. Nhờ khả năng diễn thuyết và kiến thức của mình, y nhanh chóng chiếm được sự tin tưởng của giai cấp thượng lưu cũng như nhà thờ, trở thành nhân vật quan trọng tại nhiều phòng khách giới quý tộc. 

Bước ngoặt đỉnh điểm trong sự nghiệp của Rasputin là đã chữa thành công căn bệnh máu khó đông cho hoàng tử Alexei chỉ bằng những lời cầu nguyện. Từ đây, con đường thăng tiến của Rasputin lên như diều gặp gió. Y trở thành một thầy thuốc và thầy tu của hoàng gia, là nhà tiên tri giúp hoàng hậu Alexandra giao tiếp với thần linh và bắt đầu có nhiều ảnh hưởng đến công việc chính trị. Dần dà, Rasputin xây dựng và củng cố quyền lực của mình trong triều đình Nga hoàng, có thể gây tác đông nên những quyết định của vua Nicholas, còn hoàng hậu Alexandra thì coi y như bạn tâm giao. Trong thế chiến 1, Rasputin thậm chí còn lợi dụng khả năng tiên tri của mình và buộc vua Nicholas phải đích thân ra trận với lí do như vậy mới đánh thắng được người Đức. Chẳng một ai có thể xâm phạm dến Rasputin mà không bị giết hại hay cho đi biệt xứ. Đây được coi là một thời kỳ đen tối trong triều đình Nga hoàng dưới cái bóng của Rasputin.

Ấy thế nhưng, nếu người dân ở các vùng khác coi Rasputin là phù thủy, quỷ dữ, làm suy yếu nước Nga thì ở ngay thủ đô, y lại rất được sủng ái và hâm mộ, đặc biệt là đối với các quý cô quý bà. Rasputin tuyên truyền những giáo lý mê hoặc lòng người, khiến phụ nữ tin rằng nếu động chạm vào cơ thể của y có thể khiến họ chữa được bách bệnh, và thế là Rasputin có cả 1 dàn harem bao gồm các mệnh phụ phu nhân và các tiểu thư quý tộc, luôn chào đón y trên giường. Y thậm chí còn lập ra một giáo phái riêng gọi là Khlysty, thực hiện những nghi lễ hành xác và giao hoan tập thể.

Trước sự lộng hành của Rasputin, hoặc cũng có thể là do gato bởi dàn harem, các nhà quý tộc bắt đầu lập kế hoạch diệt trừ Rasputin. Y đã từng bị ám sát bằng dao đâm nhưng không chết. Một lần, họ dụ y đến cung điện Moika, mời y ăn bánh ngọt và uống rượu vang có tẩm độc, thế nhưng thật bất ngờ, lượng độc có thể giết 5 mạng người vẫn không làm Rasputin hề hấn gì. Quá sợ hãi, những nhà quý tộc rút súng ra bắn trúng lồng ngực Rasputin. Y không chết mà vùng dậy khỏi vũng máu, lao vào đòi lấy mạng kẻ thù. Họ tiếp tục nã thêm 3 phát đạn nữa vào người y, dùng gậy đánh rồi buộc chặt y bằng vải, đem ném xuống dòng sông băng Neva. 3 ngày sau, người ta mới vớt được xác Rasputin lên và kết luận rằng y bị chết đuối.

Sau cái chết của Rasputin, ít lâu sau chế độ Nga hoàng cũng sụp đổ bởi phong trào Cách mạng. Những người nông dân căm ghét Rasputin đã quật mộ y lên và đem đốt xác. Theo đồn đại, mặc dù chỉ còn là bộ hài cốt, y vẫn co quắp và giãy dụa trong ngọn lửa, dấy lên niềm tin rằng Rasputin thực chất là quỷ dữ đội lốt người.

Câu chuyện về Rasputin vẫn còn những chi tiết huyền bí cho đến tận gần 100 năm sau. Vào những năm 70, nhóm nhạc disco Boney M tung ra bản hit “Rasputin” lấy cảm hứng từ cuộc đời của nhân vật bí ẩn nhất nước Nga này. Rất trùng hợp, thành viên nam duy nhất của nhóm, Bobby Farrell mất vào ngày 30/12/2010, đúng vào ngày mất của Rasputin cách đó 94 năm. Và trùng hợp hơn nữa, ông mất ở ngay St.Peterburg, rất gần với con sông nơi Rasputin vong mạng.